Vấn đề hôm nay:

Gỡ khó cho nông thôn mới!

(NTO) Đến nay, có thể nói Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới(NTM) đã có sức lan tỏa cả bề rộng lẫn chiều sâu trên địa bàn tỉnh. Điều dễ nhận rõ đó là hiệu quả từ phát triển sản xuất đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều nông hộ. Đặc biệt trong điều kiện nắng hạn kéo dài thì nguồn tăng thu này lại càng có ý nghĩa.

Thời gian qua, từ nguồn vốn sự nghiệp chương trình NTM, nhiều địa phương đã bắt đầu triển khai thực hiện nhận rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả như mô hình trồng măng tây xanh (Xuân Hải, Phước Hải), rau an toàn (An Hải ); cải tạo đàn cừu (Tri Hải)... Ngoài ra, các địa phương cũng đã lồng ghép các nguồn vốn khác để thực hiện một số mô hình sản xuất lúa giống theo chương trình “1 phải, 5 giảm”. Để chủ động “đầu ra” nông sản nông dân huyện Ninh Phước còn liên kết với Công ty CP, Công ty giống Nha Hố sản xuất 388 ha bắp giống tại Phước Vinh, Phước Sơn; nuôi heo tập trung quy mô từ 600 – 2.000 con/trại, nuôi gà đẻ chuồng lạnh tập trung quy mô 20.000 con/trại tại xã Phước Vinh; phối hợp liên kết với Công ty Thực phẩm Lâm Đồng trồng thí điểm nho rượu kiểu mới tại xã Phước Thuận … mang lại hiệu quả kinh tế cao.

KOICA và Tập đoàn CJ Việt Nam hỗ trợ kinh phí xây dựng nông thôn mới khu dân cư Tầm Ngân 2 (Lâm Sơn, Ninh Sơn)
Ảnh: Sơn Ngọc
 

Đáng nói là về mô hình hợp tác xây dựng NTM, KOICA và Tập đoàn CJ tiếp tục triển khai các dự án ở huyện Ninh Sơn gồm dự án Xây dựng NTM gắn với phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp (Dự án CSV) ở thôn Tầm Ngân, xã Lâm Sơn và dự án phát triển làng mới đưa tình nguyện viên hỗ trợ xây dựng NTM ở 2 thôn Tân Lập 2, xã Lương Sơn và thôn Tân Mỹ, xã Mỹ Sơn. Bước đầu đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Về huy động nguồn lực đầu tư cũng có nhiều chuyển biến. Theo kế hoạch huy động nguồn lực bố trí cho xây dựng NTM năm nay trên 177 tỷ đồng. Trong số này, vốn lồng ghép chiếm trên 106,3 tỷ đồng, trong đó riêng vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gần 45.7 tỷ đồng; vốn huy động trong dân (tiền mặt, ngày công, hiến đất) trên 4,72 tỷ đồng; vốn huy động doanh nghiệp trên 1,24 tỷ đồng...Tính đến nay, tiêu chí bình quân/ xã đạt 9,83, tăng so với cuối năm 2014 là 9,17 tiêu chí /xã. Theo đó, có 2 xã đạt chuẩn NTM đủ 19 tiêu chí, 7 xã cơ bản đạt chuẩn từ 15-18 tiêu chí, 13 xã khá đạt chuẩn từ 10-14 tiêu chí, 22 xã trung bình đạt chuẩn từ 5-9 tiêu chí và chỉ còn 3 xã khó khăn đạt chuẩn dưới 5 tiêu chí, giảm 2 xã so cuối năm 2014.

Để có được những kết quả nêu trên, thưc tế đáng ghi nhận là nhiều địa phương đã tập trung chỉ đạo thực hiện những nội dung trọng điểm trên địa bàn và có nhiều giải pháp linh hoạt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Nhận thức của người dân được nâng lên, vai trò chủ thể của người dân được phát huy, thể hiện rõ nét qua việc tích cực chung vai, góp sức, nỗ lực thực hiện chương trình và tạo thành phong trào sâu rộng, đều khắp cả tỉnh…Tuy nhiên, vẫn còn không ít những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ như phần lớn các địa phương đang tập trung chống hạn nên chưa triển khai hoặc triển khai chậm việc xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả. Mặt khác, theo phản ánh của một số địa phương thì mức hỗ trợ nhân rộng mô hình sản xuất khá thấp (chủ yếu hỗ trợ 30% giống) và công tác tuyên truyền về chính sách chưa tốt nên nhiều địa phương, người dân ít tham gia. Mặt khác, nguồn vốn đầu tư hạ tầng thiết yếu khá thấp so với nhu cầu của các xã, nhất là đối với các xã cần phấn đấu đạt chuẩn vào cuối năm nay. Không những vậy, việc huy động vốn ngoài ngân sách từ doanh nghiệp, nhân dân ở một số địa phương gặp khó khăn do ảnh hưởng của hạn hán...

Mục tiêu tỉnh ta phấn đấu cuối năm phải có từ 10-11 xã đạt chuẩn NTM và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Do vậy, vấn đề đặt ra là cần tập trung khắc phục có hiệu quả những vướng mắc như đã nêu, đồng thời cùng với việc củng cố, phát triển các tổ chức sản xuất như HTX, tổ hợp tác, nhóm sở thích, liên minh sản xuất… để làm nòng cốt, liên kết các nông hộ thì cũng cần đẩy nhanh tiến độ nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả theo đề án, chính sách của tỉnh để tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho nông dân; hỗ trợ, giúp đỡ nông dân trong việc cung ứng, hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư về nông thôn từ các tổ chức, doanh nghiệp. Tăng cường nguồn tín dụng về nông thôn để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, giải quyết việc làm...

Suy cho cùng, để đẩy nhanh “tiến độ” xây dựng NTM rất cần quyết tâm và đồng thuận của cả hệ thống chính trị và Nhân dân địa phương.