Khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới

(NTO) Khu vực nông thôn tỉnh ta có 47 xã/258 thôn triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), trong đó có 11 xã ven biển. Những ngày này, dù hạn hán gây ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống người dân, nhưng điều phấn khởi là bộ mặt nông thôn tỉnh nhà vẫn có bước phát triển mới về hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó chủ yếu là hạ tầng phục vụ sản xuất như công trình giao thông và kênh mương nội đồng.

Cuối năm 2015, sau khi hoàn thành mục tiêu có 11/47 xã đạt tiêu chí xã NTM theo tinh thần Nghị quyết số 02 ngày 24-5-2011 của Tỉnh ủy (khóa XII) về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng thực hiện chủ trương xây dựng NTM tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020”, việc huy động và lồng ghép các nguồn lực để thực hiện chương trình xây dựng NTM được tỉnh ta đẩy mạnh. Đến nay, ngoài các xã đạt chuẩn NTM nói trên, còn lại đã có 2 xã cơ bản đạt chuẩn (từ 15-18 tiêu chí), 15 xã khá đạt chuẩn (từ 10-14 tiêu chí), và 19 xã trung bình đạt chuẩn (từ 5-9 tiêu chí). Đồng chí Lê Kim Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh cho biết: “Để đạt được kết quả như hôm nay là sự nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, cản ngại của các ngành, các cấp, các địa phương và sự đồng thuận chung tay của người dân khu vực nông thôn”.

Phước Vinh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí số 11 xây dựng NTM.

Còn nhớ vào năm 2011 khi bắt đầu thực hiện xây dựng NTM, bấy giờ tỉnh ta có xuất phát điểm khá thấp, trong 47 xã có 35 xã thuộc nhóm khó khăn (đạt dưới 5 tiêu chí ) và 12 xã trung bình (đạt từ 5-9 tiêu chí). Thế nhưng nhờ phát huy vai trò chủ thể của người dân, qua 5 năm thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, bộ mặt nông thôn tỉnh nhà đã ngày một khang trang, hiện đại, sạch đẹp hơn. Các công trình giao thông nông thôn, công trình thủy lợi được xây mới, nâng cấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất và vận chuyển, trao đổi hàng hóa, nông sản của người dân, cải thiện một bước về điều kiện sống cho người nghèo ở nông thôn. Nếu đầu năm 2011, khu vực nông thôn có thu nhập bình quân đầu người là 11,96 triệu đồng/năm thì đến cuối năm 2015 đạt 22,9 triệu đồng/năm, tăng 1,9 lần.

Xuất phát từ thực tế và trên cơ sở dự kiến nguồn lực đầu tư, trong giai đoạn 2016-2020, Ban Chỉ đạo Xây dựng NTM tỉnh phấn đấu có từ 1-2 huyện đạt chuẩn NTM, có 24 xã đạt chuẩn NTM ( kể cả các xã đã đạt chuẩn giai đoạn 2011-2015 được công nhận lại), bình quân mỗi xã đạt 15 tiêu chí và không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí, thu nhập nông dân tăng gấp 1,8 lần so với năm 2015. Riêng trong năm nay, cùng với giữ vững các xã đạt chuẩn NTM năm 2015, phấn đấu có ít nhất 3-5 xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên để triển khai thực hiện mục tiêu trên, tỉnh ta đang phải đối mặt những vấn đề, thách thức đặt ra cần phải giải quyết, đó là huy động nguồn lực trong dân sẽ gặp nhiều khó khăn khi giai đoạn này chủ yếu triển khai ở những xã trung bình, những xã còn nhiều khó khăn về kinh tế, đặc biệt là những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn có mức độ đạt tiêu chí còn khá thấp.

Trước những khó khăn trên, từ kinh nghiệm của 5 năm qua, Ban Chỉ đạo Xây dựng NTM tỉnh yêu cầu các xã phải có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của từng địa phương, tránh rập khuôn, máy móc. Trong xây dựng đề án và chỉ đạo thực hiện, mỗi địa phương cần quán triệt sâu kỹ 19 tiêu chí, xem đây vừa là công cụ vừa là nhiệm vụ cụ thể và xây dựng lộ trình từng năm cho từng tiêu chí, mức độ đến đâu phải phù hợp với nguồn lực và mục tiêu phấn đấu. Đặc biệt phải căn cứ vào đặc điểm, lợi thế và nhu cầu thiết thực của người dân để lựa chọn nội dung cần làm trước, nội dung sẽ làm sau; nếu tiêu chí nào gần đạt, phải tập trung nguồn lực cho việc hoàn thành tiêu chí đó.

Cách làm trên đang được các huyện, xã áp dụng ngay trong những tháng đầu năm nay, điển hình như huyện Ninh Phước. Với mục tiêu đề ra đến cuối năm 2016 phấn đấu có thêm 3 xã Phước Vinh, Phước Hậu, Phước Hữu đạt chuẩn NTM, Ninh Phước xác định tập trung phát huy tối đa nội lực của địa phương và của người dân, huy động nhiều hơn nữa các nguồn lực từ các công ty, doanh nghiệp và lồng ghép các chương trình, dự án khác. Tìm hiểu tại xã Phước Vinh, chúng tôi được đồng chí Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Nhờ đầu tư đúng trọng tâm, lựa chọn tiêu chí làm trước làm sau, hiện Phước Vinh chỉ còn tập trung nguồn lực giải quyết tiêu chí số 11 (hộ nghèo) là hoàn thành chương trình xây dựng NTM”.

Theo đồng chí Lê Kim Hiếu, trong giai đoạn 2016-2020, có 8 dự án thành phần thuộc 6 chương trình mục tiêu quốc gia khác sẽ được nhập chung vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đây là yếu tố thuận lợi cơ bản vì như vậy nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sẽ được tập trung cao hơn so với giai đoạn trước. Đây cũng sẽ là yếu tố tác động tích cực cho các huyện, xã trong tỉnh ta khắc phục khó khăn, tiếp tục đầu tư, xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội phù hợp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hoàn thành đúng tiến độ xây dựng NTM.