Khó khăn trong công tác quản lý các nhóm trẻ mầm non tư thục

(NTO) Cùng với các trường mầm non tư thục (MNTT), các nhóm trẻ MNTT độc lập (ngoài nhà trường) ra đời đáp ứng nhu cầu xã hội và góp phần giảm bớt áp lực cho hệ thống giáo dục MN công lập hiện nay. Tuy nhiên, cũng bởi vì nhu cầu ngày càng tăng, các nhóm trẻ được mở ồ ạt khiến công tác quản lý của chính quyền địa phương gặp không ít khó khăn.

Trên địa bàn tỉnh ta hiện có 120 nhóm trẻ MNTT ngoài nhà trường, trong đó có 36 nhóm chưa đủ điều kiện để cấp giấy phép hoạt động. Theo Quy chế tổ chức và hoạt động trường MNTT do Bộ GD&ĐT ban hành, thì việc quản lý các nhóm trẻ MNTT thuộc trách nhiệm của UBND cấp xã, phường, thị trấn. Ghi nhận tại một số địa phương tập trung nhiều nhóm trẻ cho thấy, việc điều tra, nắm bắt thông tin về các nhóm trẻ đã được UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố thực hiện rất tốt.

Giờ sinh hoạt của các cháu Trường MN tư thục Bình Minh (cơ sở 2).

Nhưng đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện để cấp giấy phép (theo Nghị định 138/2013/NĐ-CP ngày 22-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ về xử phạt hành chính trong quản lý giáo dục đối với các nhóm, lớp MNTT) thì các địa phương lại chưa mạnh dạn, kiên quyết đình chỉ. Đồng chí Đặng Hoàng Anh, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn), cho biết: Toàn thị trấn hiện có 6 nhóm trẻ MNTT, nhưng mới chỉ có 1 nhóm có cấp giấy phép hoạt động, 2 nhóm đang tiến hành làm hồ sơ, 3 nhóm còn lại không đủ điều kiện về cơ sở vật chất và diện tích phòng học để cấp giấy phép. Theo quy định, 3 nhóm trẻ này phải bị đình chỉ hoạt động nhưng do nhu cầu gửi con cháu của các bậc phụ huynh trên địa bàn thị trấn hiện nay rất lớn, trong khi hệ thống trường MN công lập không thể nhận hết các cháu, nên trước mắt, UBND thị trấn tăng cường phối hợp cùng Phòng GD&ĐT thường xuyên đến kiểm tra, nhắc nhở, động viên các cơ sở này đầu tư cơ sở vật chất để đủ điều kiện cấp giấy phép hoạt động. Đây cũng chính là thực trạng chung của nhiều địa phương hiện nay, đặc biệt ở những nơi chưa có trường MN công lập.

Một thực trạng nữa là trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm hiện nay đã có khá nhiều trường MNTT được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, học phí không quá cao nhưng số lượng cháu chưa đông. Trong khi đó, hầu hết các nhóm trẻ MNTT, kể cả những nhóm không đủ điều kiện cấp giấy phép hoạt động vẫn luôn trong tình trạng quá tải. Có thực trạng này là bởi các nhóm trẻ linh động hơn trong thời gian trông, giữ trẻ, phụ huynh tăng ca, bận việc… có thể đón con muộn hơn so với giờ quy định hoặc gửi con vào những ngày nghỉ cuối tuần. Tuy nhiên, phụ huynh phải thật sự cân nhắc khi gửi con ở các nhóm trẻ MNTT, bởi với điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo, giáo viên, bảo mẫu không có trình độ chuyên môn sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng nuôi dạy cũng như sự an toàn của chính con em mình. Thực tế cho thấy nhiều cơ sở có giấy phép hoạt động cũng thực hiện theo kiểu đối phó, nghĩa là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để được cấp giấy phép, sau đó lại tự ý nhận thêm cháu; ngăn, nới thêm phòng học… Đa số các nhóm trẻ MNTT cũng không tham gia sinh hoạt chuyên môn tại các trường MN công lập nên không nắm bắt kịp thời việc thực hiện đổi mới trong phương pháp giảng dạy, hồ sơ sổ sách.

Việc mở các nhóm trẻ MNTT ngoài nhà trường cũng như đầu tư xây dựng các trường MNTT là điều rất được khuyến khích theo chủ trương xã hội hóa giáo dục của tỉnh ta hiện nay. Những lợi ích cũng như sự đóng góp của các nhóm trẻ đối với sự phát triển của GDMN trong thời gian qua là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để đảm bảo một môi trường giáo dục an toàn, chất lượng, vì tương lai trẻ thơ… thì tất cả các tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ theo những quy định của Nhà nước. Công tác quản lý các nhóm trẻ MNTT cũng cần có sự chung tay, vào cuộc của các tổ chức đoàn thể ở địa phương, đặc biệt là ý thức, trách nhiệm của chính các bậc phụ huynh.