Xếp hạng Di tích quốc gia với Di tích lịch sử Phần mộ Lý Tự Trọng

Di tích lịch sử Phần mộ Lý Tự Trọng (xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã chính thức được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Thông tin trên được nêu rõ tại quyết định số 3413/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Phần mộ Anh hùng Lý Tự Trọng được khởi công xây dựng vào ngày 20/10/2011 và khánh thành ngày 8/12/2012; nằm trong Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng (xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh).

Phần mộ Anh hùng Lý Tự Trọng. Ảnh: khutuongniemlytutrong.org.vn

Phía trên phần mộ khắc ghi câu nói nổi tiếng của Anh hùng Lý Tự Trọng - người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên trước lúc bị thực dân Pháp xử bắn tại Sài Gòn vào ngày 17/4/1931: “...Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng...”

Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng có diện tích 5,16 ha với các hạng mục công trình: Khu mộ và đài tưởng niệm, nhà thờ, nhà văn hóa-truyền thống, nhà dịch vụ, hệ thống sân vườn, cảnh quan, cây xanh, hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Đây là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa của thanh thiếu niên Hà Tĩnh và cả nước.

Bên cạnh đó, Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng còn là nơi trưng bày các tư liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Anh hùng-liệt sỹ Lý Tự Trọng và tuổi trẻ Việt Nam.

Trước đó, ngày 11/9/2014 Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn số 3918/UBND-VX gửi tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị công nhận Di tích Phần mộ Lý Tự Trọng là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Anh hùng Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng; sinh ngày 20/10/1914 tại tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan). Quê gốc Anh hùng Lý Tự Trọng ở xã Thạch Minh (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh).

Đầu mùa Hè năm 1926, Lê Hữu Trọng là một trong số các thiếu niên được nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu lựa chọn sang Quảng Châu (Trung Quốc) đào tạo lâu dài để chuẩn bị xây dựng tổ chức thanh niên Cộng sản ở Việt Nam theo ý kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (lúc này Người mang tên là Lý Thụy).

Từ đây, Lê Hữu Trọng và các thiếu niên khác đều mang họ Lý để đảm bảo bí mật. Lê Hữu Trọng được đổi tên là Lý Tự Trọng.

Mùa Thu năm 1929, Lý Tự Trọng được điều về Sài Gòn để thực hiện nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong tình hình mới.

Ngày 08/02/1931, trong buổi míttinh kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái tổ chức tại Sài Gòn, Lý Tự Trọng đã bắn chết viên mật thám Pháp Le Grand. Sau đó, Lý Tự Trọng đã bị bắt giam vào Khám Lớn và bị kết án tử hình ngày 20/11/1931, khi ông mới 17 tuổi.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam / Vietnam+