Bám địa bàn dân cư để hoạt động

(NTO) Đó là suy nghĩ của chị Đổng Thị Kim Ngân, cán bộ chuyên trách Văn hóa-Xã hội của xã Phước Hậu (Ninh Phước) về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong 3 năm qua, với cương vị công tác của mình, chị Kim Ngân luôn năng nổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao, được bà con địa phương tin yêu.

 
Chị Đổng Thị Kim Ngân, cán bộ chuyên trách Văn hóa-Xã hội của xã Phước Hậu (Ninh Phước).

Sinh năm 1982 tại thôn Hiếu Lễ (Phước Hậu), cuối năm 2008, chị Đổng Thị Kim Ngân vào công tác tại UBND xã với nhiệm vụ phụ trách văn hóa-thông tin. Một thời gian sau được giao thêm nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và quản lý các dịch vụ văn hóa trên địa bàn. Ban đầu chị chỉ làm theo sự chỉ đạo của UBND xã nhưng dần dần quen việc, chị đã biết sắp xếp, lập kế hoạch công tác rõ ràng. Sau khi học tập chuyên đề thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, chị đăng ký làm theo một cách cụ thể với quyết tâm tập trung, dành nhiều thời gian cho công việc chuyên trách của mình hơn. Nhận thức muốn làm tốt công tác tuyên truyền phải thường xuyên có mặt ở thôn, chị đã chủ động tăng cường phối hợp các Ban quản lý thôn. Điều này thể hiện sinh động trong cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chị thường xuyên bám cơ sở trực tiếp hướng dẫn theo phương thức “cầm tay chỉ việc”. Phước Hậu có gần ½ dân số là đồng bào dân tộc Chăm, nên khi đến vận động chị đã đề nghị Hội đồng chức sắc Bàlamôn các thôn giúp đỡ, phối hợp tuyên truyền giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Gặp người dân, chị khéo léo nói chuyện, làm cho bà con hiểu rõ bổn phận phải tuân thủ pháp luật về tôn giáo. Nhờ bám địa bàn tuyên truyền, chị đã góp phần vào thành tích xây dựng 6/7 thôn của xã đạt tiêu chí Làng văn hóa.

Khi xã Phước Hậu triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, để giúp nhân dân địa phương hiểu rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước, chị liên hệ với Ban chỉ đạo xã lập kế hoạch tuyên truyền. Bản thân chị chủ động, sáng tạo, tự tham khảo tài liệu, tự biên soạn kịch bản, tự thu âm thành đĩa CD và tự phát hành cho các thôn sử dụng. Tài liệu này đã giúp ích cho các thôn trong việc giải thích những thắc mắc của nhân dân và cổ vũ phong trào hiến đất, hiến công, được sử dụng một thời gian cho đến khi có đĩa CD của Văn phòng điều phối Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh cung cấp thay thế. Trong công tác bảo trợ xã hội, thay vì ngồi tại chỗ chờ đợi các thôn đem hồ sơ đến duyệt, chị đề nghị các thôn rà soát lại đối tượng và đến từng thôn thành lập Hội đồng xét duyệt, bản thân trực tiếp điều tra lập hồ sơ cho các đối tượng người già, trẻ em mồ côi, khuyết tật…Nhờ cách làm đó, các đối tượng không bị bỏ sót và UBND xã cũng không mất thời gian điều chỉnh, bổ sung trong công tác bảo trợ xã hội như mọi năm. Trong công tác Đoàn, với vai trò Ủy viên Ban chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã, chị đã phát huy tính năng động, xung kích của tuổi trẻ. Từ sự trăn trở phải đổi mới nội dung sinh hoạt Đoàn cho hấp dẫn, chị đến từng chi đoàn thôn, phối hợp tổ chức các giải bóng đá, thể thao, sinh hoạt văn nghệ, đặc biệt là tổ chức các tiết mục ca, múa biểu diễn trong mùa Lễ hội Katê cho đông đảo đoàn viên-thanh niên tham gia.

Nhận xét về chị, anh Huỳnh Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hậu nói: Chị Đổng Thị Kim Ngân là tấm gương cán bộ có tinh thần trách nhiệm và luôn sáng tạo trong công việc. Với các hoạt động tích cực, sáng tạo, luôn bám sát địa bàn dân cư, chị đã được cấp ủy xã Phước Hậu chọn là tấm gương điển hình thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, đề nghị tỉnh biểu dương, khen thưởng.