Ninh Sơn: Phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng góp phần nâng cao đời sống tinh thần người dân

(NTO) Nhiều năm qua, phong trào văn hóa-văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện Ninh Sơn phát triển có chiều sâu, tạo sân chơi tinh thần lành mạnh cho người dân, góp phần xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” vững mạnh.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Ninh Sơn cho biết: Xác định vai trò quan trọng của phong trào văn hóa- văn nghệ quần chúng, các cấp chính quyền đều tạo điều kiện, hỗ trợ đạo cụ, trang phục, loa đài cần thiết cho các đội văn nghệ biểu diễn. Hiện nay, các xã trên địa bàn huyện đều có đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên.

Nghệ nhân Chamale1a Âu biểu diễn đàn Chapi tại lHội diễn nghệ thuật quần chúng huyện Ninh Sơn
lần thứ VII năm 2014. Ảnh: Kim Phụng

Họ là những nông dân, những cụ cao tuổi hay những em đam mê ca hát, tự nguyện thành lập đội văn nghệ để sinh hoạt, phục vụ người dân. Để khuyến khích những đội văn nghệ tham gia biểu diễn, ngành văn hóa huyện Ninh Sơn luôn tạo điều kiện lồng ghép tiết mục văn nghệ trong các Hội thi theo từng chuyên mục, lĩnh vực, ngành cụ thể, như “Tiếng hát thanh thiếu niên”, Tiếng hát dân ca ngành Giáo dục” “Tiếng hát dân ca”…

Là xã đi đầu trong phong trào văn nghệ quần chúng, Lương Sơn hiện có 4 đội văn nghệ không chuyên với gần 60 thành viên. Trong đó, có 3 đội do Chi Hội Người cao tuổi thôn Trà Giang 1, Tân Lập 1 và 2 thành lập và 1 đội Mã La ở thôn Trà Giang 2. Ông Trịnh Hữu Ngự, cán bộ Ban văn hóa xã Lương Sơn cho biết: “Hằng năm, xã duy trì tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, hội thi, hội diễn, đêm thơ vào dịp lễ, tết với các chủ đề như: Xây dựng nông thôn mới, Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tình yêu quê hương, đất nước... thu hút sự cổ vũ của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, đội Mã La góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Raglai. Trong quá trình hoạt động, có nhiều cá nhân điển hình tự nguyện đóng góp trên 10 triệu đồng để trang bị các đạo cụ, trang phục biểu diễn. Đơn cử như vợ chồng cụ ông Trần Chữ và bà Nguyễn Thị Lộc, cụ bà Nguyễn Thị Lan…

Nhằm nâng cao hiệu quả phong trào, hằng năm, phòng Văn hóa thông tin huyện thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ, chiếu phim…phục vụ người dân các xã miền núi khó khăn, xa xôi như Ma Nới, Lâm Sơn. Được chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nên chất lượng phong trào ngày càng đi lên. Tỷ lệ các đơn vị, doanh nghiệp tham gia tăng lên từng năm. Riêng trong Hội thi văn nghệ quần chúng năm 2012, toàn huyện có 13 đơn vị, năm 2014 có 18 đơn vị tham gia. Trong quá trình luyện tập, giao lưu, biểu diễn, các thành viên còn chia sẻ cho nhau những kiến thức về chăn nuôi, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, sử dụng các biện pháp tránh thai, biện pháp phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội, lồng ghép các nội dung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. 

Cũng theo ông Nguyễn Văn Lâm, phong trào văn hóa- văn nghệ quần chúng được hình thành từ những nhóm người yêu thích, say mê ca hát hoặc từ các tổ, đội văn nghệ ở các thôn. Vì vậy, mỗi tiết mục nghệ thuật quần chúng luôn đậm chất quê hương, trong sáng và chân thật. Ngay cả khi thiếu thốn phương tiện, cơ sở vật chất hoặc khó khăn về điều kiện hoạt động thì người dân vẫn luôn biết cách sáng tạo ra những "sản phẩm" văn hóa-văn nghệ quần chúng phù hợp để thỏa mãn niềm say mê ca hát, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của cộng đồng dân cư. Qua phong trào, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, gìn giữ, lưu truyền các lễ hội dân gian, phong tục tập quán truyền thống ở địa phương, tạo bước “đệm” quan trọng thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” phát triển. Đến nay, toàn huyện có 44 thôn được công nhận thôn Văn hóa; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 83%...