Bánh hỏi lòng heo

(NTO) Bánh hỏi là một biến thể của bún tươi. Trong đời sống ẩm thực, có thể thấy sợi bún lớn và muốn có thêm sự phong phú, nên người ta làm cho sợi bún nhỏ lại và đặt tên là bánh hỏi chăng? Bánh hỏi cũng chính là món ăn truyền thống trong các buổi tiệc như ngày nghỉ lễ, họp mặt bạn bè hay giỗ chạp… Bạn có thể ăn bánh hỏi bất cứ lúc nào trong ngày và là một món ăn đậm đà hương sắc bản địa của người dân Phan Rang từ rất lâu.

Bánh hỏi có cách chế biến tương tự như bún, nhưng được làm cẩn thận và công phu hơn. Gạo ngon vo kỹ, ngâm nước một đêm. Sau đó vớt đem xay nhuyễn sau đó cho vào bao vải khô, “đăng” cho ráo nước, đem thành phẩm đó hấp “chỉ vừa đủ chín”, nhồi mạnh bằng tay và chia bột ra thành từng khối nhỏ, khoảng nửa ký gọi là “giảo” bột, cuối cùng đưa vào khuôn, ép ra từng sợi nhỏ.

Ảnh minh họa.

Thường thì một người ép một người bắt bánh. Mỗi lần ép là những vòi bột xoăn xoắn tuôn ra, ta chỉ việc đưa tay hứng lấy và ngắt ra từng đoạn khoảng chừng 10cm. Nhưng đó mới chỉ là bánh thô, nên phải hấp cách thủy một lần nữa thì mới dùng được.

Ai đến Ninh Thuận mà chưa thưởng thức món bánh hỏi Phước Khánh thì xem như chưa từng đến. Đó chỉ là món ăn dân dã, không cần phải sử dụng bởi dao, nĩa, muỗng hoặc đũa. Chính ăn bằng tay bạn mới cảm nhận hết cái ngon miệng và đọng lại sự thích thú, cơ hồ như muốn quay ngược về tuổi thơ vậy.

Bánh hỏi được xếp từng lớp đều ra dĩa rồi rưới mỡ hành lên trên. Lòng heo đã luộc chín được xắt ra thành từng miếng nhỏ. Bánh hỏi, lòng heo kèm theo một ít giá sống và rau thơm các loại được cuốn gọn vào trong lớp bánh tráng mỏng, chấm cùng với mắm nêm hoặc mắm đậu phọng.

Món bánh hỏi lòng heo là sự kết hợp tinh tế của các loại hương vị: vị ngọt và mềm xốp của sợi bánh hỏi lẫn trong cái béo ngậy của lòng heo, tiếng kêu giòn rụm của tóp mỡ tan theo vị cay nồng của rau sống và dậy lên một mùi thơm quyến rũ của mắm nêm, khiến ai ăn qua một lần là nhớ mãi.