TP. Phan Rang - Tháp Chàm: Phát triển cây xanh, bảo vệ môi trường

(NTO) Thực hiện Đề án “Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh, sạch, đẹp” của tỉnh, trong những năm qua, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã chú trọng phát triển diện tích cây xanh không chỉ làm cho thành phố đẹp hơn mà quan trọng là để bảo vệ môi trường sống cho cư dân đô thị.

Mở rộng “lá phổi xanh”

Những ngày này đi trên các tuyến đường của Tp. Phan Rang-Tháp Chàm ai cũng thấy vui lòng bởi màu xanh của cây. Ở một thành phố thời tiết quanh năm nắng nóng, để có những mảng cây xanh trên đường phố đẹp như hiện nay mới thấy hết sự quyết tâm chăm chút cho môi trường đô thị của thành phố. Đồng chí Dương Ái Quân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Rang-Tháp Chàm cho biết: “Song song với việc phát triển hạ tầng đô thị, thành phố luôn chú trọng phát triển cây xanh, nên diện tích cây xanh so với dân số mấy năm trở lại đây tăng khá nhanh. Vì vậy đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.” Một việc làm rất cụ thể của thành phố đó là mỗi tuyến đường phố, hay khu đô thị được xây dựng thì kèm theo đó là đầu tư phát triển cây xanh.

Ảnh: Văn Miên

Hiện nay, toàn thành phố có 78 tuyến đường chính, thì đã có 62 tuyến đường được trồng cây xanh (năm 2006 mới có trên 30 tuyến đường có cây xanh), với tổng cây xanh được đánh số đưa vào diện quản lý là 8.500 cây. Cây xanh không chỉ hiện diện trên đường phố mà còn được trồng ở các điểm nút giao thông, trên các giải phân cách, vì vậy giúp cho người lưu thông trên đường cảm thấy “mát mẻ” hơn trong không khí nóng nực ngày hè, làm cho diện mạo của thành phố thêm đẹp và hấp dẫn du khách. Hiện nay, thành phố có nhiều tuyến đường có cây xanh khá đẹp như: Đường 16 Tháng 4, Ngô Gia Tự, Yên Ninh… Cùng với các tuyến đường giao thông, hệ thống công viên cây xanh của thành phố ngày càng mở rộng. Thành phố đang quản lý 5 công viên lớn, 15 tiểu đảo tuyến đường và quảng trường; sắp tới tỉnh tiếp tục bàn giao 5 công viên, hồ điều hòa cho thành phố quản lý. Hiện toàn thành phố có gần 95.000 m2 đất cây xanh, đạt 6 m2/ người. Đối với cây xanh công cộng, thành phố giao khoán trực tiếp cho các doanh nghiệp có chức năng quản lý chăm sóc, vì vậy chất lượng tỷ lệ cây sống cao và đảm bảo yêu cầu về mặt thẩm mỹ. Hằng năm, nguồn kinh phí phục vụ chăm sóc, trồng mới cây xanh đô thị rất lớn và tăng lên theo từng năm. Nếu như năm 2011, kinh phí cho cây xanh của thành phố chỉ là 2,6 tỷ đồng, thì đến năm 2012 tăng lên 5,2 tỷ đồng.

Đường 16 Tháng 4, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: V.Miên

Phong trào trồng cây xanh được thành phố phát động mạnh trong các cơ quan, đơn vị, trường học và trong nhân dân. Vì vậy cây xanh được trồng ở khắp mọi nơi, trong các công sở, xí nghiệp, trong các trường học… tất cả đang tạo cho thành phố một tấm “phổi xanh” rộng lớn bảo vệ môi trường.

Chung tay bảo vệ môi trường

Với sự quan tâm đầu tư của thành phố cho cây xanh đã làm cho mảnh đất nơi vùng bán sa mạc đang trải dài màu xanh của sự sống. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan thì sự đầu tư phát triển hệ thống cây xanh trên địa bàn Phan Rang-Tháp Chàm chưa xứng tầm với sự phát triển của đô thị hiện nay. Thời gian qua, hệ thống cây xanh của thành phố mới chỉ trong giai đoạn thử nghiệm là chính. Đánh giá này không phải là không có cơ sở. Vì mặc dù cây xanh đã được trồng ở rất nhiều nơi trên đường phố, công viên, trong các cơ quan, trường học, trong khu dân cư nhưng chưa có loại cây nào là cây đặc trưng riêng của Phan Rang-Tháp Chàm. Trên cùng một tuyến đường nhưng một bên cây xanh phát triển khá tốt, một bên cây thưa thớt. Tình trạng cây xanh “da beo” trên đường phố còn rất phổ biến. Nhiều năm trước đây thành phố đã dành một nguồn kinh phí không nhỏ để trồng cây xanh trên các tuyến đường trung tâm, nhưng do công tác quản lý còn hạn chế nên có tình trạng người dân đã tùy tiện trồng chen cây theo ý mình (chủ yếu là cây neem để tạo bóng mát nhanh), không chỉ phá vỡ quy hoạch cây xanh, mất vẻ mỹ quan, mà đang làm hư hại cấu trúc bề mặt của vỉa hè đường phố.

Để thành phố thực sự là nơi thân thiện với mọi người, hiện địa phương đang chỉ đạo các đơn vị chức năng lập và xây dựng đề án phát triển cây xanh. Anh Nguyễn Xuân Hảo, Quyền Trưởng phòng Quản lý Đô thị thành phố cho biết: “Một trong ý tưởng được xây dựng trong đề án là quy hoạch lại đất trồng cây xanh và cải tạo thay thế chủng loại cây xanh trên một số tuyến đường chính cho phù hợp với khí hậu và mỹ quan thành phố. Hướng tới thành phố sẽ lập quỹ đất để ươm và cung cấp giống cây xanh, hoa các loại tại chỗ”. Các loại cây trồng trong thành phố dựa trên các tiêu chí: thích nghi với khí hậu, cây xanh đô thị, mỹ quan, khả năng sinh trưởng, tỷ lệ che phủ cao. Ngoài những cây đã trồng, thành phố lựa chọn thêm các loại cây chính như: xoan Ấn Độ, sò đo cam, bàng Đài Loan, bàng biển, dương, ocasa đỏ. Anh Nguyễn Xuân Hào kiến nghị: “Để thành phố phát triển hệ thống cây xanh như đề án đặt ra rất cần tỉnh quan tâm quy hoạch quỹ đất làm vườn ươm giống cây xanh để cung cấp cây xanh tại chỗ và thị trường các tỉnh lân cận; xa hơn nữa đây là mô hình vườn sinh thái trong thành phố theo phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn khi du khách đến với Tp.Phan Rang-Tháp Chàm.

Để cây xanh phát triển, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước rất cần có sự chung tay đóng góp của cả cộng đồng trong chăm sóc và bảo vệ cây xanh. Hiện nay, thành phố đang duy trì rất hiệu quả phong trào tổng vệ sinh môi trường hàng tháng trong nhân dân. Nếu trong thời gian tới, phong trào này được lồng ghép với hoạt động chăm sóc, bảo vệ cây xanh, tin chắc rằng tấm “lá phổi xanh” của thành phố ngày càng phát triển mạnh hơn, mang lại môi trường sống cho cư dân đô thị ngày càng tốt hơn và để cho thành phố thực sự văn minh, hiện đại, thân thiện.

Đề án “Xây dựng thành phố xanh, sạch” của Tp. Phan Rang-Tháp Chàm là nhiệm vụ cụ thể hóa Nghị Quyết 06 về “Xây dựng Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đạt chuẩn đô thị loại II vào năm 2015, định hướng phát triển đến năm 2020 và những năm tiếp theo” của Tỉnh ủy. Với hướng đi này, đến năm 2015, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm sẽ đạt được tiêu chí diện tích đất cây xanh đô thị bình quân đạt 7 m2/người.

Ông Nguyễn Sĩ Liên, cán bộ hưu trí phường Phước Mỹ:

Để phát triển cây xanh đô thị, ngoài nguồn vốn ngân sách, cần huy động nguồn lực trong nhân dân. Để làm được điều đó, phải có cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút vốn đầu tư; công khai quy hoạch và danh sách các danh mục kêu gọi đầu tư; lồng ghép dự án công viên, cây xanh đô thị với dự án sinh lời khác... Một biện pháp cũng hết sức quan trọng đó là cần khuyến khích các hộ gia đình tích cực tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ và trồng cây xanh trước nhà, trên các tuyến phố đảm bảo theo quy hoạch, góp phần đảm bảo tiêu chí về cây xanh đô thị khi Tp. Phan Rang-Tháp Chàm phấn đấu trở thành đô thị loại II.
Ông Nguyễn Như Hiến, Tiến sĩ Nông nghiệp, nguyên Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi tỉnh:

Theo cảm nhận của tôi dường như diện tích cây xanh ở Tp.Phan Rang-Tháp Chàm ngày càng bị thu hẹp. Việc cấp đất xây dựng quá ít làm thiếu quỹ đất trồng cây xanh, thậm chí những quy hoạch ban đầu có diện tích lớn để phát triển cây xanh, sau lại thay đổi để xây dựng công trình trên đó. Ngoại trừ tuyến đường 16 Tháng 4, mới được trồng lại 2 hàng cây xanh năm 2009, ở thành phố chưa có trục đường chính nào trồng được cây xanh cho bóng mát, gây ấn tượng đẹp. Quá trình mở rộng đường để quy hoạch mới đô thị ở đã hủy hoại nhiều cây xanh có giá trị. Cùng với những nguyên nhân trên thì công tác quản lý về cây xanh còn lỏng lẻo, tình trạng chặt phá cây, tỉa cành… một cách tùy tiện đã làm giảm mật độ che phủ và khả năng sinh tồn của cây xanh trên địa bàn thành phố. Việc trồng cây xanh ở những nơi công cộng vẫn còn mang tính tự phát, manh mún, thiếu quy hoạch nên cây xanh chưa phát triển thành hệ thống.
Ông Nguyễn Văn Hải, người dân phường Kinh Dinh:

Việc quản lý cây xanh đô thị của Tp. Phan Rang-Tháp Chàm vẫn còn là quản lý hiện trạng chứ chưa có kế hoạch phát triển đồng bộ. Bộ mặt cây xanh, công viên của thành phố cũng chưa đẹp như các tỉnh, thành phố khác. Vì vậy, thành phố cần nhanh chóng có quy hoạch tổng thể cho việc phát triển cây xanh đô thị để việc quản lý và chăm sóc cây xanh thuận lợi hơn. Chủ trương xã hội hóa trong quản lý cây xanh đô thị hiện nay là một chủ trương đúng đắn cần phát huy. Tôi nghĩ, tỉnh nên có kế hoạch xây dựng một công viên trung tâm thật quy mô, xứng tầm với bộ mặt của Tp. Phan Rang-Tháp Chàm khi sắp lên đô thị loại II. Công viên sẽ không chỉ là “lá phổi xanh” của thành phố, là chỗ vui chơi, giải trí của người dân, mà có thể là địa điểm tham quan của khách du lịch.