Phát huy tinh thần trách nhiệm và tính tự học của học sinh trong việc học ngữ pháp tiếng Anh

(NTO) Ngữ pháp là một trong những khía cạnh giúp người nói diễn đạt ý kiến, càng nắm vững về các cấu trúc ngữ pháp và vai trò của chúng thì càng có khả năng sử dụng ngữ pháp hiệu quả cho mục đích của mình, đồng thời hiểu được cách sử dụng ngôn ngữ của người khác, góp phần hỗ trợ cho việc giao tiếp thuận lợi hơn.

Do đó, ngữ pháp luôn được đánh giá là một trong những mảng gây nhiều khó khăn cho học sinh. Bởi vì các em không chỉ phải biết các quy tắc và công thức ngữ pháp, mà còn phải biết khi nào? Tại sao? Làm thế nào? để áp dụng ngữ pháp hiệu quả trong học tập cũng như trong giao tiếp. Tuy nhiên, cho dù học sinh có đối mặt với khó khăn nào đi nữa, thì các em vẫn khắc phục được nếu giáo viên biết cách kích thích và phát triển tinh thần trách nhiệm và tính thần tự học của các em. Học sinh thường nghĩ rằng học ngữ pháp nghĩa là học các quy tắc ngữ pháp và làm bài tập kèm theo. Thật ra, ngữ pháp luôn được sử dụng tích hợp với các kỹ năng ngôn ngữ: nghe, nói, đọc và viết. Ví dụ như: trong giao tiếp cũng như khi làm bài tập nghe hiểu, học sinh có thể đoán được người nói chuẩn bị biểu lộ ý kiến trái ngược nếu các em hiểu được khi nào và tại sao phải sử dụng liên từ ‘but’. Hoặc là học sinh sẽ nói ‘I go to school on foot every day’, thay vì nói ‘I go to school by foot every day’.

Sau đây là một vài mẹo nhỏ giúp học sinh hào hứng trở lại với tinh thần trách nhiệm, tự giác học ngữ pháp tiếng Anh.

Thứ nhất: Giao bài cho học sinh làm việc theo nhóm ở nhà

Việc giao bài cho học sinh làm việc theo nhóm ở nhà có tác dụng làm giảm sự phụ thuộc quá nhiều của học sinh vào giáo viên, đẩy mạnh sự hợp tác và tinh thần đoàn kết, đồng thời giúp học sinh hiểu nội dung bài sâu hơn và làm tăng sự tự tin trong khả năng tự mình chiếm lĩnh kiến thức. Việc giao bài cho học sinh cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: phân nhóm

Để giúp học sinh thực hiện tốt và hiệu quả nhiệm vụ, giáo viên đề nghị học sinh bầu ra trưởng nhóm để phân công công việc cụ thể trong nhóm, đồng thời hướng dẫn các em cách làm việc trong nhóm để có được kết quả tốt nhất.

Bước 2: giao nhiệm vụ và hướng dẫn

Giáo viên cần đưa ra các yêu cầu rõ ràng và chi tiết, hướng dẫn các em cách thức thực hiện, đồng thời giới thiệu nguồn tài liệu có sẵn trong thư viện trường, hoặc các tài liệu khác và cách thức tra cứu thông tin trên mạng để các em tìm hiểu thêm.

Ví dụ như đối với chuyên đề về thì, giáo viên yêu cầu học sinh biên soạn đầy đủ công thức, cách sử dụng và ví dụ minh họa cho từng thì. Đồng thời phân biệt sự giống và khác nhau của từng cặp thì. Giáo viên nhắc học sinh cần chú ý đến lỗi chính tả và hướng dẫn các em cách thức trình bày văn bản.

Bước 3: góp ý

Để giúp học sinh tự tin hơn khi trình bày bài trước lớp và tiết dạy hiệu quả hơn, giáo viên cần xem qua bài làm của học sinh. Học sinh có thể gặp trực tiếp giáo viên để tham khảo ý kiến về bài làm, hoặc gởi bài qua thư điện tử cho giáo viên. Giáo viên có thể sửa bài trực tiếp trên bài làm của học sinh bằng cách vào insert, chọn comment, hoặc góp ý thêm qua thư điện tử. Phương pháp này vừa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập, vừa tiết kiệm thời gian đi lại của học sinh.

Ngoài ra, việc góp ý cho bài làm của học sinh không những tăng sự tự tin cho học sinh khi trình bày trước lớp, mà còn đảm bảo tính chính xác, khoa học của nội dung kiến thức mà giáo viên muốn học sinh lĩnh hội. Đồng thời, đây sẽ là nguồn tài liệu học sinh và giáo viên tham khảo sau này.

Thứ hai: Quản lý việc thuyết trình trước lớp

Bước 1: giáo viên yêu cầu các nhóm phát tài liệu cho các bạn trước buổi học ít nhất ba ngày. Điều này giúp việc thảo luận và đóng góp ý kiến trong lớp sinh động và hiệu quả hơn.

Bước 2: giáo viên yêu cầu trong nhóm phân công người trình bày, người thiết lập nội dung trình chiếu, người điều khiển máy tính, người phô tô tài liệu phát cho các bạn.

Bước 3: giáo viên giám sát quá trình thảo luận và đóng góp ý kiến của học sinh, ghi chú cẩn thận, và đưa ra nhận xét sau cùng. Giáo viên nói rõ điểm mạnh của nhóm, cũng như những điểm hạn chế để học sinh rút kinh nghiệm, đồng thời giúp học sinh khác trong lớp học tập và triển khai công việc của nhóm tốt hơn trong buổi học sau.

Bước 4: yêu cầu nhóm thuyết trình bổ sung thêm các ý kiến đóng góp nếu cần thiết.

Với đề xuất trên phần lớn học sinh tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ của nhóm và phát biểu ý kiến trong các buổi học nhờ vào tinh thần trách nhiệm đối với chính bản thân và đối với kết quả của tập thể, đồng thời nhờ vào sự tự tin trong khả năng tự mình chiếm lĩnh tri thức. Tinh thần trách nhiệm và tính tự học không những khiến cho học sinh hiểu rõ kiến thức ngữ pháp hơn và giúp giờ học trên lớp sinh động, hiệu quả hơn, mà còn giúp các em ứng dụng ngữ pháp vào các kỹ năng ngôn ngữ - nghe, nói, đọc, viết - trong các bài kiểm tra định kỳ, góp phần hiệu quả vào kết quả bài làm của các em.