DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Tác động từ Dự án Hỗ trợ Tam nông ở huyện Thuận Bắc

(NTO) Thuận Bắc là huyện miền núi có diện tích đất tự nhiên 319,2km2, trong đó đất sản xuất nông nghiệp có 8.623,7ha. Sau khi được chọn triển khai Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN) tại 4 xã Phước Kháng, Phước Chiến, Lợi Hải và Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc xác định phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị chăn nuôi và nông sản hàng hóa thuộc lợi thế của các xã trên.

Để đạt mục tiêu tổng thể cải thiện chất lượng cuộc sống của các hộ gia đình vùng dự án một cách bền vững, Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp huyện (DASU) Thuận Bắc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các hợp phần của dự án. Trong 9 tháng qua, DASU Thuận Bắc đã tiến hành 5 hoạt động liên quan đến công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cho các xã trong và ngoài vùng dự án; phối hợp với Ban Điều phối Dự án HTTN tỉnh và Đoàn tư vấn Quỹ tài trợ Dự án nhỏ cạnh tranh (CSG) tổ chức Hội nghị tư vấn cho các nhóm cùng sở thích tham gia vào Quỹ CSG năm 2014.

Đường nội đồng Rọ Bò thuộc thôn Xóm Bằng (Bắc Sơn, Thuận Bắc) 
được xây dựng từ nguồn vốn IFAD.

Qua đó, đã tháo gỡ những khó khăn trong công tác hỗ trợ, giải ngân nguồn vốn đến các tổ nhóm được hưởng lợi và đã hỗ trợ xây dựng hồ sơ đề xuất cho 8 nhóm cùng sở thích nuôi dê tham gia vào Quỹ CSG năm 2015. Anh Lưu Quốc Tuấn, cán bộ đại diện DASU Thuận Bắc, cho biết: Người dân đang được hưởng lợi từ các hoạt động của Dự án HTTN. Đến nay, các chuỗi giá trị (giống cây trồng, vật nuôi) đạt được kết quả bước đầu đáng phấn khởi.

Dựa vào thế mạnh của các cây trồng, vật nuôi, DASU Thuận Bắc đã lựa chọn 5 chuỗi giá trị (bò, dê, cừu, heo đen và chuối), đồng thời lựa chọn các chuỗi giá trị ưu tiên trên địa bàn các xã dự án. Để phát triển các chuỗi giá trị bò, dê, cừu, từ cuối năm 2014 đến đầu năm nay, Thuận Bắc bắt đầu thực hiện chuyển giao các mô hình và con giống nuôi cho các hộ nghèo và cận nghèo của huyện. Theo DASU Thuận Bắc, đến cuối tháng 9, các vật nuôi được chuyển giao đã sinh sản được 11 con bê, 64 cừu con và 4 dê con.

Bên cạnh phát triển các chuỗi giá trị của các nhóm cùng sở thích, DASU Thuận Bắc còn đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình hạ tầng nông thôn từ nguồn vốn Quỹ Phát triển cộng đồng (CDF) cho các xã vùng dự án. Đơn cử xã Phước Kháng có các công trình: Bê-tông 200m đường giao thông nội đồng thôn Đá Mài Dưới; xây dựng sân phơi nông sản thôn Đá Mài Trên, thôn Cầu Đá; nâng cấp, kéo dài 600m tuyến kênh mương đất khai hoang thôn Đá Mài Trên; nâng cấp, sửa chữa 800m kênh mương cánh đồng Dầu. Xã Phước Chiến có các công trình: Bê-tông 500m và nâng cấp, sửa chữa 1.000m đường nội đồng từ phía Nam thôn Động Thông ra vùng sản xuất; kiên cố hệ thống kênh tưới nhỏ xứ đồng Đầu Suối A dài 500m; xây dựng 60m kênh mương thôn Đầu Suối A; xây dựng sân phơi nông sản 250 m2. Xã Bắc Sơn có các công trình: Nâng cấp, sửa chữa 800m đường nội đồng (vùng Rọ Bò) thôn Xóm Bằng; đào 3 ao phục vụ sản xuất thôn Xóm Bằng; xây dựng hệ thống đường điện 600m vào khu sản xuất Tà Lốc-Xóm Bằng; nâng cấp, sửa chữa cầu đường nội đồng vùng Bửng Du Kích. Xã Lợi Hải có các công trình: Bê-tông 500m đường nông thôn hướng Bắc; xây dựng 700m kênh mương vùng Bạc Hà, thôn Ấn Đạt; sửa chữa 600m kênh mương thôn Suối Đá; kiên cố 400m kênh mương đồng Cà Rài, thôn Kiền Kiền 2; bê-tông 380m đường nông thôn phía Tây Quốc lộ 1A thôn Kiền Kiền.

Nhìn chung các công trình hạ tầng công cộng, hạ tầng sản xuất, sân phơi nông sản được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Quỹ CDF đã tạo thuận lợi cho việc phục vụ 5 chuỗi giá trị trong vùng dự án. Từ nay đến cuối năm, để đẩy nhanh tiến độ dự án, DASU Thuận Bắc đặt trọng tâm tập huấn cho cán bộ dự án nâng cao năng lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới, đồng thời đề xuất tỉnh hỗ trợ kịp thời nguồn vốn CDF cho các xã chủ động triển khai hoạt động.