Triển khai chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển bền vững

Sáng ngày 31/10, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Trong phiên thảo luận sáng nay, bên cạnh sự tham gia của các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã giải trình về các ý kiến của đại biểu ngày hôm qua và sáng nay liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Báo cáo giải trình một số vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát đã khái quát về tình hình nông nghiệp, nông thôn 10 tháng năm 2014.

Về sản xuất, ngành nông nghiệp có 1 năm tương đối được mùa được giá trừ cao su và cá tra. Xuất khẩu nông sản, lâm sản, thủy sản 10 tháng 25,85 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2013. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh; tính hết ngày 15/10 đã có 785 xã đạt 19 tiêu chí. Tuy nhiên, nông nghiệp, nông thôn vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, yếu kém như các đại biểu đã nêu.

Bộ Trưởng Cao Đức Phát cho rằng, giải pháp căn cơ đối với nông nghiệp đó là triển khai chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển bền vững theo Quyết định số 899 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6/2013. Năm qua, để thực hiện chủ trương này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai nhiều biện pháp như xây dựng và đang quyết liệt triển khai 16 đề án, trong đó có 6 đề án cụ thể hóa chủ trương tái cơ cấu trong các lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, thủy lợi… và 6 đề án cụ thể hóa các giải pháp thực hiện chủ trương này, đó là tái cơ cấu đầu tư, đổi mới cơ chế chính sách và pháp luật, phát triển khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất…

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ cho việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu, đó là hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển chăn nuôi nông hộ, phát triển thủy sản. Chính phủ cũng đang chỉ đạo, xây dựng các nghị định về chính sách khuyến khích bảo vệ và phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc; khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; đổi mới các nông lâm trường quốc doanh…

Tính đến thời điểm này, hầu hết các địa phương đã xây dựng đề án và có kế hoạch triển khai đề án tái cơ cấu, lựa chọn một số nhiệm vụ ưu tiên để triển khai Nghị định của Chính phủ và đã có một số kết quả. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có sự chuyển biến. Hơn 100.000 ha diện tích trồng lúa đã chuyển sang trồng màu và cây trồng khác có hiệu quả hơn. Bản thân ngành trồng lúa cũng có sự chuyển biến. Ở nhiều địa phương đã chuyển sang trồng giống lúa có chất lượng và có giá cao hơn từ 7.000 – 8.000/kg thay cho mức 5.000 – 6.000/kg như trước đây. Đã có hơn 120.000 ha lúa được sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn… Tuy nhiên, những kết quả trên mới là bước đầu. Để triển khai thực hiện chủ trương này hiệu quả hơn, có tác động rõ nét hơn, góp phần tăng nhanh hơn thu nhập của bà con nông dân cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các Bộ, ngành địa phương, cũng như cần bổ sung thêm nguồn lực để triển khai thực hiện nhiều chủ trương.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đào Tấn Lộc nêu về việc sản xuất lúa gạo và phát triển ngành chăn nuôi, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: Sản xuất lúa gạo là một ngành sản xuất có lợi thế của Việt Nam, do đó cần tiếp tục phát huy để nâng cao thu nhập cho nông dân. Nhiều nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng, nông dân vẫn rất gắn bó với cây lúa. Hiện, Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng đề án và triển khai trồng lúa theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và giảm giá thành; tích cực hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học công nghệ để có hiệu quả sản xuất tốt hơn.

Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất và sửa đổi một số văn bản để tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi cây trồng hiệu quả hơn, tăng thu nhập cho người trồng lúa. Thay vì hỗ trợ cho từng hộ nông dân thì Bộ đề xuất tập trung lại, sử dụng vào việc công cộng.

Về phát triển chăn nuôi đã chuyển biến theo hướng chăn nuôi công nghiệp nhưng sức cạnh tranh của ngành còn thấp, vì 60% đàn gia súc gia cầm là vẫn nuôi tại các hộ chăn nuôi nhỏ. Vì vậy, để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi và mở cửa thì ngành nông nghiệp đang thực hiện khuyến khích chăn nuôi công nghiệp và hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ có hiệu quả cao hơn.

Liên quan đến gợi ý về phát triển đánh bắt trên biển của đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận), Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, năm 2013 và 2014, tốc độ tăng trưởng ngành thủy sản khá cao nhưng tăng trưởng đánh bắt trên biển chậm hơn so với nuôi trồng. Điều này phù hợp chiến lược phát triển ngành thủy sản. Về lâu dài, nước ta vẫn tiếp tục phát triển trên biển nhưng khả năng cũng có mức độ nhất định.

Qua cuộc tổng điều tra vừa qua cho thấy, trữ lượng hải sản trên biển khoảng hơn 4 triệu tấn, có thể khai thác bền vững hàng năm 2 triệu tấn nhưng trong năm 2013 chúng ta đã khai thác 2,5 triệu tấn. Với cơ cấu đó, trong khi vùng ven bờ chỉ nên khai thác 700.000 – 800.000 tấn thì chúng ta khai thác 1,5 triệu tấn. Vùng xa nên khai thác 1,3 triệu tấn thì mới khai thác 900.000 tấn. Bộ sẽ khuyến khích và hỗ trợ ngư dân công cụ để đánh bắt biển xa. Đối với ngành này, cái chính là phải tập trung giúp ngư dân nâng cao hiệu quả đánh bắt. Riêng việc cải tiến công nghệ, bảo quản trên tàu cá đã có thể giúp ngư dân nâng giá trị hải sản lên 30%. Thí điểm vừa qua với cá ngừ ở Bình Định đã cho thấy áp dụng cải tiến trong đánh bắt giúp nâng giá trị cá ngừ lên 8 – 10 lần.

Báo cáo với đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa), Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Có thể Bộ không truyền thông nhiều nhưng đang triển khai quyết liệt Nghị Định số 67 cũng như hàng loạt các chính sách khác đối với bà con nông dân. Tất cả thông tư cần thiết đã được ban hành, ban hành mẫu tàu cá đóng bằng sắt, và lập danh sách gửi ngân hàng xem xét để hỗ trợ vốn cho bà con.

"Chúng tôi đang phối hợp các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định trong đánh bắt cá ngừ đại dương trên diện rộng. Chính phủ đã phân bổ, sử dụng 16.000 tỷ đồng đã được Quốc hội cho phép để tăng cường năng lực cảnh sát biển, hỗ trợ nông dân" – Bộ trưởng Phát nói.

Liên quan đến câu hỏi những khó khăn đối với ngành các tra của đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Bộ trưởng Cao Đức Phát chia sẻ: Đối với ngành cá tra, dù có nhiều lợi thế nhưng đang rơi vào khó khăn nên Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36 về chính sách đối với việc nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ban hành thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định này nhưng còn thiếu thông tư về hướng dẫn giá sàn và thu lệ phí, nhưng việc đó chưa cản trở nhiều đối với việc triển khai thi hành Nghị định này.

Bộ cũng đã phối hợp Hiệp hội cá tra tổ chức đăng ký và sau 1 tháng đã tiếp nhận hơn 5.000 hồ sơ xuất khẩu cá tra. Hiện, Bộ đang nỗ lực đàm phán, mở cửa thị trường, trước hết là với Nga. Nga đã mở cửa với 9 doanh nghiệp của nước ta và đang tiếp tục thẩm tra để mở cửa thêm với các Doanh nghiệp khác. Bộ hiện đang đàm phán tích cực với Brazil để mở cửa trở lại thị trường cá tra với nước ta.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu khẩu cá tra, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng nhà nước và Bộ giải quyết những khó khăn về nợ của các doanh nghiệp (DN) nhưng phải tuân thủ các quy định trong cam kết quốc tế, nếu đưa các DN này vào đối tượng hưởng chính sách trong Quyết định 540 thì các đối thủ cạnh tranh có thể cáo buộc DN Việt Nam được trợ cấp và bán phá giá./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam