Ngành Giáo dục và Đào tạo:Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục trong năm học mới

(NTO) Với nỗ lực quyết tâm cao theo hướng đổi mới công tác quản lý, phát huy nội lực, năm học 2013-2014, ngành GD&ĐT tỉnh ta đã tạo được sự chuyển biến cơ bản trong việc tập trung nâng cao chất lượng, hoàn thành nhiệm vụ năm học đề ra với những kết quả đáng trân trọng.

Nguyễn Bá Ninh
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT

Năm học 2013-2014 là năm học đầu tiên thực hiện Chương trình hành động số 235-CT/TU ngày 20-12-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Ngành GD&ĐT đã phát huy những kết quả đạt được, tạo sự chuyển biến cơ bản trong việc khắc phục hạn chế và tập trung nâng cao chất lượng giáo dục. Các cuộc vận động và phong trào thi đua tiếp tục được triển khai hiệu quả, bằng nhiều hình thức sáng tạo, gắn với đặc thù của ngành như: Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đưa nội dung các cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Hai không” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” thành hoạt động thường xuyên của mỗi nhà trường... từ đó đã góp phần làm chuyển biến rõ nét nhận thức và hành động của các đơn vị trường học. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục tiếp tục nâng cao lòng yêu nghề, trách nhiệm xã hội, quyết tâm chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Nhiều đơn vị đã có các giải pháp cụ thể để đẩy mạnh việc dạy, học và đánh giá thực chất hơn chất lượng giáo dục; xây dựng môi trường giáo dục sạch đẹp, thân thiện.

Năm học 2013-2014, toàn tỉnh có 52/65 xã, phường được công nhận đạt chuẩn Phổ cập Giáo dục (PCGD) Mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chiếm 80% số xã trong toàn tỉnh. Tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi/ngày đạt 90,5%; 100% lớp mẫu giáo 5 tuổi đã thực hiện bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi. Nhờ tăng cường thực hiện nhiều giải pháp, tỷ lệ học sinh khá, giỏi của cả 3 cấp học giáo dục phổ thông đều tăng; tỷ lệ học sinh yếu kém giảm mạnh so với năm học 2012-2013. Có 135 học sinh đoạt giải học sinh giỏi các môn văn hóa và giải toán trên máy tính cầm tay cấp tỉnh; 13 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp Quốc gia... Tỷ lệ tốt nghiệp của hệ THPT là 99,32% (tăng 0,36% so với năm 2013), hệ Giáo dục Thường xuyên là 88,9% (tăng 13,1% so với năm 2013). Ninh Thuận đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn quốc gia về PCGD TH đúng độ tuổi năm 2013, với 62/65 xã, phường đạt chuẩn.

Năm học 2014-2015, toàn tỉnh dự kiến có hơn 134.500 học sinh, với 325 cơ sở giáo dục các cấp học (mầm non, TH, THCS, THPT), 4 trung tâm giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp, 4 đơn vị thuộc khối giáo dục đại học, cao đẳng và 4 đơn vị thuộc khối giáo dục nghề nghiệp. Toàn ngành sẽ tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh theo chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế với các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương và từng cơ sở giáo dục. Tiếp tục thực hiện PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả PCGD TH và THCS, thực hiện xoá mù chữ, nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập. Tiếp tục triển khai mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) cấp TH, áp dụng dạy học Tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục theo các mức độ khác nhau phù hợp với điều kiện của địa phương. Đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh. Về phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục, sẽ tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra công tác đánh giá giáo viên, CBQL cơ sở giáo dục theo chuẩn đã ban hành gắn với việc thực hiện đổi mới nội dung, đổi mới phương pháp dạy học. Tập trung chỉ đạo và triển khai đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng của các trường sư phạm để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và CBQL giáo dục. Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, đặc biệt ở vùng miền núi, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và hỗ trợ bảo hiểm xã hội cho giáo viên mầm non. Tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục, huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nhà nước và xã hội đầu tư cho giáo dục. Tổ chức thanh kiểm tra công tác công khai thu chi tài chính tại các cơ sở giáo dục. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất gắn với việc xây dựng trường chuẩn quốc gia, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Thực hiện đúng lộ trình và có hiệu quả các Đề án, Chương trình và Dự án về GD&ĐT.

Với sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND,UBND tỉnh, sự phối hợp các Sở, ban ngành, các cấp chính quyền, địa phương và đoàn thể trong tỉnh, toàn Ngành GD&ĐT phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2014-2015, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp GD&ĐT, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng và bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh nhà trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn,
Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận:

Năm học 2014-2015, Trường Cao đẳng Sư phạm dự kiến đón nhận 1.800 sinh viên, trong đó 1.100 sinh viên hệ cao đẳng chính quy và 700 sinh viên đăng ký các hệ còn lại. So với các năm học trước, số lượng sinh viên của trường năm nay tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập, nhà trường đã đầu tư 8 tỷ đồng xây mới dãy nhà 3 tầng gồm 14 phòng học và dự kiến sẽ tuyển thêm giáo viên mới các ngành: du lịch, mầm non… Với phương châm “Gắn nghề nghiệp với việc làm”, trong năm học mới, Trường sẽ hướng đến các giải pháp tăng cường việc thực hành, hướng dẫn thiết kế bài giảng, tập giảng cho sinh viên. Tiếp tục duy trì phương pháp dạy học tích cực, áp dụng công nghệ thông tin và thường xuyên cập nhật những phương pháp dạy học theo Mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN). Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng yếu cầu về nghiệp vụ giảng dạy theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt chính khóa, ngoại khóa giúp sinh viên nâng cao kỹ năng xã hội và năng động, tự tin hơn n

Đồng chí Trần Thùy Vân,
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bác Ái:

Bám sát sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT về thực hiện nhiệm vụ năm học 2014-2015, Phòng GD&ĐT Bác Ái sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ huy động trẻ ra lớp, hạn chế tình trạng học sinh nghỉ học cách nhật từ đó từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Theo đó, phòng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong cộng đồng bằng nhiều hình thức như: đến tận nhà vận động, tổ chức đêm truyền thông để nắm bắt, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của học sinh; huy động xã hội hóa giáo dục để hỗ trợ sách, vở cho học sinh không thuộc diện được hỗ trợ chi phí học tập; xây dựng môi trường học tập thân thiện phù hợp với văn hóa địa phương… Ngoài ra, để giải quyết bài toán nâng cao chất lượng, ở một số trường sẽ tiến hành phân loại học sinh theo trình độ và có sự điều chỉnh về phương pháp dạy phù hợp nhằm tránh tình trạng học sinh yếu, kém không thể theo kịp chương trình n


Đồng chí Lê Anh Mân,
Hiệu trưởng Trường THCS Phan Đình Phùng, huyện Ninh Phước:

Với quyết tâm giữ vững danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia và phấn đấu đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 2, năm học 2014-2015, Trường THCS Phan Đình Phùng sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm tra; triển khai tích cực việc thực hiện “kế hoạch cải tiến chất lượng” để nâng cao chất lượng giáo dục. Nhà trường xác định rõ quan điểm phát huy nội lực từ thực tế đội ngũ giáo viên, trong dạy học và giáo dục học sinh; tăng cường công tác phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, giúp học sinh tăng tính thực hành, vận dụng và nâng cao theo từng chủ đề học tập. Chú trọng công tác tự làm đồ dùng dạy học nhằm tạo hứng thú dạy và học cả trong giáo viên và học sinh. Ngay từ đầu năm học, nhà trường xây dựng kế hoạch công tác kiểm tra nội bộ và xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên nhằm thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục.