Phương pháp ôn tập và làm bài kiểm tra Ngữ Văn 12, học kỳ 2

(NTO) Để giúp các em có tâm thế tốt trong việc ôn tập và làm bài kiểm tra Ngữ văn đạt kết quả ở học kỳ 2 năm học này, chúng tôi giới thiệu một số kinh nghiệm ôn tập và làm bài dưới đây:

1. Phương pháp ôn tập đối với phần văn bản văn học:

- Với các em có khả năng ghi nhớ nhiều chữ: Kẻ bảng liệt kê ngắn gọn các chuẩn kiến thức kĩ năng cần học để nắm chắc vấn đề trọng tâm cần học ở mỗi văn bản. Các em có thể dựa vào phần “Kết quả cần đạt” in ở đầu mỗi bài học trong sách giáo khoa hoặc đến thư viện trường học tìm đọc cuốn “Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức kĩ năng môn Ngữ văn lớp 12” để ôn tập. Sau đó, các em mới tham khảo ở vở ghi bài học và các tài liệu khác vì nếu chưa biết kiến thức, kĩ năng trọng tâm bài học là gì thì đọc nhiều, học theo nhiều tài liệu sẽ càng bị phân tán và càng xa rời mục tiêu chuẩn kiến thức kĩ năng. Bên cạnh đó, các em cần rèn luyện năng lực cảm nhận riêng của mình bằng những cách nghĩ mới, diễn đạt mới xung quanh những vấn đề nội dung và nghệ thuật của văn bản văn học đã được học,…

- Với các em thích nghi tốt với màu sắc, đường nét thì có thể sử dụng Sơ đồ tư duy, Grap,…để tóm tắt bài học bằng một số từ khóa (keywords), hình ảnh, biểu tượng minh họa,…

- Các em cũng nên lượng hóa bằng con số để có thể nắm chắc có bao nhiêu nội dung cần học về văn bản, nhân vật văn học, nghệ thuật tiêu biểu của tác phẩm/đoạn trích,…Ngoài ra, phương pháp rất tốt khi ôn tập văn bản văn học đó là nhóm các tác phẩm cùng đề tài để học, ví dụ: về đề tài đất nước (Trích đoạn Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm; Đất nước - Nguyễn Đình Thi,…), về đề tài thân phận con người (Vợ chồng A phủ - Tô Hoài; Vợ nhặt - Kim Lân; Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu),…Đây là phương pháp hữu ích giúp các em có tư liệu để thực hiện thao tác so sánh khi làm bài Nghị luận văn học, một trong những cách thức giúp bài làm văn Nghị luận đạt điểm cao,...

2. Phương pháp làm bài kiểm tra Ngữ văn:

- Đối với câu hỏi kiểm tra mức độ nhận biết, thông hiểu kiến thức: Câu hỏi yêu cầu vấn đề gì thì trả lời vấn đề ấy, trả lời đúng, trúng trọng tâm và cần trình bày nội dung dưới dạng câu đúng ngữ pháp, hoặc đoạn văn ngắn gọn; nên tránh lối trả lời “cụt lủn” bằng cách liệt kê, gạch đầu dòng không đầy đủ thành phần câu. Nếu có khả năng diễn giải thêm ra bằng lí lẽ và dẫn chứng thì càng tốt. Song, việc làm này tốn nhiều thời gian. Mức độ phân hóa năng lực học sinh với câu này không cao, vì vậy các em nên tập trung cho câu Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học. Tuy nhiên, các em cũng cần cẩn thận khi nhận diện, phân tích yêu cầu đề bài nếu không sẽ dễ bị mất 2,0 điểm ở câu hỏi dạng này.

- Đối với câu Nghị luận xã hội có yêu cầu viết với dung lượng qui định sẵn: Viết bài văn theo dung lượng qui định sẵn là một yêu cầu nhằm nhắc nhở người viết chú ý thể hiện nội dung văn bản với dung lượng vừa phải, ngắn gọn (súc tích), phù hợp với số điểm của câu và thời gian cho phép của đề kiểm tra, đề thi. Với dung lượng qui định sẵn dù dưới dạng nào, các em cũng phải bình tĩnh, viết bài văn Nghị luận xã hội theo đúng tiêu chí được học, bộc lộ hết suy nghĩ của mình, đảm bảo đúng ngữ pháp văn bản,…là được.

- Đối với việc dùng dẫn chứng, ngữ liệu từ văn bản văn học để viết bài Nghị luận xã hội: Một số học sinh thường cho rằng viết văn Nghị luận xã hội là phải minh chứng bằng con số thật, người thật, việc thật; ngữ liệu cũng phải lấy từ thực tế cuộc sống, không được lấy từ trong văn bản văn học. Ngược lại, chúng tôi cho rằng nếu biết khéo léo kết hợp các dẫn chứng, ngữ liệu từ văn học thì bài văn Nghị luận xã hội sẽ thêm sức biểu cảm, thuyết phục. Tuy nhiên, phải đảm bảo việc đưa dẫn chứng, ngữ liệu từ văn bản văn học (nhân vật, hình ảnh, biểu tượng,…) là nhằm để minh họa, làm sâu sắc thêm vấn đề được nghị luận trong bài Nghị luận xã hội chứ không phải để bàn về vấn đề văn học. Số lượng dẫn chứng, ngữ liệu kiểu này cũng cần phải cân nhắc. Khi trích dẫn, đòi hỏi học sinh phải am hiểu sâu sắc, biết chọn góc độ, khía cạnh phù hợp để lập luận, nếu không sẽ dễ bị lạc đề, sa vào kiểu bài Nghị luận văn học. Trong một văn bản, các loại thể, thao tác thường đan xen lẫn nhau. Việc phối hợp nhiều yếu tố, phương thức biểu đạt và thao tác lập luận trong bài văn Nghị luận cũng là điều mà nhà trường phổ thông hiện nay yêu cầu các em hướng tới.

- Đối với việc sử dụng thao tác so sánh trong bài văn Nghị luận: So sánh là một thao tác thể hiện lối tư duy sáng tạo. Mà sáng tạo trong khi viết bài làm văn là điều được đánh giá rất cao. Vì vậy, các em nên chú ý vận dụng thao tác này khi làm bài Nghị luận. So sánh là nhằm để làm nổi bật lên vấn đề đang được đề cập. Có thể so sánh tương đồng và khác biệt. Thao tác so sánh có thể dùng ở tất cả vị trí bài văn Nghị luận từ mở bài đến thân bài và kết bài. Mở bài sẽ trở nên hấp dẫn, lôi cuốn hơn khi vấn đề được đặt trong thế so sánh. Thân bài sẽ trở nên sâu sắc hơn khi vấn đề được đối chiếu, phân tích trong các mối liên hệ với các đối tượng liên quan. Kết bài sẽ để lại nhiều dư ba trong lòng người đọc nếu vấn đề được gửi gắm trong những dòng văn so sánh.