Gian nan vận động học sinh ra lớp

(NTO) Trong cuộc họp giao ban công tác Tuyên giáo 6 tháng đầu năm 2014, đồng chí Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Anh Linh đã phát biểu với những con số minh họa về tỷ lệ học sinh (HS) bỏ học: “Tuy có giảm so với các năm học trước nhưng so với tỷ lệ chung của cả nước và các tỉnh trong khu vực thì tỷ lệ HS bỏ học của tỉnh ta vẫn đang đứng ở top đầu.

Cụ thể là cấp THCS có 723 HS bỏ học, chiếm tỷ lệ 2,04%; cấp THPT có 582 HS bỏ học, chiếm tỷ lệ 3,52%”. Như vậy, số HS bỏ học của cả năm đã xấp xỉ bằng tổng số HS của 1 đơn vị trường học trong tỉnh.

Cô giáo Nguyễn Thị Phương Linh, động viên em Pi-năng
Thị Ngữ, Trường TH Phước Thắng, huyện Bác Ái ra lớp học.

Đưa chúng tôi xem bảng thống kê số HS bỏ học trên địa bàn huyện Bác Ái, đồng chí Trần Thùy Vân, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện giải thích: HS nghỉ học có rất nhiều lý do: lười học, nhận thức chưa đúng; điều kiện khó khăn… Ngoài số lượng HS bỏ học hẳn đã thống kê ở đây, điều đáng lo ngại hơn nữa là tình trạng HS nghỉ học cách nhật trong suốt năm học, nghĩa là ngày học ngày nghỉ. Cô giáo Nguyễn Thị Thế, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Bùi Thị Xuân (xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc) – một đơn vị có tỷ lệ học sinh bỏ cao học chia sẻ: Đã vào học chính thức được hơn 1 tuần nhưng HS vẫn còn vắng nhiều, giáo viên chủ nhiệm hầu như ngày nào cũng đến tận nhà vận động. Ban Giám hiệu cũng đã vào cuộc phối hợp cùng chính quyền, đoàn thể ở địa phương tổ chức tuyên truyền, động viên cho cả phụ huynh và HS … nhưng nhiều HS đã bỏ đi làm ăn ở các tỉnh khác nên để vận động các em trở lại trường là rất khó. Thầy giáo Phan Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường TH Phước Thắng cũng cho biết: Vận động HS đến trường khó thật, giáo viên đến nhà nhiều lần thì phụ huynh hứa, HS “dạ”, nhưng ngày mai vẫn không đến trường, hoặc có đến cũng được 1, 2 buổi lại nghỉ.

Theo lời các thầy, cô giáo thì vận động HS ra lớp chỉ có thể đi vào khoảng từ 6 đến 8 giờ tối – thời điểm các em cùng ba mẹ đi rẫy về. Nếu sớm hơn thì không gặp mà muộn quá thì cả nhà đã ngủ mất. Cùng đi với nhóm cô giáo Nguyễn Thị Phương Linh, chủ nhiệm lớp 2, Trường TH Phước Thắng đến thôn Ma Oai. Lớp cô Linh có 21 HS nhưng đến thời điểm này (trong tuần đầu sinh hoạt tập thể của cấp TH) mới chỉ có 3 em tới lớp, 18 em còn lại hầu hết đều ở thôn Ma Oai đã được cô đến tận nhà, gặp cả phụ huynh để nhắc lịch đến trường ngay từ đầu tháng 8 nhưng các em vẫn chưa ra lớp. Đi cùng chúng tôi có cả lãnh đạo UBND xã và Hội Phụ nữ xã Phước Thắng. Chị Tạ Yên Thị Lâm Hội, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đây là thôn gần trường nhất, nhưng cũng là địa bàn khó vận động HS ra lớp nhất, vì chủ yếu là bà con tái định cư, thường bỏ làng, lên núi làm rẫy cả tháng trời và dẫn các em theo”.

Quả đúng như lời các thầy cô giáo chia sẻ, có vô vàn lý do vì sao HS bỏ học. Chỉ trong 1 buổi tối đến nhà 5 HS của Trường TH Phước Thắng ở thôn Ma Oai chúng tôi đã nghe được những lý do hết sức “chính đáng”. Với phụ huynh thì: “Phải theo cha mẹ lên rẫy trông em chứ”, đi học không có tiền”… còn với HS thì: “Em không có áo quần mới”, “không có dép”, “em cao nhất lớp rồi, đi học mắc cỡ lắm”; “học chữ khó lắm, em không muốn học”; “hôm nay mưa lắm… em ở nhà thôi”!!!!… Điều đặc biệt hơn khi chúng tôi đến nhà nào, phụ huynh và HS cũng đều hứa hẹn “ngày mai sẽ tới lớp”, nhưng theo kinh nghiệm của các thầy cô thì “ngày mai” không phải em nào cũng giữ được lời hứa. “Vì mình đến nhiều, có em thương thầy cô lặn lội đường xa nên đi học, nhưng nhiều em chỉ hứa đại như vậy để thầy cô khỏi đến. Rồi để tránh mặt, các em theo cha mẹ lên rẫy ở luôn cả tháng trời.” – cô giáo Phương Linh giải thích.

Rời thôn Ma Oai, xã Phước Thắng khi đã hơn 8 giờ tối, cơn mưa rào nặng hạt làm chúng tôi chợt nhớ đến lời hẹn qua điện thoại của thầy giáo Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS Phan Đình Phùng, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn “Mấy hôm nay mưa nhiều nên còn mấy HS nghỉ học ở Tà Nôi mà thầy cô vẫn chưa đi vận động được. Đợi ít hôm nước xuống rồi phóng viên đi vận động cùng chúng tôi…”. Lại nhớ đến hành trình của những giáo viên Trường PTDTNT Thuận Bắc về tận thôn Cầu Gãy, Đá Hang xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải để tìm HS … Tựu trường là mùa đẹp của bao háo hức, chờ đợi, là mùa gieo hạt trồng người… Dù biết HS nghỉ học chỉ là số ít, những bài học mới vẫn được tiếp tục, nhưng… vắng đi những ánh mắt học trò trong lớp, thầy cô sao có thể trọn vẹn ươm mầm? Vậy nên, hành trình đi vận động HS ra lớp vẫn lại tiếp tục, dẫu có lắm gian nan…!