Gia đình đờn ca tài tử

(NTO) Ít ai ngờ ở làng Chăm Hiếu Lễ có một gia đình nông dân đam mê đờn ca tài tử “cha truyền con nối” từ hơn nửa thế kỷ trước. Ngày đi làm ruộng, tối về anh em quây quần trên nền sân gạch đờn ca cổ nhạc. Phong cách chơi tài tử của gia đình nghệ nhân Lưu Quang Kiệt còn lưu giữ đến bây giờ.

Chúng tôi gặp nghệ nhân Lưu Quang Kiệt quần xăn ống cao ống thấp vừa đi thăm ruộng về nhà. Anh là người con thứ mười trong gia đình dân tộc Chăm có 16 người con. Được cha là ông Lưu Quang Ngọc gốc gác nông dân ở Phước Đồng mê đờn ca tài tử hướng dẫn con cái trong nhà ai cũng ca được cổ nhạc. Hiện nay, gia đình có 5 anh em ruột thường xuyên gắn bó đờn ca tài tử là Lưu Quang Chanh, Lưu Quang Kiệt, Lưu Quang Anh, Lưu Quang Thọ, Lưu Quang Long. Anh Kiệt có người anh cô cậu ruột là soạn giả Phú Bình Trung (nghệ danh Chế Hồ Lưu) có vợ là nghệ sĩ Lệ Hoa quê ở Bến Tre. Hai vợ chồng ông sáng lập đoàn cải lương mang tên Phú Bình Trung nổi tiếng khu vực miền Trung. Ông sáng tác nhiều bài cổ nhạc được giới đờn ca tài tử yêu thích như Phước Hậu quê tôi viết theo điệu Tây Thi, Danh lam thắng cảnh Phan Rang viết theo điệu Lưu Thủy Trường…Nhờ truyền thống đờn ca tài tử của gia đình giúp nghệ nhân Lưu Quang Kiệt nắm vững nhịp bài bản và biểu diễn thành thục đàn ghi ta phím lõm. Anh tham gia sinh hoạt câu lạc bộ đờn ca tài tử thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh. “Tuy bận rộn công việc mùa màng nhưng Ban chủ nhiệm câu lạc bộ “alô” là tui lo sắp xếp việc đồng áng tham gia biểu diễn phục vụ nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật công chúng tỉnh nhà. Được đờn ca cổ nhạc phục vụ bà con là tui vui lắm”, anh Kiệt nói.

Nghệ nhân Lưu Quang Chanh và Lưu Quang Kiệt hòa tấu đàn kìm và đàn ghi ta phím lõm.

Nghệ nhân Lưu Quang Kiệt đưa chúng tôi tới gặp người anh thứ ba là ông Lưu Quang Chanh nay đã bước qua tuổi tám mươi. Trong căn nhà khang trang nằm ven đường liên xã Phước Hậu- Phước Thái, hai anh em sôi nổi hòa nhịp đờn ca tài tử. Anh Kiệt vừa đờn ghi ta phím lõm vừa ca bài Võ Đông Sơ- Bạch Thu Hà của soạn giả Viễn Châu; ông Chanh chơi đờn kìm. Tiếng đàn, lời ca bài bản cổ nhạc hòa quyện tạo cảm giác thư thái tinh thần cho nghe. Vừa dứt nhịp đờn, ông Lưu Quang Chanh nói cây ghi ta phím lõm này tui mua hơn nửa thế kỷ rồi. Được anh em tui chơi hàng ngày nên cây đờn lên nước bóng lộng. Thời trai trẻ, nghe ở đâu có gánh hát cải lương là anh em tui rủ nhau đi coi tới 1-2 giờ khuya mới về nhà. Tui học chơi bài bản cổ nhạc từ năm 18 tuổi đến nay trên 60 năm. Nhờ có tiếng đờn, điệu hát cổ nhạc giúp tui sống vui, sống khỏe, động viên con cháu làm ăn góp phần xây dựng thôn xóm giàu đẹp.

“Anh em tui là dân mê đờn ca tài tử nên rất vui mừng khi bộ môn nghệ thuật này vừa được tổ chức UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tôi tích cực tham gia đưa đờn ca tài cử lan tỏa trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh”, nghệ nhân Lưu Quang Kiệt phấn khởi nói.