Để làm tốt bài thi tốt nghiệp môn Ngữ Văn theo hướng đổi mới

(NTO) Để các em học sinh có tâm thế làm tốt bài thi môn Ngữ văn trong kì thi tốt nghiệp năm 2014, chúng tôi giúp các em hiểu rõ một số nội dung sau đây:

1. Năng lực Ngữ văn:

Theo PGS.TS Phạm Thị Thu Hương - ĐHSP Hà Nội thì: “Người có năng lực Ngữ văn là người có khả năng đọc hiểu các văn bản văn hóa thông tin nhật dụng của đời sống, các văn bản văn học có giá trị phù hợp với trình độ của bản thân để có thể mở rộng hiểu biết, để vận dụng vào đời sống cá nhân và cộng đồng, để giải trí, để thưởng thức, bồi dưỡng năng lực thẩm mĩ, làm phong phú, giàu có đời sống tâm hồn, phát triển xúc cảm nhân văn, góp phần tạo nên một con người vừa hiểu biết về trí tuệ, vừa giàu có về trái tim. Có năng lực Ngữ văn là có khả năng tạo lập các loại văn bản đáp ứng nhu cầu, mục đích giao tiếp của bản thân và phù hợp với các điều kiện khác để đảm bảo đạt hiệu quả như mong muốn”

2. Văn bản:

- Khái niệm - Phân loại: Các em xem lại sách Ngữ văn 10.

- Hình thức tồn tại: Văn bản tồn tại ở hai dạng cơ bản: dạng nói và dạng viết. Dạng nói thường gặp ở các phạm vi như: giao tiếp hằng ngày, thông tin trên ti vi, đài phát thanh, hội thảo,….Dạng viết thường gặp ở: báo giấy, Internet, facebook, email, sách, tạp chí,…Các văn bản dạng viết không chỉ có chữ viết mà còn có cả hình, biểu đồ, bảng, con số thống kê,…

3. Đọc hiểu văn bản: Nói một các sơ lược thì đọc hiểu văn bản là một hoạt động giải mã văn bản. Mọi sự đọc, dù động cơ như thế nào, đều không thoát li được việc tìm hiểu nghĩa của văn bản. Hiểu văn bản là hiểu được nội dung thông tin, đúc rút được ý nghĩa, bản chất của của ý nghĩ, tình cảm, quan điểm của tác giả đặt ra trong văn bản; đồng thời bao hàm cả sự giải thích, phân tích, ứng dụng làm nền tảng cho sự hình thành tư tưởng, tình cảm, thế giới quan, thị hiếu thẩm mĩ của người đọc (GS.TS Trần Đình Sử).

4. Các yêu cầu và hình thức kiểm tra đọc hiểu: Theo định hướng của Bộ GDĐT năm 2104 thì việc kiểm tra năng lực đọc hiểu tập trung vào các yêu cầu sau:

- Chỉ ra được nội dung chính và các thông tin quan trọng của văn bản; hiểu ý nghĩa của văn bản, tên văn bản.

- Có những hiểu biết về từ ngữ, cú pháp, chấm câu, cấu trúc, thể loại văn bản.

- Nhận biết được một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản và tác dụng của chúng.

Theo hướng dẫn cách tổ chức ôn tập do Bộ GDĐT đã ban hành thì chúng tôi dự đoán, năm 2014, văn bản được chọn làm ngữ liệu để đánh giá năng lực đọc hiểu rất phong phú. Văn bản có thể là văn bản dài, văn bản ngắn, trích đoạn (có hoặc không có trong chương trình học). Có thể bao gồm văn bản văn học, khoa học, báo chí,...ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ nghệ thuật đến lịch sử, khoa học, xã hội, chính trị,...Đó có thể là văn bản liên tục (chỉ có chữ) và có thể là văn bản không liên tục (bao gồm chữ, hình, biểu, bảng,...). Văn bản có thể được lấy từ sách giáo khoa, tạp chí, Internet,...và hình thức câu hỏi kiểm tra năng lực đọc hiểu có thể là những câu hỏi ngắn, điền khuyết, kết nối thông tin, viết ngắn với mệnh đề cho sẵn, đặt tên đoạn - văn bản,...

5. Phương pháp ôn tập: Căn cứ vào những định hướng của Bộ GDĐT, để làm bài tốt, các em nên ôn tập theo tư vấn dưới đây:

5.1. Phần đọc hiểu:

- Tăng cường đọc sách, báo và ở nhiều loại thể khác nhau nhưng chủ yếu tập trung vào các loại văn bản được học trong chương trình phổ thông (văn học, khoa học, báo chí, chính luận, nhật dụng,…)

- Chọn đọc văn bản vừa tầm nhận thức, đúng chuẩn mực tiếng Việt, từ nhiều nguồn khác nhau như: báo giấy, internet, facebook, blog, email, ti vi,... Chọn đọc các văn bản vừa có chữ, vừa có hình, vừa có bảng biểu và thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau từ khoa học đến nghệ thuật, xã hội,.. để làm quen với các hình thức đa dạng của văn bản.

- Tập đọc văn bản với tốc độ nhanh để nắm bắt thông tin và trả lời các câu hỏi đọc hiểu. Năm nay, đề thi theo hướng dẫn của Bộ, phần viết nhiều hơn phần đọc hiểu, do vậy không thể đọc văn bản và trả lời văn bản ở phần đọc hiểu với tốc độ chậm. Các em cần dành nhiều thời gian ở phần tạo lập văn bản.

- Cũng cần tập đọc hiểu văn bản mức độ cao hơn như biết lí giải, phân tích, cảm thụ văn bản để trả lời các câu hỏi như: Qua văn bản tác giả muốn gửi gắm điều gì ? Tại sao tác giả lại nói như vậy ?,...

- Xem lại cách đọc hiểu thơ, truyện, kịch đã được học trong chương trình Ngữ văn 10,11,12.

- Hệ thống các chuẩn mực qui định của tiếng Việt về chính tả, dùng từ, ngữ pháp; các biện pháp tu từ và tác dụng của chúng (được học trong phân môn tiếng Việt cấp trung học); tập phân tích tác dụng các biện pháp tu từ trong câu, đoạn, văn bản được đề cập.

5.2. Phần viết:

- Cần nắm vững các tiêu chí của một bài nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

- Luyện tập cách tư duy sáng tạo, độc lập trong suy nghĩ và viết đối với đề mở.

- Luyện cách viết bài văn ngắn theo dung lượng qui định (câu, dòng, trang,) hoặc viết đoạn.

- Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận và phương thức biểu đạt trong bài nghị luận, trong đó chú ý thao tác so sánh, bác bỏ, hai thao tác giúp bộc lộ tốt tư duy sáng tạo, phản biện của người viết.

- Luyện các kĩ năng chung khi viết văn như: mở bài, kết bài, xây dựng luận điểm, sử dụng dẫn chứng, chữ viết, hình thức trình bày, chính tả, dùng từ, ngữ pháp,…

- Tăng cường đọc sách, báo (kể cả Internet), ti vi,…, theo dõi các sự kiện xã hội có tính chất thời sự, nhân văn, phù hợp với nhận thức, tích lũy kiến thức để có thể viết tốt những đề văn nghị luận có yêu cầu vận dụng vào thực tế cuộc sống và học tập.

- Chọn lọc và thử sức giải một số đề thi tham khảo phù hợp với định hướng của Bộ GDĐT.