Phát huy vai trò phụ nữ trong thời kỳ mới

(NTO) Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đề ra nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi giúp phụ nữ học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, phát huy năng lực.

Kế thừa phẩm chất, nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, nhiều chị em tỉnh nhà không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên, khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình, xã hội, xứng đáng là những phụ nữ tiêu biểu trong thời kỳ mới.

Những tấm gương phụ nữ tiến bộ

Cuối năm, mặc dù rất bận rộn nhưng Thượng tá Nguyễn Thị Thái Bình, Trưởng Công an huyện Ninh Phước cũng dành cho tôi cuộc hẹn tại nhà riêng vào buổi tối. Rót tách trà nóng mời khách, chị Bình tâm sự: Thời điểm này, ngành đang riết ráo tăng cường các đợt cao điểm phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trước, trong và sau các dịp lễ Tết nên lịch trực, công tác kín mít. Vất vả lắm nên mình luôn động viên anh chị em đơn vị cùng cố gắng, tất cả vì trách nhiệm, vì sự bình yên của nhân dân”.

Lãnh đạo Hội Phụ nữ tỉnh trao giải thưởng cho các đội tham gia
Hội thi “Phụ nữ dân tộc thiểu số với chính sách học nghề, tạo việc làm năm 2013”
Ảnh: Văn Miên
 

Tốt nghiệp Trường Đại học An Ninh - Hà Nội, năm 1984, chị Bình công tác tại Phòng Tham mưu an ninh Công an tỉnh Thuận Hải. Sau khi Thuận Hải được chia tách, chị được phân công công tác tại Phòng PA23 tỉnh Ninh Thuận, sau đó đảm nhận chức Trưởng Phòng PA71. Với chuyên môn, bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực quản lý tốt, năm 2012, chị được tín nhiệm bổ nhiệm làm Trưởng Công an huyện Ninh Phước. Chị cũng là nữ trưởng công an cấp huyện đầu tiên tại tỉnh ta.

Là một nữ lãnh đạo quản lý trên lĩnh vực hết sức nhạy cảm, gặp nhiều nguy hiểm, địa bàn Ninh Phước lại tương đối rộng, tình hình an ninh trật tự, giao thông hết sức phức tạp, càng đặt ra cho chị Bình nhiều thách thức. Không chùn bước trước khó khăn, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ngoài trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, học tập nâng cao năng lực quản lý, chị còn tích cực vận động anh chị em trong ngành ra sức học tập học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chính trị, rèn luyện theo 6 điều Bác Hồ dạy CAND. Chị chia sẽ: Do yêu cầu công việc, từ khi nhận nhiệm vụ mới, thời gian tôi dành cho gia đình cũng bị thu hẹp lại. Những lúc có sự kiện quan trọng hay vụ việc nghiêm trọng, như thiên tai, bão lũ, trọng án…, dù mưa gió, ngày hay đêm, bản thân đều xuống tận cơ sở chỉ đạo, động viên anh chị em. Những lúc như vậy, cả tuần hầu như không có mặt ở nhà. Vất vả là thế, nhưng bù lại luôn được bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên động viên, tin tưởng, mình cảm thấy hạnh phúc.

Không phải là một lãnh đạo chủ chốt, nhưng với những việc làm hữu ích của chị đối với vùng quê đồng bào dân tộc Raglai xa xôi, chị Mang Thị Điền, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ- Trưởng thôn Xóm Bằng, xã Bắc Phong (Thuận Bắc) đã tạo cho tôi ấn tượng đẹp và lòng mến phục.

Cũng như nhiều chị em trong thôn, chưa học hết chương trình tiểu học, chị Điền phải nghỉ học ở nhà cùng mẹ cha lên rẫy trồng bắp, vào rừng hầm than làm kế mưu sinh. Lúc trưởng thành, với đức tính nhanh nhẹn, hoạt bát, hay quan tâm giúp đỡ mọi người, chị được chọn đào tạo trở thành cộng tác viên dân số ở địa phương. Năm 1999, chị được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn. Từ khi trở thành cán bộ phong trào, thường xuyên được tham gia các lớp bồi dưỡng, được giao lưu, học hỏi với cán bộ địa phương khác, chị Điền càng nhận thức được rằng nguyên nhân cái nghèo của bà con thôn mình đều do ít học, tập tục sản xuất lạc hậu, sinh con đông mà ra. Để dần thay đổi tư tưởng lạc hậu đó, chị Điền cùng các thành viên trong Ban Chấp hành Chi hội đến từng nhà vận động chị em tham gia vào Hội vừa để kiện toàn lại tổ chức, vừa dể bề tuyên tuyền, phổ biến những cái mới cho chị em. Nhằm giúp chị em phát triển kinh tế gia đình, chị thành lập 5 tổ phụ nữ vay vốn, có 250 thành viên tham gia; 2 “Tổ góp vốn xoay vòng” gần 100 thành viên. Thông qua các buổi sinh hoạt, chị vận động, hướng dẫn chị em vay các nguồn vốn ưu đãi để làm ăn, cho con em ăn học… với tổng dư nợ hiện lên đến trên 1,2 tỷ đồng. Chị còn tích cực vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Chị Điền chia sẽ: Là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh nên thời gian qua, Xóm Bằng được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đầu tư, đặc biệt là đào tạo nghề, giải quyết việc làm, triển khai nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, bà con đã không còn lên rừng hầm than nữa mà ở nhà chăn nuôi, trồng trọt, ổn định cuộc sống. Từ trồng lúa một vụ, đến nay bà con đã biết chủ động nguồn nước trồng lúa 3 vụ, biết chọn giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, hay nuôi bò lai … Đời sống của bà con cũng dần được cải thiện. Nếu trước đây trên 90% hộ trong thôn thuộc diện hộ nghèo thì đến nay đã giảm xuống còn khoảng hơn 40%.

Cán bộ phụ nữ cơ sở tích cực tham gia truyền thông sức khỏe sinh sản.
Ảnh Trang Nhung

Chị Điền còn vận động bà con giữ gìn vệ sinh môi trường, tham gia các hoạt động bảo vệ an ninh trật tự, không nghe kẻ xấu lừa đảo, dụ dỗ chống phá Nhà nước, thực hiện công tác DS/KHHGĐ để giảm bớt nghèo khó… Chị Bình, chị Điền chỉ là 2 trong số rất nhiều tấm gương phụ nữ tiêu biểu.

Xã hội chung tay Vì sự tiến bộ phụ nữ

Ngày 12-10-2012, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4827/KH-UBND về việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2012-2015 trên địa bàn tỉnh, đề ra chỉ tiêu cụ thể trong từng lĩnh vực phát huy năng lực, nâng cao đời sống, chăm lo sức khỏe cho phụ nữ và đạt được một số kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 174 chị tham gia cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2011-2015 các cấp; 49/267 chị giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp. Năm 2013 đảng viên nữ toàn tỉnh là 4.825/14.019 đảng viên, chiếm 34,41%. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có gần 32.000 lao động nữ được giải quyết việc làm, chiếm 51% tổng số lao động giải quyết việc làm toàn tỉnh; thông qua các hình thức, đã có 47.355 phụ nữ nghèo được giúp đỡ phát triển kinh tế, qua đó có 3.044 nữ chủ hộ đã thoát nghèo.

HTX Dịch vụ- Kinh doanh- Sản xuất thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp tạo việc làm thường xuyên cho lao động nữ
Ảnh; Sơn Ngọc
 

Tuy nhiên, công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ vẫn đang còn nhiều vấn đề cần đặt ra. Điển hình như tỷ lệ nữ quản lý, lãnh đạo vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; công tác triển khai, tuyên truyền, tập huấn về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ ở cấp cơ sở, đặc biệt là ở xã, phường còn yếu dẫn đến sự nhận thức về giới, bình đẳng giới ở địa phương chưa đầy đủ…

Đề đẩy mạnh công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ, các ngành, các cấp cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về bình đẳng giới, đặc biệt thực hiện tốt Đề án 343 “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất , đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” giai đoạn 2010-2015 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng kế hoạch quy hoạch, đào tạo nguồn cán bộ nữ… qua đó giúp chị em nâng cao nhận thức, rèn luyên phẩm chất, đạo đức, nâng cao năng lực đáp ứng tốt yêu cầu phát triển trong xu thế hội nhập và phát triển, dần thu hẹp khoảng cách giới, nâng cao vị thế của phụ nữ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho toàn dân nói chung và phụ nữ nói riêng.