Ngư dân Trần Công Thông đánh bắt hải sản ở vùng biển Trường Sa

(NTO) Được anh Nguyễn Tuấn Chung, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) giới thiệu, chúng tôi tìm gặp anh Trần Công Thông ở khu phố 10, là một trong những ngư dân đầu tiên của phường mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề, đầu tư tàu thuyền vươn ra ngư trường Trường Sa đánh bắt hải sản.

 
Ngư dân Trần Công Thông kiểm tra tàu chuẩn bị cho chuyến vươn khơi xa tiếp theo.

Trước đây, 2 chiếc tàu mang số hiệu NT 90797TS (396CV) và NT 90869TS (350CV) của anh Thông chủ yếu đánh bắt hải sản bằng nghề vây rút chì và lưới màn cỡ lớn. Tuy nhiên, đánh bắt tại ngư trường gần bờ trong thời gian ngắn nên hiệu quả không cao, nên anh Thông đã quyết định chuyển sang khai thác tại vùng biển xa thuộc quần đảo Trường Sa. Theo anh, vươn ra đánh bắt ở ngư trường này vừa dồi dào hải sản, vừa góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Để đánh bắt hiệu quả, anh Thông đã mạnh dạn mua sắm thêm ngư lưới cụ và chuyển đổi sang nghề câu cá ngừ đại dương và câu mực...Trong chuyến đi vừa qua, 2 tàu có tổng cộng 12 thuyền viên, đánh bắt ở khu vực đảo An Bang (thuộc quần đảo Trường Sa), là vùng bãi rạn, hệ sinh thái đa dạng, hải sản phong phú. Tại đây, trong vòng 20 ngày, hai chiếc tàu của anh đã đánh bắt được gần 5 tấn hải sản, gồm tôm hùm, mực, cá mú, cá ngừ đại dương…, trong đó riêng cá ngừ đại dương khoảng 3 tấn.

Những ngày đánh bắt tại ngư trường đảo An Bang, anh được các cán bộ, chiến sĩ trên đảo quan tâm giúp đỡ, chỉ cho đặc điểm của từng vùng, nơi nào có bãi đá ngầm để né tránh. Sự tận tình của những người lính, cũng như tiềm năng hải sản đã giúp anh có thêm động lực và ý tưởng mới trong đánh bắt hải sản. Anh Thông chia sẻ: “Qua thực tế đánh bắt hải sản xa bờ cho thấy rất hiệu quả, tôi nghĩ ngư dân cần mạnh dạn đầu tư tàu thuyền công suất lớn để vươn ra khơi xa đánh bắt dài ngày mới nâng cao thu nhập, đồng thời góp phần bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”. Hiện nay anh đang cố gắng tích lũy, dự định sẽ mua sắm thêm ngư cụ làm nghề lưới chụp, vay vốn của Nhà nước đóng tàu sắt để vừa khai thác, vừa làm dịch vụ hậu cần trên biển. Kế hoạch của anh thực hiện được sẽ là “đầu tàu” kéo theo ngư dân trong tỉnh chuyển đổi ngư trường, tạo thêm điều kiện thành lập các đội, tàu thuyền đánh bắt khơi xa.

Theo anh Nguyễn Tuấn Chung, trước tình hình Biển Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp, việc ngư dân Trần Công Thông mạnh dạn vươn ra ngư trường Trường Sa đánh bắt hải sản đã thể hiện tinh thần bám biển của ngư dân, không chỉ nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc. Từ thực tế điển hình này, chính quyền địa phương đang tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ngư dân vay vốn, mua sắm ngư cụ, cải hoán, đóng mới tàu thuyền vươn khơi xa, phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.