36 năm chăm lo đào tạo nguồn nhân lực

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Liêu, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết sau 36 năm giải phóng và 19 năm tái lập tỉnh, quy mô giáo dục tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ đáp ứng tốt nhu cầu học tập của nhân dân.

Thành tựu “trồng người”

Chúng tôi tìm gặp Nhà giáo Nguyễn Trung Quốc, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm chuyên ngành Vật lý- Hóa học được điều động về giảng dạy tại Trường THPT Duy Tân thuộc thị xã Phan Rang- Tháp Chàm từ năm 1973. Ông là một trong những nhân chứng của nền giáo dục cách mạng tỉnh nhà qua 36 năm xây dựng và phát triển. Nhà giáo Nguyễn Trung Quốc chia sẻ niềm vui: "Nếu so với những năm đầu mới giải phóng thì sự nghiệp giáo dục Ninh Thuận hiện nay đã phát triển vượt bậc cả về quy mô trường lớp cũng như chất lượng đội ngũ giáo viên và kết quả học tập của học sinh. Đặc biệt, sau 19 năm tái lập tỉnh, lãnh đạo các ngành, các cấp quan tâm đầu tư xây dựng nền giáo dục tỉnh nhà ngày càng phát triển tiên tiến, hiện đại. Đội ngũ giáo viên vững vàng về chính trị và chuyên môn. Các thế hệ học sinh ngày càng nhạy bén hơn, thông minh hơn, năng động hơn. Hệ thống giáo dục quốc dân được Nhà nước quan tâm đầu tư mở rộng ở khắp các vùng miền trong tỉnh, tạo nền tảng vững chắc nâng cao dân trí trong thời kỳ CNH- HĐH đất nước”.

Nhiều cơ sở trường học được đầu tư xây dựng hiện đại đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh.

Trao đổi với Nhà giáo Nguyễn Trung Quốc, chúng tôi chợt nhớ đến gương mặt các em học sinh xuất sắc làm rạng danh cho nền giáo dục tỉnh nhà trong những năm qua: Đỗ Trần Kim Trinh, đỗ thủ khoa Đại học Y Dược, Phan Ngọc Anh, đỗ thủ khoa Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Nguyễn Thanh Thảo, đỗ á khoa Đại học Y Dược và Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Gần đây nhất có em Lê Bảo Lộc, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đoạt giải nhất các kỳ thi tuần, tháng, quý chương trình Đường lên đỉnh Olympia và giải ba môn Tin học cấp quốc gia năm 2010. Số lượng học sinh Ninh Thuận thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng đông đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh nhà. Nếu như năm 1992 toàn tỉnh chỉ có 131 em trúng tuyển đại học và cao đẳng thì đến năm 2009 có 2.678 em trúng tuyển, tăng gấp 20 lần so với năm 1992. Năm 2010, tỉnh ta có 2.668 em trúng tuyển các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Ninh Thuận có hai đơn vị được Bộ GD&ĐT “vinh danh” trong top 200 trường THPT toàn quốc có học sinh đạt điểm cao kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010 là Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn xếp vị thứ 73 và Trường THPT Chu Văn An xếp vị thứ 122.

Cô giáo Thập Thị Thanh Lắm gắn bó giảng dạy học sinh xã Phước Chiến.

Toàn tỉnh hiện có 223 cơ sở giáo dục phổ thông với đội ngũ giáo viên 5.921 người đạt chuẩn và trên chuẩn nghiệp vụ, chăm lo giảng dạy cho 114.403 học sinh các cấp học. Và 82 cơ sở giáo dục mầm non với 799 giáo viên thu hút 14.922 trẻ trong độ tuổi mẫu giáo tới trường. Nhà nước đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng hệ thống trường học phát triển theo hướng hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh. Đặc biệt là hệ thống giáo dục phát triển rộng khắp các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tạo động lực nâng cao toàn diện đời sống kinh tế- xã hội vùng đặc biệt khó khăn. Trường Cao đẳng Sư phạm và Trường Trung cấp nghề Ninh Thuận đào tạo hàng chục ngàn giáo viên, công nhân kỹ thuật lành nghề cung cấp nguồn nhân lực trẻ tham gia xây dựng tỉnh nhà. Ninh Thuận có 15 tiến sĩ và 105 thạc sĩ công tác trong các cơ quan khối hành chính sự nghiệp. Năm học 2010- 2011, Phân hiệu Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận tuyển sinh khóa học đầu tiên với 24 sinh viên hệ chính quy và 15 nghiên cứu sinh chuyên ngành kinh tế. Sự ra đời của phân hiệu Đại học Nông Lâm đánh dấu bước phát triển mới đáng tự hào trong tiến trình phát triển giáo dục địa phương.

Học sinh được học nghề phổ thông tại Trung tâm KTTH- HN Phan Rang.

Nâng cao nguồn nhân lực

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Liêu, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết sau 36 năm giải phóng và 19 năm tái lập tỉnh, quy mô giáo dục tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ đáp ứng tốt nhu cầu học tập của nhân dân. Đội ngũ giáo viên cơ bản đủ số lượng và đạt chuẩn nghiệp vụ. Nguồn vốn đầu tư cho sự nghiệp giáo dục được ưu tiên thực hiện hiện đại hóa trường lớp, xóa hẳn tình trạng học ca ba. Toàn tỉnh có 27 trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm 12,1% so với trên tổng số 223 trường phổ thông. Tính riêng trong 5 năm qua, toàn tỉnh thành lập mới 25 trường tiểu học, 9 trường THCS và 8 trường THPT. Mô hình bán trú dân nuôi được thực hiện tốt ở các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc. Duy trì dạy và học chữ Chăm ở 24 trường tiểu học thuộc vùng đồng bào Chăm. Cuối năm 2008, tỉnh ta được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn quốc gia PCGD THCS và tiếp tục thực hiện đề án PCGD THPT ở thành phố Phan Rang- Tháp Chàm. 63/65 xã phường có trung tâm học tập cộng đồng và tổ chức Hội Khuyến học các cấp hoạt động hiệu quả đóng góp quan trọng trong chiến lược khuyến học, khuyến tài, nâng cao dân trí. Đa dạng loại hình đào tạo nghề cho nguồn lực lao động địa phương. Giai đoạn 2006- 2010, toàn tỉnh có trên 40.600 lao động được học nghề, bao gồm 3.056 lao động được đào tạo hệ trung cấp kỹ thuật và 37.590 lao động được học nghề ngắn hạn.

Môn tin học được đưa vào giảng dạy ở Trường DTNT Ninh Sơn.

Ngành GD&ĐT tập trung đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII vào thực tiễn hoạt động của ngành. Theo đó, ngành GD&ĐT xác định nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2011- 2015 là tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh cho giai đoạn mới. Phấn đấu đến năm 2015 có 30% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, 50% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Đẩy mạnh chương trình hợp tác và tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước thành lập các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Thành lập và đưa vào hoạt động Trường Trung cấp Y tế, phân hiệu các trường Đại học Điện lực, Đại học Thủy lợi. Đầu tư nâng cấp chuyển Trường CĐSP thành cao đẳng đa ngành và Trường Trung cấp Nghề lên cao đẳng nghề. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến tới thành lập Trường Đại học Ninh Thuận.

Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động "hai không” với bốn nội dung và xây dựng môi trường giáo dục thân thiện thực sự đi vào tình cảm, trách nhiệm của đội ngũ thầy, cô giáo và các em học sinh. Cùng với việc triển khai đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII vào thực tiễn cuộc sống, ngành GD&ĐT Ninh Thuận tiếp tục huy động mọi nguồn lực xã hội chăm lo đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực "vừa hồng, vừa chuyên”, tích cực góp phần xây dựng tỉnh nhà phát triển giàu mạnh.