Bộ GD&ĐT khai trương mạng trường học kết nối

Ngày 31-10 tại Bắc Giang, Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Viễn thông Quân đội tổ chức công bố trang mạng giáo dục “Trường học kết nối” tại địa chỉ http://truonghocketnoi.edu.vn.

Đây là hệ thống hỗ trợ tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực GD&ĐT qua mạng thông tin trực tuyến.

Từ đầu tháng 10/2014, Bộ GD&ĐT đã bàn giao tài khoản quản trị cấp Sở và tổ chức tập huấn cho lãnh đạo, chuyên viên phụ trách mạng của 63 Sở GD&ĐT trên cả nước để có thể tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn theo phương pháp mới. Dự án nằm trong khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Bộ GD&ĐT giai đoạn 2014 - 2020.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Viettel nhấn nút khai trương hệ thống. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà

Trong trang mạng giáo dục này, mỗi học sinh được cấp 1 tài khoản để tham gia các hoạt động học tập do giáo viên xây dựng, tổ chức và quản lý trên mạng. Học sinh có quyền lựa chọn bài học cũng như lựa chọn giáo viên trong phạm vi toàn quốc để học trên mạng; được đăng ký học cá nhân hoặc theo nhóm; được trao đổi, thảo luận với nhau và trao đổi với giáo viên để thực hiện các nhiệm vụ học tập; nộp kết quả học tập qua mạng để được giáo viên nhận xét, đánh giá.

Mỗi giáo viên cũng được nhận 1 tài khoản trên mạng, kê khai đầy đủ thông tin cá nhân và được quản lý theo đơn vị công tác. Đăng nhập vào hệ thống bằng tài khoản của mình, giáo viên có thể thấy các khóa học/bài học/chủ đề sinh hoạt chuyên môn theo lĩnh vực chuyên môn của mình. Để tham gia khóa học/bài học/chủ đề nào (theo yêu cầu hoặc tự nguyện), giáo viên thực hiện việc đăng ký học trên mạng (học cá nhân hoặc theo tổ/nhóm chuyên môn trong trường hoặc cụm trường). Đối với mỗi hoạt động chuyên môn, giáo viên phải nộp kết quả qua mạng để được đánh giá, nhận xét và lựa chọn để chia sẻ cho đông đảo giáo viên trong toàn quốc tham khảo.

Bộ GD&ĐT đã triển khai thí điểm mô hình này đối với 100 trường THCS tại Hà Nội và TP.HCM.

Phát biểu tại buổi lễ công bố "Trường học kết nối", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho hay Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện phân cấp tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn qua mạng đến các Sở - Phòng GD&ĐT - Cơ sở giáo dục để triển khai các nội dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cũng như tổ chức các cuộc thi; hỗ trợ sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn ở trường trung học…

“Với phương thức tổ chức như vậy, hệ thống mạng không chỉ được dùng để tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, mà còn có thể được sử dụng trong quá trình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm hay tổ chức các hoạt động dạy học trải nghiệm sáng tạo ở trường phổ thông”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.

Còn theo ông Hoàng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, CNTT hoá hệ thống giáo dục nói chung và đưa mạng giáo dục “Trường học kết nối” nói riêng vào sử dụng sẽ xoá khoảng cách về đào tạo giữa người có điều kiện và người không có điều kiện tiếp cận cơ hội giáo dục chất lượng cao.

Theo thỏa thuận hợp tác toàn diện được ký kết ngày 28/5 vừa qua, Bộ GD&ĐT và Viettel đã thống nhất đẩy mạnh ứng dụng CNTT và viễn thông trong toàn ngành giáo dục. Cụ thể: Từ nay đến năm 2015, 100% cơ sở giáo dục trong cả nước từ mầm non đến đại học sẽ được Viettel kết nối miễn phí hạ tầng cáp quang, cho phép tiếp cận Internet tốc độ cao, chất lượng ổn định và cùng lúc số lượng lớn người sử dụng. Đến nay, đã có hơn 16.000 (tương đương 35,8%) cơ sở giáo dục trên toàn quốc có đường truyền Internet cáp quang của Viettel.

Trước đó, từ 2008- 2010, Viettel đã hoàn thành việc kết nối Internet đến 100% cơ sở giáo dục trên cả nước. Viettel còn hỗ trợ ngành giáo dục xây dựng hệ thống các bài giảng theo phương pháp giáo dục tích cực. Dự kiến đến cuối năm 2016, Viettel sẽ hoàn thiện kho bài giảng mẫu của tất cả các môn, các cấp học với số lượng lên tới 5.000 bài giảng.

Viettel và Bộ GD&ĐT cũng phối hợp triển khai Hệ thống quản lý thông tin giáo dục. Hiện nay, hệ thống đã có thể áp dụng đối với kỳ báo cáo đầu năm học 2014-2015, hỗ trợ ngành giáo dục làm công tác thống kê báo cáo và đã được đưa vào sử dụng ở Bộ GD&ĐT, 63 Sở, gần 700 Phòng GD&ĐT cùng hơn 31.000 trường học trên toàn quốc. Hai bên đang nỗ lực triển khai Hệ thống quản lý thi tốt nghiệp THPT quốc gia, xét tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học/cao đẳng. Theo lộ trình dự kiến tháng 1/2015 hệ thống sẽ đưa vào triển khai thí điểm.

Nhiều năm qua, Viettel đã tiên phong triển khai nhiều giải pháp, ứng dụng cho trường học, cơ sở đào tạo có công cụ quản lý toàn diện. Điển hình là Cổng nội dung giáo dục trực tuyến ViettelStudy. Với ViettelStudy, các em học sinh có thể tham gia thi thử miễn phí các kỳ thi đại học, tốt nghiệp THPT, thi vào lớp 10, học Tiếng Anh và ôn luyện vào các cấp học cũng như trau dồi kiến thức phổ thông…

Nguồn www.chinhphu.vn