Khói bếp

(NTO) Bếp lửa là nét đặc trưng của người Việt, những cái bếp nấu bằng củi, hay rơm rạ và lá cây khô đều có trong gian bếp của mỗi nhà. Vì vậy, bếp trở thành thứ rất đỗi quen thuộc đối với đời sống người dân các vùng quê.

Trong ngôi nhà tranh vách đất, cái bếp hẹp, chiếm một góc ngôi nhà, khói bếp bốc lên ngùn ngụt, nhỏ đang hì hục quạt cho lửa cháy lên, cho nồi cơm mau chín. Vì là con gái duy nhất của gia đình 5 anh em, mẹ bận bộn với công việc đồng áng mỗi ngày nên dù muốn hay không, từ bé, nhỏ đảm nhận phần việc “nội trợ” của gia đình, nghiễm nhiên căn bếp thuộc sự “quản lý” của nhỏ. Vì thế, tuổi thơ của nhỏ gắn liền với khói bếp. Buổi trưa, chiều là những khoảng thời gian nhỏ ngồi “lỳ” trong bếp, chuẩn bị các bữa cơm cho gia đình. Sau những bữa cơm, nhỏ thấy mình lớn dần, biết lo toan và chăm sóc cho người khác.

Ảnh minh họa.

Hôm nào mẹ không ra đồng, vừa đi học về, cái mũi rất “tinh” của nhỏ đều ngửi thấy mùi thơm phức của khoai lang nướng, món ăn khoái khẩu của nhỏ, phần thưởng mẹ dành cho nhỏ những khi được điểm cao. Nhỏ chợt nhớ về những trái bắp trên rẫy vào mùa chín rộ, anh em nhỏ hớn hở lột từng trái bắp non, ngồi quanh cái bếp hì hục nướng bắp, thi thoảng các anh lại quệt lên mặt nhỏ những dấu vết của than đen. Từng trái bắp vàng trên than lửa đỏ, mùi thơm cứ thế “dậy” lên. Với nhỏ, khóai nhất vẫn là bắp rang, từng hạt bắp hòa lẫn với cát mịn rang lên, nổ tí tách, lắp bắp thật vui tai; những bông bắp nổ ra trắng tinh, mùi thơm của từng hạt bắp cứ làm cho cái bụng của cả nhà càng đói lên cồn cào, thèm khát được nhai những hạt bắp ấy. Vào mùa gặt, ba nhỏ thường giữ lại rơm phơi khô để đốt, lúc ấy nhỏ không cần vất vả đi nhặt từng cành cây khô sau nhà để làm củi.

Những hôm trời mưa, bộ đồng phục đến trường của nhỏ không kịp khô, mẹ đốt đống lửa hông quần áo cho nhỏ vội vàng đến trường, khói bếp làm cay mắt mẹ, nhỏ đưa mắt nhìn ánh lửa đang cháy, khuôn mặt mẹ ửng hồng, nhỏ thấy những vết nhăn của thời gian hằn in trên trán mẹ, biết mẹ đã già, bất giác nhỏ cảm thấy sợ, sợ thời gian sẽ cướp mắt người mẹ của nhỏ. Nhỏ chạnh lòng nghĩ đến sự vất vả, tần tảo của mẹ đã chăm sóc gia đình. Những đêm mưa gió, cần một nơi để sưởi ấp, nhỏ lại ra căn bếp, đốt đóng lửa lên và ngồi đó hông người, sức nóng của những cây củi khô được đốt đủ để mang hơi ấm áp cho cơ thể bé bỏng, nhỏ ngồi đó, ngủ gật lúc nào không hay.

Và còn nhiều kỉ niệm khác về căn bếp mà nhỏ sẽ không bào giờ quên. Căn bếp của ngày xưa đã không còn, nhỏ không phải đi tìm nhặt từng khúc củi sau nhà để đốt bếp, mặt nhỏ không còn lấm lem vết đen của than quệt trên mặt, không còn những ánh lửa đốm hồng, không còn mùi tro quen thuộc ngày nào…Bây giờ, thay vào đó là căn bếp được xây khang trang, dùng bếp ga, chỉ cần vặn nút, sẽ có lửa. Công việc bếp núc của nhỏ cũng nhẹ nhàng hơn.

Nhưng những kỉ niệm về một căn bếp trong nhỏ sẽ vẫn còn, nhỏ nhớ về nó để thấy được sự vất vả của những ngày xa xưa, để rồi nhỏ cảm thấy hạnh phúc. Một “thời khói lửa” của nhỏ đã đi vào dĩ vãng, có lẽ, khói bếp sẽ là kỷ niệm đẹp mà nhỏ sẽ luôn gìn giữ trong ký ức của mình.