DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Thôn Suối Le: Phát triển mô hình nuôi dê sinh sản

(NTO) Suối Le là thôn khó khăn nhất của xã Phước Kháng (Thuận Bắc), toàn thôn có 87 hộ, trong đó 19 hộ nghèo. Trong đó, nguyên nhân chính là sản xuất ở địa phương chậm phát triển, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, đất đai hạn hẹp, khô cằn.

Với tổng diện tích đất nông nghiệp 40ha nhưng không chủ động nước nên mỗi năm chỉ canh tác được từ 1-2 vụ; bà con trồng cây bắp địa phương, năng suất thấp, đạt chừng 2 tấn/ha. Gần đây, được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hỗ trợ triển khai các mô hình chuyển giao khoa học-kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp nhờ đó có bước chuyển biến tích cực, đời sống của bà con dần được nâng cao.

Anh Chamaléa Sướng với mô hình nuôi dê sinh sản.

Khai thác thế mạnh khu vực miền núi để thúc đẩy sản xuất phát triển, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên ở từng khu vực đó là chủ trương đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương để thôn Suối Le hôm nay có những cánh đồng bắp lai năng suất vượt trội, đạt 5 tấn/ha. Nét chuyển biến tích cực nhất trong sản xuất nông nghiệp ở thôn là bà con đã biết áp dụng các mô hình chuyển giao khoa học-kỹ thuật mang lại hiệu quả cao. Đáng kể là mô hình canh tác trên sườn dốc đã khai thác tối đa quỹ đất, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích; mô hình “1 vụ lúa-1 vụ bắp lai” hay “bắp lai đông-xuân - đậu xanh hè-thu” áp dụng ở những vùng khô hạn đã góp phần tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân. Tuy vậy, theo Ban Phát triển xã Phước Kháng, giải pháp mang tính căn cơ nhất để thôn Suối Le giảm nghèo nhanh và bền vững đó là dựa vào lợi thế so sánh khu vực vùng núi để phát triển chăn nuôi gia súc có sừng. Những năm qua, thông qua các chương trình, dự án, xã Phước Kháng ưu tiên hỗ trợ giống vật nuôi cho các hộ nghèo ở thôn Suối Le để cải tạo, nâng cao chất lượng đàn.

Nhận thấy dê là đối tượng vật nuôi thích hợp với điều kiện địa hình đồi dốc ở thôn Suối Le, đầu năm 2014, Ban Phát triển xã đã thành lập Nhóm đồng sở thích nuôi dê sinh sản. Đây là mô hình chăn nuôi mới, hoạt động theo hình thức cộng đồng. Nếu như trước đây, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, sử dụng giống dê cỏ, thì hiện nay liên kết lại cùng chọn giống dê bách thảo, cùng trao đổi thông tin thị trường, giá cả, nêu cao tinh thần “tương thân, tương ái” giúp nhau cùng phát triển. Đáng mừng là, tháng 8-2014, Dự án Hỗ trợ Tam nông đã hỗ trợ 4 hộ: Chamaléa Toàn, Chamaléa Sướng, Chamaléa Thị Chiến, Chamaléa Khúc mỗi hộ 5 con dê cái giống bách thảo, đã tạo được niềm hứng khởi để các hộ mở rộng sản xuất, mạnh dạn đầu tư tăng đàn. Ở hộ Chamaléa Sướng, ngoài 5 con dê giống nhận của Dự án, anh còn vay ngân hàng 15 triệu đồng mua thêm 4 con nữa. Đến nay, đã có 5 con chuẩn bị sinh sản, trị giá mỗi con khoảng 5 triệu đồng. Anh Sướng phấn khởi: Sau khoảng thời gian ngắn (chưa đến 1 năm) triển khai mô hình nuôi dê sinh sản, giá trị đàn dê tăng lên gấp đôi so với ban đầu. Với đà này, đến cuối năm nay sẽ có dê bán, đem lại nguồn thu nhập đáng kể.

Mô hình nuôi dê sinh sản ở thôn Suối Le đang phát triển theo hướng bền vững nhờ bà con tận dụng được nguồn thức ăn dồi dào trong tự nhiên, biết cách chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Chị Chamaléa Thị Chiến được Dự án hỗ trợ dê giống, cho biết: Các hộ thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản không phải đầu tư mua thức ăn nên giảm được nhiều chi phí. Phụ phẩm nông nghiệp ở thôn rất dồi dào, cung cấp nguồn thức ăn đáng kể cho dê kể cả trong mùa khô hạn. Nhờ chọn được giống tốt nên hiện nay, đàn dê của gia đình đã có 4 con đẻ, độ 3 tháng nữa là xuất chuồng.

Anh Katơ Tách, Trưởng ban Quản lý thôn Suối Le, cho biết: Khả năng nhân rộng mô hình nuôi dê sinh sản rất cao. Hiện có nhiều hộ tìm mua giống dê bách thảo về thay thế giống dê địa phương. Với đà này, chỉ độ hai năm nữa, mô hình sẽ được nhân rộng ra hầu hết các hộ chăn nuôi trong thôn. Để tạo điều kiện cho bà con phát triển mô hình ở tầm cao hơn, thôn đang tranh thủ sự giúp đỡ của Ban Phát triển xã, quy hoạch vùng chăn thả, liên kết với các doanh nghiệp trong việc cung cấp giống, chuyển giao kỹ thuật nuôi, công tác thú y, bao tiêu sản phẩm...