Để tàu cá tỉnh nhà vươn khơi xa đánh bắt hải sản

(NTO) Những ngày này, trong khi hướng mọi tình cảm về vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ngư dân tỉnh ta đã tiếp tục bám biển khai thác vụ cá Nam.

Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh khai thác đạt sản lượng 46.126 tấn hải sản các loại, đạt 71% kế hoạch, tăng 89,6% so với cùng kỳ năm 2013. Không chỉ đạt sản lượng cao, năng lực tàu cá còn tăng thêm 31 chiếc (công suất bình quân gần 520 CV/chiếc), nâng tổng số tàu cá tỉnh nhà lên 2.706 chiếc (259.469 CV). Điều này cho thấy ngư dân trong tỉnh đang quyết tâm đầu tư tàu cá có công suất lớn để hoạt động xa bờ.

 
Ngư dân Ninh Hải vươn khơi đánh bắt hải sản xa bờ. Ảnh: V.M

Nhận xét về bước chuyển năng lực tàu cá, đồng chí Bùi Thị Anh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phấn khởi cho biết: Đề án “Tổ chức lại nghề khai thác hải sản tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2013 – 2020” được triển khai trùng hợp với thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981, tôi cho đây cũng là nhân tố góp phần thúc đẩy ngư dân hướng hoạt động khơi xa. Tuy nhiên nhìn vào thực trạng hiện nay, tuy tàu cá từ 90 CV trở lên chiếm trên 32% số tàu thuyền và trên 82% tổng công suất, (cụ thể có khoảng trên 400 chiếc từ 90 CV đến dưới 250 CV và trên 250 chiếc từ 250 CV trở lên) song tỉnh ta vẫn còn gần 70% tàu cá nhỏ, có thể thấy vấn đề hàng đầu cần quan tâm là phải tổ chức lại nghề cá ven bờ và phát triển khai thác hải sản xa bờ một cách hợp lý. Theo hướng đó, mới đây ngành NN&PTNT đã phối hợp với Ninh Hải chọn ngay địa phương làm điểm tổ chức lại nghề khai thác hải sản giai đoạn 2014-2020. Hiện nay Ninh Hải có tổng số 971 tàu thuyền, trong đó có 97 chiếc từ 90 đến dưới 250 CV, 30 chiếc từ 250 đến dưới 400 CV và 4 chiếc từ 400 CV trở lên. So với vài năm trước, tàu công suất lớn ở đây đã tăng nhanh nhưng nghịch lý là những tàu này chỉ đánh bắt vùng lộng. Điều này có nghĩa là ngư dân tăng thêm cường lực đánh bắt vùng ven bờ chứ chưa đi xa bờ.

Tại sao lại có tình trạng trên, theo lý giải của đồng chí Đặng Văn Tín, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (KT&BVNLTS) tỉnh, đó là do ngư trường tỉnh ta khá thuận lợi. Thuộc vùng duyên hải cực Nam Trung bộ, tỉnh ta có bờ biển dài trên 105 km với vùng đặc quyền kinh tế rộng 24.480 km2, trong đó vùng biển ven bờ có diện tích khoảng 980 km2 và vùng lộng có diện tích khoảng 2.670 km2. Do nguồn lợi hải sản trên vùng biển tỉnh ta rất phong phú, với nhiều bãi cá đáy và hằng năm có nhiều đàn cá nổi di cư về với trữ lượng lớn, ngư dân có thể khai thác quanh năm. Đã thế vùng biển tỉnh ta là vùng biển nước sâu, với đường đẳng sâu 50m nằm sát bờ nên việc phát triển nghề khai thác cá đáy (lưới kéo; lưới rê tầng đáy…) theo hướng vươn khơi gặp rất nhiều khó khăn. Chính điều này dẫn đến mật độ tàu thuyền khai thác hải sản tại vùng biển ven bờ cao hơn vùng lộng ít nhất là 2,45 lần, đã làm cho nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt.

 
Tàu thuyền ra khơi đánh bắt hải sản.  Ảnh: CTV

Rõ ràng trước thực trạng đó, không còn giải pháp nào khác hơn là phải tổ chức lại nghề khai thác hải sản như mục tiêu của Đề án nói trên đã đề ra. Trong thực tế, thời gian qua nghề cá tỉnh ta đang dần xuất hiện nhiều nhân tố mới khá lạc quan. Trên vùng khơi, toàn tỉnh đã có khoảng 40 tàu cá trên 200 CV của ngư dân các xã Tri Hải và Thanh Hải (Ninh Hải) thực hiện khai thác hải sản bằng nghề lưới vây rút chì, ngoài ra còn có 13 tàu cá thường xuyên thực hiện khai thác hải sản trên vùng biển xa ở quần đảoTrường Sa hoặc giàn khoan DK1, gồm: 1 tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân xã Cà Ná (Thuận Nam); 12 tàu lưới rê nilon của ngư dân phường Mỹ Đông (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Trong khai thác, cùng với việc duy trì các tổ đoàn kết sản xuất trên biển, ngành NN&PTNT đã vận động thêm 22 tàu cá tham gia khai thác vùng biển xa. Một trong số đó là anh Nguyễn Toàn, chủ tàu cá 500 CV ở xã Thanh Hải chia sẻ: “Được tổ chức đàng hoàng và có sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi sẵn sàng vươn ra khơi xa đánh bắt dài ngày, chẳng có gì phải ngại”.

Theo đồng chí Bùi Thị Anh Vân, cùng với việc chọn Ninh Hải làm điểm quản lý tàu cá dưới 20 CV và vùng nước ven bờ, hiện nay từ tiền đề nghề vây rút chì đánh bắt vùng lộng, ngành đang hướng ngư dân chuyển sang nghề vây khơi. Đặc biệt với phát hiện thú vị về ngư trường cá ngừ đại dương ở ngay trong vùng biển tỉnh nhà (chỉ cách Mũi Dinh 18 hải lý), ngành đang hướng các tàu nghề chuyển sang câu cá ngừ đại dương, trong đó có kế hoạch đưa các ngư dân ra Bình Định tham quan các tàu câu cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản. Có thể nói với sự nỗ lực của ngành NN&PTNT, Đề án “Tổ chức lại nghề khai thác hải sản tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2013 – 2020” đang từng bước đi dần vào thực tiễn.