Xử lý tốt phân trẻ em nhằm phòng tránh bệnh tay chân miệng lây lan

(NTO) Bệnh Tay chân miệng (TCM) là một bệnh nhiễm vi rút cấp tính. Dấu hiệu nhận biết của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Bệnh TCM lây lan rất nhanh, có thể có các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não dễ dẫn đến tử vong. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh.

Bệnh TCM lây truyền qua đường tiêu hóa, xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhưng thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 3 tuổi (các trẻ nhỏ thường dễ bị biến chứng nặng hơn). Trẻ mắc bệnh TCM dưới 3 tuổi chiếm khoảng 80%.

Nguồn truyền bệnh cho trẻ là do vi rút có trong nước miếng, dịch mũi họng, dịch bóng nước, nước tiểu và đặc biệt là phân của trẻ bị bệnh phát tán ra môi trường xung quanh, vi rút này tồn tại trong đồ ăn thức uống, sàn nhà đồ chơi, vật dụng sinh hoạt hằng ngày, bàn tay của người chăm sóc trẻ và sẽ tấn công vào cơ thể trẻ qua đường miệng.

Đặc biệt phân của người bệnh TCM chứa vi rút với mật độ rất cao, người bị bệnh có thể làm lây lan bệnh nhiều nhất trong tuần đầu tiên của bệnh, nhưng thời gian gian lây nhiễm có thể kéo dài trong vài .

Bệnh TCM thường có 2 đợt cao điểm bùng phát mạnh trong năm, đợt 1 từ tháng 3 đến tháng 5, đợt 2 từ tháng 9 đến tháng 12 hằng năm. Những ngày đầu của tháng 12-2014, tại tỉnh ta số ca mắc gia tăng. Nguy cơ xảy ra dịch vào thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán là rất cao.

Những lưu ý khi chăm sóc trẻ trong phòng bệnh TCM:

- Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường vô cùng quan trọng: Cần vệ sinh cá nhân cho trẻ hàng ngày, rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước và sau khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

- Các loại quần áo, tã lót, khăn mặt sau khi giặt sạch bằng xà phòng cần ngâm dung dịch Javel và không giặt chung với các loại quần áo của trẻ lành với trẻ bệnh.

- Các hộ gia đình, nhà trẻ, lớp mẫu giáo cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Cần rửa tay sạch cho trẻ bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Nên cho trẻ đi cầu vào bô, chậu có sẵn chất diệt khuẩn như nước javel, dung dịch sát khuẩn sau đó đổ vào nhà vệ sinh, rửa thật sạch dụng cụ. Nhà vệ sinh của các gia đình có người bị bệnh TCM cần sạch sẽ, được lau chùi bằng xà phòng và các dung dịch nước javel hoặc dung dịch lau sàn nhà thông thường.

- Tuyệt đối không mớm cơm, thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bằng tay. Không cho trẻ mút tay, ngậm mút đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử khuẩn.