Tấm ảnh và ống muối Cụ Hồ

Thời gian qua, trong quá trình tìm tài liệu để đi tuyên truyền về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tình cờ tôi đọc được một câu chuyện rất cảm động viết về tấm lòng yêu làng, yêu nước, kính yêu Bác Hồ, trung thành với Đảng, với cách mạng của một gia đình đồng bào Raglai – Ninh Thuận.

Kỷ niệm ngày giải phóng Ninh Thuận, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; kỷ niệm Sinh nhật Bác, tôi ghi lại nguyên văn câu chuyện này. Hy vọng câu chuyện xúc động sẽ đến được với nhiều người, góp phần khơi dậy truyền thống kiên cường, bất khuất, niềm tự hào, tin yêu sâu sắc của người dân Ninh Thuận nói chung, của đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng với Đảng, với Bác, với quê hương đất nước.

 
Bác Hồ theo dõi mặt trận Đông Khê (Cao Bằng).

Hamađa là một trong những làng có truyền thống đánh Pháp anh dũng nhất hồi kháng chiến chín năm và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng là một làng chiến đấu rất vững chắc của miền núi Ninh Thuận ở mạn Tầm Nhâm, Krôngpha.

Hàng năm ở làng này, cứ đến mùa hoa Pí nở đỏ núi rừng, tức là lúc mọi nơi bỏ hạt bắp xuống rẫy xong, dân làng thường tụ tập ở nhà ủy ban tự trị xã uống rượu cần, đánh mã la, ca múa liên hoan mừng thọ Cụ Hồ và nghe người cầm gốc trong làng kể chuyện cái bụng người Raglai đối với Cụ Hồ, trong đó có chuyện rất cảm động về Xa Khai.

Xa Khai là chồng của Away Bê, là cha của chín đứa con vừa trai, vừa gái đang chiến đấu ở mặt trận hoặc phục vụ ở các cơ quan.

Mùa đông năm 1958, Xa Khai và vợ con bị Mỹ Diệm lùa vào khu tập trung Tầm Nhâm. Vì là người cầm gốc của làng Hamađa hồi kháng chiến chín năm, nên Xa Khai bị chúng đánh đập tra tấn rất dữ. Nhưng Xa Khai rất cứng gan, không khai nửa lời. Phần bị giặc tra tấn dã man, phần thương nhớ núi rừng, Xa Khai lâm bệnh nặng.

Một hôm biết mình không thoát khỏi bàn tay độc ác của giặc, Xa Khai gọi vợ và các con để nhắn lại cái lời trước khi “ra đi”. Xa Khai nằm trên chiếc giường tre, mọt ăn thủng lỗ chỗ, không có chiếu dải, hai tay xuôi thẳng. Trước ngực đắp một tấm ảnh Cụ Hồ, đầu gối lên một ống muối, nhét nút bằng lá chuối khô. Vẻ mặt bình thản, hiền hòa.

Tấm ảnh và gói muối có một ý nghĩa lịch sử rất cảm động…

Năm 1948, sau khi mặt trận Ban Mê Thuột, Lâm Đồng, Đà Lạt bị vỡ, Pháp tràn xuống đánh chiếm Ninh Thuận, cụm tề mọc lên như nấm, Xa Khai bị đứt liên lạc với cách mạng. Xa Khai chưa biết mặt Cụ Hồ, cũng chưa được nghe tiếng nói của Cụ lần nào. Hồi chống bè, ngược dòng sông Cái, đưa bộ đội đi đánh đồn Pháp ở Đờ-răng, sau giờ chiến thắng trải lá nằm chung với cán bộ giữa rừng, Xa Khai mới chỉ nghe cán bộ nói Cụ Hồ là người cầm gốc cho đồng bào cả nước làm cách mạng, để cho người Kinh, người Thượng hết bị áp bức, bóc lột, được sung sướng bằng nhau. Chỉ mới nghe nói bấy nhiêu thôi, Xa Khai đã rất tin tưởng, yêu kính Cụ Hồ và càng tích cực lãnh đạo dân làng Hamađa đi theo con đường của Cụ Hồ vạch ra. Xa Khai đã cùng tất cả dân làng bỏ làng lên núi cao, vót chông làm cạm bẫy, đoàn kết nhau để tiếp tục đánh Pháp.

Mãi đến năm 1953, Xa Khai mới gặp được người cán bộ đầu tiên tên là Ra La đến bắt liên lạc, xây dựng cơ sở. Mừng quá, Xa Khai đang cầm cái ní nơi tay cắm phập xuống đất, ôm chầm Ra La, hai hàng nước mắt trào ra như hai con suối:

- Dân làng mình ơi, cán bộ của Cụ Hồ đây rồi!

Nhưng rồi Xa Khai buông Ra La ra, đứng tách ra một bên, ngó trân trân người anh từ đầu đến chân như để tìm cái gì. Biết ý và để làm tin, Ra La tặng Xa Khai một tấm ảnh Cụ Hồ nho nhỏ rất đẹp. Tấm ảnh chụp lúc Cụ đang làm việc trong một căn nhà lá ở chiến khu Việt Bắc. Từ đó, núi rừng đã năm lần thay đổi, nhưng tấm ảnh được Xa Khai bọc kín trong giấy bóng, màu mực vẫn còn tươi và sáng. Trong cuộc càn quét gom dân của Mỹ - Diệm, Xa Khai bị mất hết ché, mã la, cóng đồng, kiềng bạc nhưng không bao giờ Xa Khai để mất tấm ảnh Cụ Hồ.

Còn muối thì cũng là muối Cụ Hồ. Năm 1954, sau ngày hòa bình lập lại, lúc sắp xếp cho dân làng làm ăn theo tình hình mới, Xa Khai nhận được muối của Cụ Hồ gửi cho. Cán bộ nói với Xa Khai: “Đó là cái bụng thương nhớ của Cụ Hồ gởi đồng bào Raglai”. Xa Khai cảm động đến rơi nước mắt. Thế là Cụ Hồ không quên người Raglai. Lúc sắp bước vào cuộc đấu tranh gian khổ với giặc, Xa Khai đem chia cho dân làng mỗi người một nhúm. Người nào cũng không ăn. Người nào cũng bỏ vào ống tre cất kỹ để lúc nhớ Cụ Hồ đem ra nhìn cho thỏa cái dạ. Về phần mình cũng vậy, Xa Khai cất ống muối Cụ Hồ kỹ lắm, lúc thì để trên hang đá, trên núi cao, lúc thì nhét trong mái tranh phía trên giàn bếp. Có lẽ giấu trên giàn bếp lâu hơn, nên lúc bấy giờ ống tre phủ một lớp khói đen hun. Cũng như tấm ảnh, mất gì thì mất, Xa Khai không bao giờ để mất muối của Cụ Hồ. Cả những lúc bị giặc lùng, dẫu đói cơm, lạt muối giữa rừng, Xa Khai cũng không lấy ra ăn.

Away Bê và chín người con đến đứng quây quần bên Xa Khai thành một vòng. Xa Khai đưa mắt nhìn vợ và con một lượt, nói chậm chạp:

Away Bê và các con, tui chắc không còn sống đến ngày được gặp mặt Cụ Hồ như cái bụng tui mong muốn. Tức quá chừng, nhưng thôi, mai sau khi đồng bào mình làm cách mạng giành được hết nước, Cụ Hồ có vô thăm miền Nam, nhờ Away Bê và các con nhắn giùm cái lời của tui chúc Cụ khỏe cái tay, cái chân và sống miết như cây pinoh trong rừng Hamađa mình.

Xa Khai ngừng nói, lần tay cầm tấm ảnh giơ lên trước mặt vợ con rồi tiếp:

- Cụ Hồ thương người Thượng mình lắm. Cụ nói đồng bào Kinh, Thượng là anh em một nhà, cùng một mẹ, một cha sinh ra, nhưng vì người Thượng cực khổ hơn, nên cái bụng Cụ thương hơn. Đó, Away Bê và các con có… - Xa Khai mở to đôi mắt vàng khè như để nhìn Cụ Hồ thật đang đứng ở đâu đó - Con mắt của Cụ Hồ sáng như ông sao trên trời, có thể nhìn thấu cái bụng, cái gan người Raglai mình. Còn muối đây - Xa Khai đưa tay rờ ống muối trên đầu, khác với muối mua ngoài chợ. Muối mua ngoài chợ là muối ăn, chớ muối đây là muối thương muối nhớ. Vậy mai mốt tui đi, Awây Bê và các con ráng giữ tấm ảnh và ống muối Cụ Hồ cho thiệt kỹ, nếu để thằng giặc lấy, cái bụng tui ở dưới đất không vui đó.

Nói đến đây, Xa Khai bỗng thấy như có một hình ảnh thân thiết từ ngoài cửa bước vào đứng bên cạnh mình. Đó là cán bộ Ra La, người của Cụ Hồ, cán bộ Ra La không đi tập kết, cũng không về dưới xuôi sống với cha mẹ mà ở lại với núi rừng, sống và làm ăn với dân làng. Sự việc này làm cho Xa Khai hết sức xúc động. Ra La như người già làng.

Cái tên Ra La là do Xa Khai đặt cho. Xa Khai nghĩ: “Cái bụng của cán bộ đối với dân làng như mái bớ che mưa nắng, mái bớ lợp bằng cây Ra La. Cây Ra La mọc thành rừng không bao giờ chết được”.

Hồi chưa bị tập trung, để tránh con mắt thằng giặc, Xa Khai nuôi và giấu cán bộ Ra La kỹ lắm. Đi suối bắt được con cá, đi rừng bắn được con chim, Xa Khai và vợ con không ăn mà để dành cho Ra La hết. Mỗi khi Ra La đến nhà, Xa Khai đều có kế hoạch đối phó với địch. Xa Khai để sẵn một tấm mền to ở cửa buồng, có động thì gói Ra La lại, đút vô trong, Awây Bê thì ngồi ở bậc cửa giã trầu để tìm cách đuổi khéo thằng giặc đi chỗ khác. Và mỗi lần cán bộ Ra La ra đi, Xa Khai đều dặn dò đi cho cẩn thận, phải ngó trước ngó sau, giữ cho còn cái bụng. Và để cho yên cái bụng, Xa Khai thường ra đứng ở đầu làng trông theo bóng Ra La, lắng tai nghe ngóng không có động tĩnh gì mới trở về. Bị bắt vô khu tập trung, những ngày nằm liệt giường bịnh cũng là những ngày Xa Khai thương nhớ Ra La rất dữ. Xa Khai ít lo cho mình mà dành hết cái bụng của mình lo cho cán bộ Ra La. Xa Khai thường thấy Ra La trong giấc ngủ. Cho nên bây giờ, trước khi vĩnh biệt cuộc đời, Xa Khai như thấy Ra La thật vậy.

Xa Khai nghiêng mặt ngó chăm chăm ra ngoài cửa, rồi hỏi nhỏ vợ

- Cán bộ Ra La đến nhà mình có phải không Away Bê?

- Không đâu.

- Hôm rày, dân làng có liên lạc được với Ra La không?

- Thằng giặc lùng núi miết, chưa gặp được.

Xa Khai lắc đầu tỏ vẻ lo lắng:

- Awây Bê lên nói với dân làng phải nuôi cán bộ cho tốt, giấu cán bộ cho kỹ đó. Nếu để Mỹ - Diệm bắt, e mất cái lời cán bộ, mình tối mắt đó.

Dặn vợ xong, Xa Khai quay sang các con, ngắm mãi những giọt máu yêu quý của mình:

- Giáo, Hiên, Huyết, Hái, Cam, Thiết là con trai, Bê Pu Hóa, Hiền, Phin là con gái. Giáo, Hiên, Huyết và chị Bê như cây cau mọc giữa rừng đã trổ buồng, ra lá. Hái, Cam, Thiết như những con nai non, ăn chưa no, lo chưa đến. Còn Hiền tóc mới chấm vai, chưa biết búi thành búi sau ót. Còn Phin thì tóc còn để chỏm, chưa biết quấn cái váy cho gọn ngang lưng.

Xa Khai nói với bốn đứa con lớn:

- Các con đã lớn cái người, khôn cái óc, các con phải thay A Ma cầm gốc dân làng làm cách mạng, mình ở đây như con chim bị nhốt trong lồng, như con heo bị nhốt trong cũi. Có miệng không được nói, có chân không được đi, các con phải cùng dân làng phá cái khu tập trung này trở về sống với rừng núi ông bà, mồ mả tổ tiên, sống với anh em cách mạng, đi theo Cụ Hồ đến hết đường.

Rồi nói với ba con nữa:

- A Ma giao các con cho cán bộ Ra La đó, ráng học cái chữ cho nhiều, tập bắn cái súng cho giỏi, mai mốt khi sáng mắt khôn người thì đi bộ đội đánh Mỹ trả thù cho làng, cho nước nghe…

Đoạn Xa Khai kêu hai đứa gái nhỏ lại đứng sát bên mình, đưa tay âu yếm xoa tóc chúng nó, rồi nhìn vợ nói:

- Away Bê, ráng nuôi hai đứa con nhỏ nghe, lúc nào biết bay như con chim, nhớ cho theo các anh nó đi làm cách mạng.

Một cơn ho dữ dội bất chợt trào lên cổ Xa Khai, Xa Khai nhăn mặt nén cơn đau, giương mắt nhìn vợ và các con, rồi nói thều thào:

- Đừng khóc, khóc Mỹ - Diệm nó nghe, nó đánh chết bây giờ. Away Bê không thấy mấy đứa con nít đằng nhà Awây Ranh vì đói quá mà khóc, Mỹ - Diệm nói khóc như vậy là làm xấu cái chế độ nó, nên nó đổ nước mắm vào mũi cho kinh đừng khóc nữa đó sao?

Xa Khai dừng lại thở. Có lẽ con người ta trước phút vĩnh biệt bao giờ cũng muốn nói lại với người đời rất nhiều. Lúc này Xa Khai như muốn cắt cả gan bụng mình để vào bụng gan vợ con. Xa Khai dồn tất cả sức lực còn lại vào cái môi, con mắt. Ông biểu vợ con có thương ông thì khóc ở nhà chớ trước mặt thằng giặc đừng khóc. Khóc nó khinh mình mềm yếu cái gan. Phải ăn lời Cụ Hồ dạy: “Đừng lấy nước mắt trả lời kẻ thù. Nó đánh mình thì mình tìm cách đánh lại nó”. Như Xa Khao đó, hồi Mỹ - Diệm càn lên rừng, lấy ché, mã la, cóng đồng, kiềng bạc, quần áo, khăn, khố chất trong nhà rồi châm lửa đốt, bắt ông ngồi coi. Cái gan ông phừng phực ngọn lửa, nhưng con mắt ông không khóc. Rồi nó bắt ông cầm tù ở Liên Khàng, Đờ-răng, nhốt ông trong khu tập trung Tầm Nhâm này, đánh ông bằng roi mây, roi sắt, cái thân hình vạm vỡ đen tựa đồng hun của ông mềm nhũn như cây chuối. Nhưng cái lưng, cái gối ông vẫn đứng thẳng, không chịu quỳ trước thằng giặc.

Trước giờ phút hấp hối này, Xa Khai cũng muốn truyền cho hết vào dòng máu mấy đứa con cái chí khí kiên cường bất khuất của dân tộc Rắclây, đôi mắt ông sáng rực lên. Giọng nói ông trở nên hối hả như nhịp vỗ của cánh chim lúc trời sắp tắt. Ông ngược thời gian, ông kể lại những ngày quật khởi năm 1945 khi lệnh khởi nghĩa của Cụ Hồ ban ra, rừng núi Raglai ầm ầm chuyển động, ông sung sướng nhảy cẫng lên như con nai non gặp mẹ giữa rừng già, ông vác ná, mang tên, hòa mình vào hàng ngũ, người Raglai kéo đi cuồn cuộn như dòng suối lũ, xuống hùn sức với người Kinh giành chính quyền ở thị xã Phan Rang, quật ngã tất cả bọn Nhật, Pháp và quan quyền phong kiến.

Rồi những năm kháng chiến khó khăn gian khổ, bị giặc bao vây riết trên núi cao, nạn đói, lạt, rách dồn dập đến, người Raglai chích máu thề với nhau rằng: thiếu cơm, muối, vải không chết. Thiếu Cách mạng, thiếu Cụ Hồ mới chết. Thà đào củ ăn thay cơm, đốt tranh ăn thay muối, bóc vỏ cây tạm che thân, bám núi kháng chiến, chứ không bao giờ bỏ cách mạng, bỏ Cụ Hồ đi theo giặc. Rồi đến bây giờ, dưới chế độ Mỹ - Diệm, suối Raglai vẫn thế, vẫn giữ mãi lòng kiên trinh, chung thủy với Cụ Hồ. Thân xác ở trong khu tập trung, nhưng bụng gan thì vẫn ở ngoài với cách mạng.

Đến đây, tiếng nói Xa Khai nhỏ dần. Đôi mắt từ từ khép lại. Làn môi khô héo chỉ còn mấp máy:

- Thôi, tui đi.

Lúc này Xa Khai vừa tròn bảy mươi mùa rẫy. Giữa khu tập trung của Mỹ - Diệm, đám ma Xa Khai vắng ngắt buồn teo, không có tiếng khóc, tiếng khèn, tiếng mã la, tiếng chim kêu, tiếng suối nước chảy. Chỉ có lòng thương tiếc thầm kín của dân làng. Thương chồng đi một lần dưới đất không trở lại nữa, Awây Bê gởi tấm ảnh Cụ Hồ cho Xa Khai đem theo.

Chỉ một thời gian ngắn sau cái chết của Xa Khai, khí thế cách mạng ở vùng này đã dấy lên như vũ bão. Tất cả dân làng Hamađa đã bỏ khu tập trung Tầm Nhâm trở về núi cũ, đoàn kết bụng gan làm cách mạng đánh Mỹ và tay sai, xây dựng cuộc sống mới. Hamađa với tuyến rào, tuyến chông xen kẽ cung ná, dựng cạm bẫy tua tủa khắp núi rừng, với ý chí chống Mỹ, cứng như gang sắt đã trở thành bức thành đồng nhỏ trong bức thành đồng to lớn của Tây Nguyên, của cả miền Nam.

Bị giặc Mỹ tàn ác khủng bố, Hamađa còn nghèo khổ. Núi trọc, nhà thưa, đời sống chưa phải đã hết lạt, rách, nhưng dân làng Hamađa rất sung sướng tự hào vì được sống độc lập, tự do.

Awây Bê đã già, nhưng rất giỏi việc nhà, chăm lo việc nước, làm đúng theo lời nhắn lại của Xa Khai. Awây Bê đã cống hiến tất cả đàn con yêu quý của mình cho Tổ quốc. Chị Bê công tác tại một trạm hành lang, hàng ngày như con chim mang cái lời của Mặt trận đến khắp núi cao, rừng rậm. Các anh Giáo, Hiên, Huyết, Hái, Cam, Thiết đều là những cán bộ, chiến sĩ đánh giặc ngoan cường dũng cảm trong bộ đội Giải phóng. Còn Hiền, Phin ở nhà giúp mẹ và làm công tác địa phương. Hiền làm tổ trưởng tổ đổi công và ủy viên ban chấp hành phụ nữ xã. Phin làm y tá kiêm giáo viên trường làng.

Làng Hamađa vừa được Mặt trận tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng Ba. Tiếng thơm bay khắp làng nước. Trong tiếng thơm này có phần mồ hôi, nước mắt và máu của gia đình Xa Khai.

Mỗi lần gợi lại chuyện xưa, bà con Raglai đều nói:

- Nếu như bây giờ Xa Khai được sống lại, thấy dân làng và cả gia đình mình đều theo con đường Cụ Hồ, Cách mạng, chắc là Xa Khai mát cái ruột lắm đó.

Phan Minh Đạo (Quân giải phóng miền Nam).
Những kỷ niệm sâu sắc của phụ nữ Việt Nam với Bác Hồ, Nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội 2005, tr.80-90