Việt Nam có 40-70% trẻ khỏe mạnh mang phế cầu vùng hầu họng.

(NTO) 0 Ngày Phòng chống viêm phổi thế giới 12-11, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. Hồ Chí Minh, chủ trì cuộc tọa đàm do Hội Y học dự phòng phối hợp Tạp chí Mẹ & Con cùng VPĐD GlaxoSmithKline Pte Ltd (GSK) tổ chức sáng 12-11 tại TP. Hồ Chí Minh, với chủ đề “Phòng chống viêm phổi, bảo vệ trẻ em”. Bác sĩ Trương Hữu Khanh đã trả lời phỏng vấn Báo điện tử Ninh Thuận với các nội dung sau:

Bác sĩ Trương Hữu Khanh
Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện
Nhi Đồng 1 TP. Hồ Chí Minh

Phóng viên: Thưa Bác sĩ, thực trạng của bệnh viêm phổi như thế nào mà Liên minh Toàn cầu Phòng chống viêm phổi trẻ em phải có lời kêu gọi những hành động cấp thiết để kết thúc tình trạng tử vong do căn bệnh này vào năm 2030?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), viêm phổi là bệnh lây nhiễm gây tử vong số 1 đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Mỗi ngày có 2.500 trẻ tử vong vì viêm phổi, gần 1 triệu ca tử vong hàng năm, chiếm 1/6 trên tổng số trường hợp tử vong ở độ tuổi này. Ở nước ta, ước tính hàng năm có đến 2,9 triệu lượt mắc viêm phổi ở trẻ dưới 5 tuổi. Đây không chỉ là mối đe doạ đối với sức khỏe của trẻ em mà còn là gánh nặng to lớn đối với gia đình, xã hội và ngành y tế. Viêm phổi chính là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến và có tác hại vô cùng to lớn ở trẻ em. Mỗi năm, toàn thế giới có tới 156 triệu trường hợp trẻ em viêm phổi cần được điều trị, trong đó các quốc gia đang phát triển chiếm tỷ lệ hơn 95% các ca bệnh mới.

Theo báo cáo Kế hoạch Hành động toàn cầu nhằm ngăn chặn và kiểm soát bệnh viêm phổi của Tổ chức Y tế thế giới và Cơ quan Cứu trợ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, để kiểm soát bệnh viêm phổi ở trẻ em cần có một giải pháp toàn diện nhằm bảo vệ, ngăn ngừa và chữa trị căn bệnh này. May mắn là nhiều biện pháp nhằm phòng tránh bệnh viêm phổi cũng giúp kiểm soát một số bệnh khác ở trẻ em, như tiêu chảy, và nên được xem là một phần trong giải pháp toàn diện nhằm bảo vệ sự sống cho trẻ em.

Phóng viên: Là nhà chuyên môn, Bác sĩ có thể nói rõ hơn về nguyên nhân gây ra căn bệnh này?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm phổi nhưng “thủ phạm” hàng đầu gây viêm phổi ở trẻ nhỏ là vi khuẩn phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) . Đây là một vi khuẩn phổi hình cầu. Viêm phổi do phế cầu là một bệnh cực kỳ nguy hiểm, gây ra tỷ lệ tử vong ước tính khoảng từ 10% - 20%, vượt trên 50% ở những nhóm nguy cơ cao như trẻ nhỏ hoặc người già.

Phế cầu khuẩn còn là vi khuẩn hàng đầu gây nên những bệnh lý nghiêm trọng, đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời (như viêm màng não, nhiễm trùng huyết hay viêm phổi) cho đến những bệnh lý không xâm lấn nhưng có tần suất mắc phải rất cao (như viêm tai giữa hay viêm xoang) ảnh hưởng đến sức khỏe và gây đau đớn cho trẻ em. Mỗi năm, các bệnh do phế cầu giết chết gần 1/2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới. Tại các nước đang phát triển, tử vong do phế cầu chủ yếu là viêm phổi.

Trẻ em mắc bệnh viêm phổi được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Phóng viên: Ở nước ta, tình hình căn bệnh nguy hiểm này hiện ra sao?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Từ thời gian 1990- 2003, chúng ta đã có số liệu điều tra của một số nghiên cứu cho thấy tại Việt Nam có 40-70% trẻ khỏe mạnh mang phế cầu vùng hầu họng. Trong đó, tỷ lệ ở trẻ dưới 5 tuổi là 60% và từ 26% - 83% các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính có nguyên nhân là phế cầu.

Phóng viên: Đề nghị Bác sĩ nói rõ hơn về con đường lây nhiễm của vi khuẩn phế cầu khuẩn và những triệu chứng dễ nhận biết nào của bệnh viêm phổi do “sát thủ” này gây ra?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Vi khuẩn này thường lan truyền nhiều nhất qua đường không khí (ho, hắt hơi) và thông qua tiếp xúc với người bị bệnh hoặc những người khỏe mạnh có mang phế cầu khuẩn trong người. Triệu chứng bệnh bao gồm: Ho nhiều, ớn lạnh, sốt cao, vã mồ hôi, thở nhanh, đau ngực, đau cơ, mệt mỏi và một cơn ho ra đờm. Xin lưu ý là những triệu chứng này rất dễ gây nhầm lẫn với cảm cúm thông thường nên dễ bị các bậc phụ huynh xem nhẹ.

Phóng viên: Vậy việc phòng ngừa cần như thế nào để có hiệu quả cao nhất, thưa Bác sĩ?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, trong tất cả những yếu tố đo lường tốt về sức khỏe cộng đồng, tiêm chủng dường như là yếu tố ảnh hưởng quan trọng nhất trong việc giảm số ca bệnh mới mắc do phế cầu. Tuy nhiên ở nước ta, trong chương trình tiêm chủng quốc gia chưa có vắc xin phòng bệnh này. Vì thế chúng ta cần lưu ý đến những phương án phòng ngừa khác. Chẳng hạn như quan tâm đến vai trò quan trọng của dinh dưỡng, vì trẻ em suy dinh dưỡng trầm trọng có nguy cơ tử vong do viêm phổi cao gấp 9 lần trẻ bình thường. Việc phổ cập kiến thức về cách nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh viêm phổi đến các hộ gia đình để kịp thời đưa trẻ đến trung tâm y tế cũng có tác dụng rất tốt.

Ở gia đình, chúng ta có thể làm dễ dàng các giải pháp đơn giản như: Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu; lắp đặt hệ thống thông gió hợp lý trong nhà để đảm bảo thông thoáng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; sử dụng nước uống an toàn và vệ sinh sạch sẽ; chế độ dinh dưỡng tốt, đặc biệt với trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi.

Phóng viên: Cảm ơn Bác sĩ!