Các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với cơn bão số 5

(NTO) Với đặc thù vùng bãi ngang, dân cư chủ yếu sinh sống ven biển bằng nghề nuôi trồng thủy, hải sản nên từ sáng 10-12, chính quyền địa phương khẩn trương triển khai công tác phòng, chống cơn bão số 5.

Toàn xã Phước Dinh hiện có 188 tàu thuyền với 972 lao động. Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 5, chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng biên phòng kêu gọi, vận động 182 tàu thuyền cập bến neo đậu an toàn. Trong đó, có 85 tàu neo đậu tại bến địa phương và 97 tàu trú ẩn an toàn tại các cảng trong tỉnh. Hiện còn 6 thuyền neo đậu tại bãi ngang do cửa lạch bị bồi cạn nên chưa vào cập bến cầu Sơn Hải. Chính quyền thuê máy xúc đến múc cát nạo vét luồng lạch thông thoáng đưa hết thuyền vào bến đậu trước 14 giờ, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản người dân. Đồng chí Nguyễn Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Dinh cho biết: Với phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng” lãnh đạo địa phương xã Phước Dinh, (Thuận Nam) thường xuyên phối hợp với Đồn biên phòng Sơn Hải và Ban quản lý các thôn đã chuẩn bị chu đáo nguồn nhân lực và phương tiện kỹ thuật chủ động đón bão Hagupit. Theo đó, Ban chỉ huy PCLB xã Phước Dinh chuẩn bị 500 bao tải cát; 140 áo phao cứu sinh, 5 đèn pin và 50 áo mưa. Huy động lực lượng dân quân phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 416 chia thành 9 tổ giúp dân chằng chống nhà ở. Sẵn sàng tham gia di dời 96 hộ dân ở các xóm bãi ngang, ven biển đến nơi trú ẩn an toàn. Hướng dẫn cà con đưa ngư lưới cụ lên bờ cột giằng tránh nước biển dâng cuốn trôi. Thành lập các địa điểm sẵn sàng đón người dân trú ẩn khi có bão đến. Ngư dân Lê Văn Sang, thôn Sơn Hải 1 cho biết: “Ngay từ sáng 10-12, chính quyền địa phương cùng cán bộ Biên phòng trực tiếp đến nhà vận động nhân dân đưa thuyền lên bờ, chằng chống nhà cửa, chủ động tránh bão. Hiện nay, gia đình tôi cơ bản hoàn tất công tác phòng, chống bão cơn bão số 5.

 
Cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng Sơn Hải trực tiếp vận động người dân chủ động phòng, chống bão.
 
 
85 tàu, ghe địa phương trú ẩn an toàn tại bến Sơn Hải.

Đại úy Mai Văn Chương, Trạm phó Trạm kiểm soát Đồn Biên phòng Sơn Hải cho biết: Thực hiện Công điện số 5901 của UBND tỉnh, lực lượng Đồn biên phòng 416 phối hợp với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, thông báo với nhân dân thông qua hệ thống loa phát thanh. Riêng những hộ dân ở trong vùng ven biển, cán bộ và chiến sỹ biên phòng đã trực tiếp đến nhà vận động và giúp người dân chằng chống nhà cửa, kéo ghe thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Ngoài ra, lực lượng biên phòng chủ động liên lạc với các tàu thuyền đang hoạt động ngoài biển, tìm nơi trú ẩn an toàn.

Tại cảng Cà Ná, ngay từ sáng 11-12, mọi công tác phòng, chống cơn bão số 5 cơ bản đã hoàn thành. Ông Lê Minh Hỷ, Đội trưởng cảng cá Cà Ná cho biết, tính đến sáng ngày 11-12, tại cảng có 923 tàu thuyền neo đậu tránh bão. Ngoài 770 tàu địa phương, tại cảng Cà Ná còn có 153 tàu tỉnh khác gồm 51 tàu tỉnh Bình Định, 51 tàu tỉnh Bình Thuận, 3 tàu tỉnh Phú Yên; 5 tàu tỉnh Quãng Ngãi; 36 tàu tỉnh Khánh Hòa và 7 tàu phường Đông Hải (Tp. Phan Rang Tháp Chàm). Đồn Biên phòng Cà Ná đã chủ động liên lạc và thông báo với 159 tàu đang hoạt động ở tỉnh khác tìm nơi trú ẩn an toàn. Trong đó, có 50 tàu đang trú ở tỉnh Bình Thuận, 29 tàu ở tỉnh Sóc Trăng và 80 tàu ở tỉnh Kiên Giang. 

 
Tàu thuyền địa phương và các tỉnh bạn trú ẩn an toàn tại cảng Cà Ná.

► Sáng 11-12, các ngành, địa phương trên địa bàn huyện Ninh Hải đã khẩn trương triển khai các phương án phòng, chống cơn bão số 5. 

Lãnh đạo huyện đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc việc triển khai phương án ứng phó bão ở các địa phương. Tất cả các đồn biên phòng đóng trên địa bàn huyện đã huy động lực lượng vận động và giúp đỡ nhân dân di chuyển tàu, thuyền vào nơi trú bão; chằng chống nhà cửa, các công trình đang xây dựng dở dang. Thiếu tá Lương Trọng Phong, cán bộ Đồn Biên phòng 408 cho biết, trên 300 tàu thuyền đánh bắt cá của 3 xã Thanh Hải, Nhơn Hải, Tri Hải thuộc địa bàn quản lý của đồn hiện đã di chuyển về neo tránh trú bão an toàn tại cảng cá Ninh Chữ và Vịnh Vĩnh Hy.

 
Lực lượng biên phòng và nhân dân làng biển Mỹ Tân, xã Thanh Hải di chuyển thuyền vào bờ tránh bão.

Một số ghe, thuyền nhỏ không đi tránh bão cũng đã được bộ đội biên phòng và các lực lượng ở xã hỗ trợ di dời vào sâu trong đất liền để đảm bảo an toàn, tránh bị va đập gây hư hỏng. Đến 10 giờ trưa ngày 11-12, toàn bộ lao động trên 23 bè nuôi trồng thủy sản của ngư dân Mỹ Tân cũng vào bờ tránh bão. Riêng 31 lồng bè nuôi thủy sản của Tp. Phan Rang- Tháp Chàm tại khu C1, C2 (thuộc địa phận xã Tri Hải) lực lượng biên phòng và địa phương vẫn đang tích cực vận động, kêu gọi người dân vào bờ. Tại xã Vĩnh Hải, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương cũng đã chủ động chuẩn bị sẵn các phương tiện và nhu yếu phẩm cần thiết để ứng phó khi mưa bão xảy ra. Tính đến 12 giờ trưa ngày 11-12, có 171 tàu thuyền đang neo tránh bão ở Vịnh Vĩnh Hy, trong đó có 12 tàu du lịch. Toàn bộ lao động trên 6 bè nuôi tôm và kinh doanh dịch vụ ăn uống trong khu vực vịnh cũng đã vào bờ tránh bão.

 
Xe truyền thanh lưu động của Trung tâm Văn hóa tỉnh thông tin về tình hình cơn bão số 5 tại xã Thanh Hải.

Đến 12 giờ trưa ngày 11-12, toàn bộ số tàu, thuyền của huyện Ninh Hải đã về nơi trú bảo an toàn. Riêng tại cảng cá Ninh Chử có 601 tàu thuyền đang neo đậu trú báo, trong đó có 480 chiếc của thị trấn Khánh Hải và xã Tri Hải; 30 chiếc của 2 tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận và 101 chiếc của ngư dân Mỹ Tân. Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng Ban Quản lý Cảng cá Ninh Chử cho biết, khu trú bão của cảng hiện có sức chứa gần 2000 chiếc tàu, thuyền, vì vậy các lực lượng của cảng vẫn đang hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền để sẵn sàng đón các tàu thuyền vãng lai vào trú bão. Sáng 11-12, tất cả các hệ thống truyền thanh các xã trên địa bàn huyện Ninh Hải đều liên tục thông tin tình hình, diễn biến cơn bão số 5. Điện lực Ninh Hải cũng đã huy động lực lượng tiến hành kiểm tra các đường dây, trụ, cột điện và chặt tỉa những cành cây có nguy cơ đổ gãy khi mưa bão xảy ra. UBND xã Phương Hải huy động các lực lượng và kêu gọi người dân khẩn trương thu hoạch lúa đang chín trước khi bão đến.

► Cùng với các địa phương, sáng ngày 11-12, Tp.Phan Rang- Tháp Chàm đang ráo riết thực hiện các phương án phòng chống cơn bão số 5. 

Theo thống kê, toàn thành phố có 704 tàu thuyền. Đến 12 giờ trưa nay, toàn bộ đã vào bờ, trong số đó nhiều tàu thuyền được đưa vào các cảng cá trú ẩn an toàn. UBND các phường, xã huy động trên 2.000 lực lượng dân quân tự vệ, cán bộ đoàn thể, phân phát 4.000 bao cát giúp các hộ dân những khu vực xung yếu ven đê, ven biển, vùng trũng thấp chằng chống gần 600 ngôi nhà.

 
Chính quuyền, lực lượng DQTV, chiến sỹ đang khẩn trương đưa thuyền thúng của bà con lên bờ tránh bão.

Có mặt tại phường Đông Hải, chúng tôi ghi nhận tình hình khẩn trương của chính quyền địa phương và bà con ngư dân trong công tác phòng chống bão. Ông Hồ Sỹ Quyết, Chủ tịch UBND phường cho biết: Toàn phường có 421 tàu, thuyền, đến nay 420 chiếc đã vào bờ biển Ninh Thuận, chiếc còn lại cũng đã vào bờ biển Mũi Né (Bình Thuận) tránh bão. Chúng tôi đang vận động, thông tin cho các chủ thuyền gấp rút vào các cảng cá trú ẩn an toàn”. Ngoài ra, phường cũng đã huy động toàn bộ lực lượng dân quân tự vệ, cán bộ đoàn thể phân phát hơn 1.000 bao cát, giúp các hộ dân, nhất là các hộ dân ven bờ kè, nhà tạm bợ chằng chống nhà cửa, đồng thời vận động bà con chuẩn bị sẳn sàng di dời ngay khi có lệnh. Theo thống kê, phường Đông Hải có khoảng 1.100 hộ dân phải di dời. Anh Nguyễn Hải, ở khu phố 2 cho biết: Nhà sát bờ kè nên sáng nay gia đình chúng tôi khẩn trương mua bao cát, dây thừng để chằng chống nhà cửa. Được sự hỗ trợ của lực lượng dân quân tự vệ nên mọi việc đã hoàn thành trước 12h trưa”.

 
Nhiều tàu thuyền kịp vào Cảng cá Đông Hải tránh bão và bán hải sản đánh bắt được.

Tại phường Mỹ Đông, các hoạt động chống bão cũng hết sức khẩn trương. Đồng chí Đoàn Ngọc Hưng, Chủ tịch UBND phường cho biết: Toàn phường có 102 tàu thuyền đã vào bờ an toàn, trong đó có 3 tàu thuyền đã vào bờ biển Vũng Tàu trú ẩn. Trong số 102 tàu thuyền, đến 11h sáng nay, chính quyền địa phương phối hợp với Đồn Biên phòng 412 đưa được 94 chiếc vào neo đậu an toàn tại các cảng cá. Số còn lại chờ vài giờ nữa thủy triều lên cao tiếp tục đưa vào các cảng cá trú ẩn”. Phường còn phân phát 500 bao cát giúp nhân dân chằng chống nhà cửa và đắp các para dọc tuyến bờ Đê sông Dinh; vận động gần 90 hộ dân ở các vùng xung yếu di dời tạm lánh bão tại gia đình người thân có nhà ở cao, kiên cố.

Thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị công ích rong, chặt nhánh các cây có nguy cơ ngã đổ; bố trí lực lượng, phương tiện thường xuyên khơi thông miệng hố thu tại các vị trí thường xuyên ngập úng; triển khai kiểm tra các pa nô, khẩu hiệu, khắc phục hư hỏng bảo đảm an toàn cho nhân dân.

► Thực hiện Công điện số 5901 của UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành, đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai nhiệm vụ ứng phó với cơn bão số 5 dự kiến đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung Bộ, chiều ngày 10-12, UBND huyện Thuận Bắc đã tổ chức cuộc họp Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT-TKCN) xây dựng phương án và phân công các thành viên BCH phụ trách từng địa bàn, khu vực nhằm chỉ đạo, đôn đốc, triển khai các biện pháp, kế hoạch ứng phó khi bão số 5 đổ bộ vào đất liền. 

Có mặt tại xã Phước Kháng vào sáng sớm ngày 11-12, chúng tôi ghi nhận không khí khẩn trương trong việc chuẩn bị các phương án ứng phó với tình hình bão lũ của chính quyền và nhân dân nơi đây. Đồng chí Ka-tơ Théo, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Thực hiện phương án phòng chống cơn bão số 5, từ chiều ngày 10-12, địa phương liên tục cập nhật diễn biến, tình hình cơn bão số 5 trên hệ thống loa truyền thanh; nhắc nhở nhân dân chặt tỉa cành cây, chằng chống, bảo vệ nhà cửa, tài sản, gia súc, gia cầm; thành lập 1 tổ công tác phòng chống bão lũ tại thôn Suối Le do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã chỉ đạo; huy động lực lượng dân quân tự vệ, đội thanh niên xung kích phòng chống thiên tai với 27 thành viên, túc trực 24/24 giờ tại cơ quan, đơn vị; hoàn tất việc rà soát, đưa 381 nhân khẩu thuộc các hộ dân nằm trong vùng xung yếu, vùng có nguy cơ đá lăn, gió lốc, vùng trũng thấp, có nguy cơ sạt lở cao để tổ chức di dời đến 4 điểm trường học nếu có tình huống bão, lũ xảy ra.

Tại các xã khác, công tác chuẩn bị, ứng phó với tình hình, diễn biến phức tạp của cơn bão số 5 cũng được chính quyền, nhân dân các xã huyện Thuận Bắc chuẩn bị khẩn trương, chu đáo. Đồng chí Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng BCH PCTT-TKCN huyện Thuận Bắc, cho biết: Tính đến 12h ngày 11-12, các địa phương trên địa bàn huyện đã cơ bản hoàn tất việc rà soát, chuẩn bị phương tiện, khu vực dự kiến sơ tán và đưa 2.347 nhân khẩu thuộc các hộ dân ở 6 xã nằm trong vùng xung yếu, vùng gió lốc, đá lăn, vùng biển, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở cao để tổ chức di dời khi có tình huống bão, lũ xảy ra. Đối với tuyến biển Bình Tiên, BCH PCTT-TKCN đã chỉ đạo UBND xã Công Hải đã phối hợp với Đồn Biên phòng Bình Tiên hoàn tất việc kêu gọi tàu thuyền, lao động ngoài khơi về nơi trú ẩn, neo đậu tàu thuyền hợp lý, tránh va đập gây thiệt hại. Tổ chức thông báo cho các hộ nuôi tôm hùm lồng, chằng chống và di chuyển lồng về nơi an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè. BCH PCTT-TKCN cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai lịch trực thông tin và báo cáo tình hình mưa, bão; lực lượng Quân sự, Công an, Trung đội tự vệ huyện, Huyện đoàn, dân quân tự vệ các xã với tổng số 223 người (cấp huyện 103 người, cấp xã 120 người) túc trực 24/24 giờ tại cơ quan, đơn vị, sẵn sàng cơ động, ứng phó cứu hộ, cứu nạn khi bão lũ xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.