Hiệu quả từ mô hình tưới nước tiết kiệm ở Vĩnh Hải

(NTO) Thời gian qua, một số địa phương trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng hạn cục bộ như xã Phước Trung (Bác Ái), xã Nhơn Hải (Ninh Hải)… dẫn đến thiếu nước sản xuất và nước uống cho đàn gia súc. Tuy nhiên tại xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) vẫn thấy màu xanh tươi, là nhờ nông dân ở đây chủ động khoan giếng, đào ao, ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiệm (TNTK) cho cây trồng, từ đó đã ổn định sản xuất, đem lại màu xanh cho vùng đất khô hạn.

Ông Nguyễn Hàn, Trưởng ban Quản lý thôn Thái An, chia sẻ: Còn nhớ vào cuối năm 2014-2015, nông dân ở đây đã vất vả, quyết tâm nỗ lực vượt hạn bằng cách đào hàng trăm ao ở khu vực Bàu Tró, nạo vét giếng, tìm nước ngầm ở các suối và cũng thời điểm đó nông dân ứng dụng mô hình TNTK cho cây trồng. Nhờ vậy mà trong những năm hạn cây trồng của bà con được “cứu sống” và sản xuất ổn định. Hiện nay, tại thôn Thái An có trên 80% diện tích cây nho đỏ, bà con ứng dụng mô hình TNTK.

Đến thôn Thái An trong thời điểm này, chúng tôi được bà con vui vẻ cho hay cây trồng vẫn phát triển tốt nhờ áp dụng mô hình TNTK. Anh Phạm Văn Thu, là một trong số những nông dân nơi đây có được niềm vui đó, anh bộc bạch: Gia đình làm 3 sào nho đỏ, kể từ cuối năm 2015, khi địa phương bước vào thời điểm hạn, cây trồng thiếu nước sản xuất. Từ tuyên truyền của chính quyền địa phương, gia đình đã đầu tư 10 triệu đồng mua ống và béc phun để áp dụng mô hình TNTK, nhờ vậy mà những năm hạn vẫn có đủ nước để cây nho sinh trưởng và phát triển tốt. Với phương thức tưới cách nhật, thời gian tưới hợp lý nên không cần nhiều nước nhưng vẫn đủ độ ẩm cho gốc nho. Mô hình TNTK đã tiết kiệm hơn 50% lượng nước cùng thời gian và tiết kiệm hơn phân nửa tiền điện chạy nước và công lao động. Nhờ hệ thống tự động, tôi chỉ mở van tổng rồi đi làm chuyện khác.

Nông dân xã Vĩnh Hải áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm trên cây nho.

Nhiều nông dân chia sẻ, tuy mất một số vốn đầu tư hệ thống TNTK ban đầu nhưng bù lại cây trồng đủ nước cho năng suất tăng 20%-25% nên vẫn có lợi hơn. Hơn nữa đã tiết kiệm được nhiều thời gian công theo nước và giảm hao hụt nước trong quá trình sản xuất. Nhiều nông dân tại thôn Mỹ Hoà nhận định, đất sản xuất nơi đây có nguy cơ bị nhiễm mặn vì nước biển xâm thực, nếu mô hình TNTK được áp dụng nhiều hơn cho cây trồng thì đất sẽ ít bị nhiễm mặn hơn vì nhờ vào nguồn nước ngọt thấm vào đất.

Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải cho biết: Mô hình TNTK đã mang lại nhiều lợi ích cho nông dân như: Tiết kiệm được nguồn nước để tiếp tục sản xuất trong mùa khô hạn, tiết kiệm công lao động theo nước, nâng cao năng suất cây trồng… Hiện nay, chính quyền địa phương đang tích cực vận động nông dân áp dụng mô hình TNTK trên cây trồng. Đến nay, toàn xã có trên 90% diện tích cây nho đỏ (khoảng 182 ha) và gần 50% diện tích (khoảng 46 ha) cây hoa màu được nông dân áp dụng mô hình TNTK. Cùng với đó, tích cực tuyên truyền cho nông dân chuyển đổi cây trồng theo hướng ít sử dụng nước; đồng thời chủ động tạo nguồn và sử dụng nước tiết kiệm, từ đó góp phần ổn định sản xuất cây trồng ở vùng khô hạn.