Kinh nghiệm thực hiện tiêu chí giảm nghèo ở xã Phước Nam

(NTO) Sau một thời gian thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỷ lệ hộ nghèo ở xã Phước Nam (Thuận Nam) giảm từ 8,9% (năm 2013) xuống còn trên 4% hiện nay. Kinh nghiệm thực hiện tiêu chí giảm nghèo của xã là triển khai các mô hình sản xuất phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Đồng chí Não Văn Thủ, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Trong 19 tiêu chí NTM, tiêu chí số 11 là khó thực hiện nhất. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 5%, ngay từ khi triển khai thực hiện chương trình, xã đã tổ chức rà soát, nắm cụ thể hộ nghèo, trên cơ sở đó đề ra biện pháp hỗ trợ thích hợp. Cuộc “tổng điều tra” đã rút ra 2 nguyên nhân dẫn đến nghèo, là: Thiếu vốn và trình độ sản xuất thấp. Để tháo gỡ khó khăn, xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế hộ gia đình; đồng thời, chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể triển khai những mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả; chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật cho người dân địa phương. Nổi lên là mô hình chăn nuôi dê, cừu vỗ béo đảm bảo vệ sinh môi trường; mô hình chăn nuôi bò thịt được triển khai vào năm 2013, đến nay đã được nhân ra diện rộng, giúp các hộ có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.

 
 
Hộ anh Trương Văn Lâm ở thôn Nho Lâm, xã Phước Nam khá lên nhờ thực hiện mô hình nuôi dê, cừu vỗ béo.

Tại thôn Nho Lâm, cách đây 2 năm chỉ có 15 hộ thực hiện mô hình nuôi dê, cừu vỗ béo, đến nay, số hộ thực hiện tăng lên hàng trăm. Mô hình tạo sinh kế cho nhiều người, mỗi hộ nuôi từ 25-30 con dê, cừu vỗ béo cho thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng. Anh Trương Văn Lâm, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Nho Lâm, cho biết: Ưu điểm của mô hình là đầu tư ít nhờ tận dụng được lá nho, táo có sẵn trong vùng làm thức ăn cho gia súc. Chu kỳ quay vòng nhanh, sau 3 tháng vỗ béo, trọng lượng mỗi con đạt từ 30-35kg, dê, cừu có thể xuất chuồng. Đến nay, mô hình đã khẳng định được ưu điểm vượt trội, các hộ chăn nuôi không những trả hết nợ ngân hàng mà còn có vốn tiếp tục đầu tư mở rộng chăn nuôi với quy mô đàn ổn định từ 25-30 con. Mô hình có sức lan tỏa nhanh, vừa qua, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đầu tư gần 350 triệu đồng cho 30 hộ thực hiện với mục tiêu đến năm 2016 vươn lên thành hộ khá.

Mô hình chăn nuôi bò thịt ở thôn Phước Lập cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo cơ hội thoát nghèo bền vững cho nông dân. Có 22 hộ hưởng lợi được vay tổng số tiền 500 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, sau 2 chu kỳ nuôi bò vỗ béo (36 tháng), mỗi hộ thu lãi trên 37 triệu đồng. Đồng chí Não Văn Thủ nhìn nhận: Các mô hình chăn nuôi đang triển khai ở địa phương tạo được chuyển biến tích cực, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.

Hướng tới mục tiêu đạt chuẩn xã NTM vào cuối năm nay, hiện tại, Phước Nam đang dồn sức thực hiện tiêu chí 17: Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường. Lâu nay trên địa bàn xã sử dụng hệ thống nước sinh hoạt tập trung từ Nhà máy Nước thị trấn Phước Dân phục vụ các thôn Văn Lâm 1, Văn Lâm 2, Văn Lâm 3, Văn Lâm 4 và Phước Lập. Riêng hơn 400 hộ ở thôn Tam Lang và khu vực phía Tây đường sắt thôn Nho Lâm, nước sạch chưa về đến nơi là trăn trở lớn nhất của cấp ủy và chính quyền địa phương. Tiếp sức cho xã Phước Nam, thời gian qua, các cấp, ngành quan tâm đưa ra các giải pháp đầu tư xây dựng đường ống nước sạch ở những khu vực này. Tín hiệu đáng mừng là đầu tháng 11 vừa qua, Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận đã thi công lắp đặt tuyến ống cấp nước trên địa bàn thôn Nho Lâm, với tổng kinh phí đầu tư 830 triệu đồng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Ủy ban MTTQVN tỉnh cũng đã trích 100 triệu đồng từ nguồn đóng góp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ nhân dân vùng hạn năm 2015 để xây dựng đường ống cấp nước ở thôn Tam Lang. Đồng chí Não Văn Thủ tự tin: Các công trình nước sạch đang được gấp rút thi công, góp phần quan trọng để xã “cán đích” NTM đúng theo kế hoạch.