Những người thầy “gieo chữ” ở vùng cao

(NTO) Vì tình yêu nghề, vì sự nghiệp “trồng người”, những thầy giáo, cô giáo nơi vùng sâu, vùng xa vẫn cần mẫn, tận tụy ươm mầm cho ước mơ của học trò được bay cao, bay xa đến với chân trời tri thức.

Trên hành trình cùng các thầy, cô giáo Trường TH Tà Nôi, xã Ma Nới (Ninh Sơn) trở lại trường sau những ngày về thăm gia đình, chúng tôi cảm thấy nể phục trước những khó khăn mà họ đã trải qua khi tự mình băng qua quãng đường dài đầy sỏi đá, nước suối lớn và cả những đoạn dốc cheo leo để bám trường, bám lớp. Đêm về bên mâm cơm đạm bạc cùng thầy, cô giáo, chúng tôi được lắng nghe những câu chuyện mộc mạc về việc dạy chữ cho học trò. Cô giáo Lê Thị Hồng Gấm là giáo viên trẻ tuổi nhất của trường chia sẻ: Từ nhỏ tôi đã sống ở miền xuôi, điều kiện về kinh tế vô cùng thuận lợi nên những ngày đầu nhận công tác, những khó khăn nơi đây đã làm tôi chùn bước, nhưng rồi, khi thấy học trò mình ngoan ngoãn và học tập tốt hơn, tôi lại có thêm động lực để bước tiếp trên hành trình gieo chữ ở vùng cao. Trong cái không khí se lạnh vào lúc giữa đêm, nghe câu chuyện chân thành của cô giáo Gấm đã làm cho chúng tôi thêm ấm lòng hơn. Dẫu biết rằng đối với đội ngũ giáo viên, nhận công tác tại Tà Nôi cũng đồng nghĩa với việc sẵn sàng đón nhận những khó khăn ở phía trước như: bất đồng về ngôn ngữ giữa thầy với trò, tình trạng học sinh nghỉ học cách nhật vào mùa thu hoạch của gia đình hay khó khăn về đi lại, sinh hoạt…Thế nhưng, đối với họ càng khó khăn thì ngọn lửa đam mê lại càng bùng cháy như tôi luyện thêm ý chí bền lòng trên hành trình đưa tri thức đến vùng sâu, vùng xa.

Rời Tà Nôi, chúng tôi tiếp tục ngược về xã Phước Thành (Bác Ái) dài hơn 70km để đến với Trường TH Phước Thành A. Đến trường gần giữa trưa, trong các lớp học, các em học sinh chăm chú học đánh vần tiếng phổ thông rất rõ ràng, rành mạch hòa cùng tiếng giảng bài của thầy, cô giáo hết sức thân thương. Tiếp chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Thế Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có 21 cán bộ, giáo viên thì 60% là giáo viên trẻ miền xuôi. Người ở trong huyện, trong tỉnh cũng có, người ở tận các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An…lên đây nhận công tác cũng có. Với điều kiện kinh tế tại đây còn gặp nhiều khó khăn thì quá trình công tác, sinh hoạt của thầy, cô giáo cũng còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Cô giáo Trần Thị Liên hướng dẫn học sinh sinh hoạt.

Thầy hiệu trưởng giới thiệu với chúng tôi về cô giáo Trần Thị Liên, sinh ra và lớn Thủ đô Hà Nội, cô giáo bỏ lại tất cả niềm vui nơi phố thị để về trường công tác, qua gần 10 năm đứng lớp, cô giáo luôn nỗ lực đem kiến thức của mình để truyền dạy cho học sinh bằng tinh thần trách nhiệm. Thế nhưng chỉ khi trực tiếp nghe cô trải lòng, chúng tôi càng thấu hiểu tấm lòng của cô giáo đối với học sinh thân yêu. Cô giáo Liên chia sẻ: Hầu hết mọi ngóc ngách thôn, xóm, bìa rừng, con suối tại đây, tôi đã đi qua không sót để đến từng nhà vận động các em đến lớp, có nhiều nhà tôi phải đi 4 đến 5 lần mới có thể gặp được phụ huynh và học sinh. Dù vất vả đến mấy, gian nan đến đâu nhưng mỗi sáng điểm danh, lớp không vắng em nào là tôi vui mừng rồi.

Chúng tôi tiếp tục hành trình đến với một ngôi trường khác tại xã Phước Bình (Bác Ái). Trong trong ánh nắng vàng xuyên qua từng mảng rừng xanh lá, trông Phước Bình thật hiền hòa và xinh đẹp. Thế nhưng ít ai biết được vào mùa mưa lũ, khi đến Phước Bình là một chặng đường đầy cam go và nguy hiểm với những đập tràn nước hung hãn, chia cắt lưu thông giữa Phước Bình về huyện Ninh Sơn. Nhiều thầy cô giáo đã phải xa gia đình để túc trực ở trường hằng ngày, hằng tuần. Ấy vậy mà trong khó khăn họ vẫn bền lòng gieo chữ cho đồng bào Raglai nơi đây. Đến thăm Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Đinh Bộ Lĩnh, ngôi trường được xây dựng khang trang trên khuôn viên rộng với các khu: phòng học, nhà ăn, nhà bán trú, khu vui chơi thể thao… Dẫn chúng tôi đến các phòng ở ngăn nắp, sạch đẹp của các em học sinh, thầy giáo Báo Tin Sáng, Tổng phụ trách Đội chia sẻ: Chúng tôi luôn nỗ lực tạo điều kiện học tập và sinh hoạt tốt nhất cho các em. Xem các em như con của mình nên bên cạnh việc trau dồi chuyên môn, luôn cố gắng tạo môi trường gần gũi để các em cảm nhận được việc đến trường là một niềm vui.

Có lên vùng cao và trải qua những ngày công tác cùng các thầy, cô giáo nơi đây mới thấu hiểu trái tim yêu thương và tấm lòng nhiệt huyết của các nhà giáo đối với học sinh thân yêu. Trên con đường trở về giữa buổi trưa nắng gắt, tôi vẫn nhớ những câu hát của các thầy, cô giáo nơi đây “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai... Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người…”. Tin rằng, những trăn trở, những nỗi niềm, những cống hiến của các thầy cô giáo vùng cao sẽ giúp cho cuộc sống của người dân nơi đây xua đi cái nghèo khó. Sự cống hiến của các thầy cô giáo sẽ góp phần đưa nền giáo dục ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bước phát triển tốt hơn.