Còn nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Chiều 23/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) như: việc mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH); về chế độ hưu trí và cân đối Quỹ BHXH; về về giao thẩm quyền thanh tra việc đóng BHXH…

Đề cập đến việc mở rộng đối tượng, đại biểu (ĐB) Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) tán thành việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH đối với người làm động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng được tham gia BHXH bắt buộc.

 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Huỳnh Văn Tính phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Theo ĐB giải thích nhóm lao động này chủ yếu làm việc trong khu vực có quan hệ lao động nhưng trên thực tế thường bị người sử dụng lao động vận dụng hình thức ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng để không phải thực hiện nghĩa vụ BHXH. Do vậy, nếu không đưa đối tượng này vào diện đối tượng đóng BHXH bắt buộc thì chủ sử dụng lao động sẽ “lách luật” không chịu ký tiếp hợp đồng hoặc nâng thời hạn ký hợp đồng cho người lao động. Đó còn là vấn đề nhân văn, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động.

Tuy nhiên, có ý kiến ĐB cho rằng với hợp đồng lao động dưới 3 tháng nên đóng BHXH theo hình thức tự nguyện và sau khi hết hợp đồng mà ký tiếp thì mới phải đóng BHXH theo hình thức bắt buộc. Bởi với những hợp đồng lao động 1 đến dưới 3 tháng nếu tham gia BHXH bắt buộc sẽ khó khả thi vì các thủ tục, thời gian liên quan sẽ có thể lúc đó người lao động đã hết hạn hợp đồng.

Hiện nay, theo ước tính, số lao động thuộc khu vực có quan hệ lao động là khoảng 16 triệu người, trong đó chỉ có khoảng 10,8 triệu tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, còn khoảng 5-6 triệu lao động, trong đó đa số là lao động có giao kết hợp đồng từ 1 đến dưới 3 tháng chưa tham gia bảo hiểm xã hôi bắt buộc.

Một số ý kiến ĐB đề nghị xem xét khả năng cân đối ngân sách khi thực hiện chính sách nhà nước hỗ trợ mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện là nông dân, lao động khu vực phi chính thức.

Về bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường và thị trấn được tham gia BHXH bắt buộc hay tự nguyện còn nhiều ý kiến trái chiều nhau. Theo ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi), đối tượng hoạt động không chuyên trách của xã chỉ nên tham gia BHXH tự nguyện nhưng được hỗ trợ, vì nhóm này không thuộc diện hưởng tiền lương mà chỉ được hưởng chế độ phụ cấp, tỷ lệ cụ thể nên do Chính phủ quy định nhằm đảm bảo phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến ĐB tán thành việc bổ sung đối tượng hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tham gia BHXH bắt buộc nhưng nên có quy định mở để tùy thuộc vào khả năng ngân sách của địa phương để áp dụng chế độ bắt buộc hay tự nguyện.

ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi), ĐB Hồ Thị Cầm Đào (Sóc Trăng), ĐB Cù Thị Hậu (Hưng Yên) cùng đồng tình điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình. Cụ thể, từ năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam (theo lộ trình từ 2018 đến năm 2022). Sau đó, cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Về giao thẩm quyền thanh tra việc đóng BHXH cho cơ quan BHXH, nhiều ý kiến tán thành như ĐB Cù Thị Hậu (Hưng Yên) cho rằng việc bổ sung chức năng thanh tra đóng BHXH cho cơ quan BHXH sẽ tạo điều kiện để nâng cao trách nhiệm của tổ chức BHXH, khắc phục mạnh mẽ hơn những tồn tại hiện nay đối với việc chấp hành pháp luật BHXH, bảo vệ tốt hơn quyền lợi người lao động.

Tuy vậy, không ít ý kiến cho rằng việc giao chức năng thanh tra cho cơ quan BHXH là không phù hợp, gây chồng chéo vì BHXH không phải là cơ quan quản lý nhà nước mà chỉ giao thẩm quyền cho BHXH lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam