CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN

Hãy để người dân đánh giá!

Anh bạn tôi là công chức một cơ quan cấp tỉnh, gặp nhau “chuyện Đông, chuyện Tây” đều biết để “tán” với bạn bè, gọi là giảm căng thẳng sau cả tuần làm việc. Thế nhưng khi nhắc đến chuyện cải cách hành chính là anh lại… dị ứng! Sao vậy? Bạn bè hỏi thì anh lại lờ… sang chuyện khác bởi dù gì thì anh cũng là công chức hành chính, mà đã là công chức hành chính nếu không thực hiện cải cách mới là lạ. Hôm rồi, nhân bàn về “câu chuyện” thước đo nền hành chính phục vụ do Bộ Nội vụ khảo sát thí điểm lại 3 tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Định theo Đề án “Xây dựng phương pháp đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện”. Kết quả khảo sát là đã có tỷ lệ hài lòng đến trên 80%. Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo Bộ Nội vụ thì thực tế cũng chỉ bằng một nửa con số “đẹp” kia. Không bình luận, anh bạn tôi kể câu chuyện thật của chính anh, đó là khi đi làm sổ đỏ nhà, đất theo chủ trương chung của tỉnh thì đã bị “ông” địa chính phường sở tại “ngâm” cho gần 2 năm với đủ thứ lý do, lúc thì phải sắp hàng chờ đến lượt, lúc thì nay bổ sung thủ tục này, mai thủ tục khác để rồi… “ầu ơ dí dầu”! Nản quá anh đến “xin” rút lại hồ sơ về cất cho khỏi… tức! Anh ngao ngán: - Chủ trương là đúng, là quyết liệt nhưng đến cơ sở thì… vậy đó. Bao giờ dân mới hài lòng? Tôi nửa đùa nửa thật: - Thì “ông” địa chính kêu “kiên trì” chờ giải quyết thì lẽ ra ông cũng phải “kiên trì” chờ đợi !. Nghe đâu cũng phải có “bôi trơn” mới ưu tiên được!

Cán bộ Văn phòng Phát triển Kinh tế (EDO) hướng dẫn các doanh nghiệp
lập thủ tục đăng ký kinh doanh. Ảnh: Văn Miên

Thật ra, câu chuyện của anh bạn tôi cũng chỉ là thiểu số, là “con sâu làm rầu nồi canh” mà thôi. Qua thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh, từ “một cửa” đến “một cửa liên thông” trên nhiều lĩnh vực cộng với công khai các thủ tục, hồ sơ hành chính công… đã tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi có việc phải giao dịch. Chỉ có điều thái độ phục vụ của một số cán bộ làm việc tại bộ phận “một cửa” ở các địa phương, các ngành còn… xa dân, thiếu hẳn những câu chào khi dân đến và “cảm ơn” khi xong việc. Ngược lại, cũng cần nhận rõ là một số người dân khi giao dịch cũng thường “tắt ngang”, không chịu xem trước quy trình để tự kiểm tra hồ sơ đúng theo thủ tục quy định. Từ chỗ “chưa” gặp nhau này dẫn đến không “hài lòng” nhau, thậm chí cho là cố tình làm khó!...

Suy cho cùng, cải cách thủ tục hành chính cũng không ngoài mục đích: Chính quyền có trách nhiệm phục vụ người dân và để làm được điều này chính quyền cần biết mọi người nghĩ gì. Thiết nghĩ, nếu tạo được sự “tương tác” gắn với tinh thần vì dân thì “phép thử” về mức độ hài lòng của người dân đối với nền hành chính phục vụ theo như Đề án của Bộ Nội vụ sẽ đạt ở mức độ cao. Và câu chuyện làm sổ đỏ nhà, đất của anh bạn tôi sẽ chỉ còn là chuyện kể như một kỷ niệm không vui mà thôi.