Nhóm đồng sở thích trồng hành tím ở thôn Mỹ Tường 2

(NTO) Hành tím được xác định là chuỗi giá trị thế mạnh giúp các hộ nghèo thôn Mỹ Tường 2 (xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải) vươn lên. Do đó, khi triển khai thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN), Ban Phát triển xã đã thành lập 2 nhóm đồng sở thích (NST) trồng hành tím ở thôn với 36 hộ thành viên tham gia.

Thôn Mỹ Tường 2 có 850 hộ/4214 nhân khẩu, phần lớn sinh sống bằng nghề nông, với 2 cây trồng truyền thống là hành, tỏi. Hiện nay, diện tích đất sản xuất của toàn thôn khoảng 150ha, riêng đất trồng hành hơn 40ha sản xuất được 2 vụ chính và 1 vụ phụ trong năm. Vì là vùng đất trồng hành giống có tiếng của tỉnh nên thông qua Dự án HTTN, thôn Mỹ Tường 2 đã tập trung nguồn vốn hỗ trợ sản xuất cho 2 NST hành tím gần 200 triệu đồng mua 2 máy phay đất, hành giống và vật tư ban đầu. Cụ thể, nhóm 1 do ông Trần Xuân làm nhóm trưởng với 20 thành viên, dự án hỗ trợ trên diện tích 0,9ha hành tím nhóm canh tác. Nhóm 2 do ông Nguyễn Đăng Hạnh làm nhóm trưởng với 16 thành viên, dự án hỗ trợ trên diện tích 1ha hành tím nhóm canh tác. Các nhóm này hoạt động với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và tạo việc làm cho hộ khó khăn trong nhóm.

 
Theo phương thức hoạt động của nhóm đồng sở thích, anh Nguyễn Đăng Đông đã để lại giống hành tím tái sản xuất trong vụ hè-thu.

Theo giới thiệu, chúng tôi đến thăm rẫy hành tím của hộ anh Nguyễn Đăng Đông của nhóm 2. Anh đang theo nước trên ruộng hành 20 ngày tuổi, chia sẻ: Mình có 1,4 sào đất trồng hành quanh năm, nhưng do thiếu vốn sản xuất nên gia đình trồng theo kiểu “da beo”, tức là chỉ trồng từng ô nhỏ, gần đây thời tiết khắc nghiệt, không có mưa nên nước giếng đào bị nhiễm mặn, thu nhập bấp bênh. Tháng 9-2014, hộ được chọn vào NST hành tím của Dự án HTTN với diện tích đăng ký hỗ trợ giống, vật tư là 0,6 sào. Gia đình cũng tích góp đầu tư hết diện tích 1,4 sào đất để xuống giống trồng vụ Bấc (đông-xuân), vụ chính của cây hành. Tuy trong điều kiện thiếu nước nhưng sản lượng được gần 4 tấn, thu nhập của gia đình nhờ đó mà ổn định hơn những mùa trước.

Ông Nguyễn Đăng Hạnh, Trưởng nhóm 2, cho biết thêm: Trong vụ đông-xuân 2014-2015, tuy canh tác trong điều kiện thiếu nước tưới nhưng các nhóm đã phát huy hiệu quả nguồn vốn tài trợ đầu tư, nâng cao năng suất cây hành tím. Nhóm chúng tôi có 11/16 hộ là hộ nghèo và cận nghèo, được các thành viên trong nhóm chia sẻ thêm việc làm bằng cách thuê nhổ hành và chùm hành thay vì thuê lao động khác ở địa phương, giúp các hộ có thêm nguồn thu nhập. Bên cạnh đó, phương thức hoạt động của nhóm đã được các hộ thành viên thống nhất là sau khi thu hoạch, bà con sẽ để lại đúng số lượng giống đầu tư ban đầu để tái sản xuất vụ sau. Có như thế mới giúp các hộ nghèo và cận nghèo duy trì được sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo và phát triển kinh tế gia đình.

Theo Ban Phát triển xã Nhơn Hải, với hiệu quả bước đầu của mô hình liên kết trồng hành tím dựa trên hoạt động của 2 NST của Dự án HTTN thì mục tiêu hướng đến nâng cao năng suất, chất lượng vùng hành giống Mỹ Tường 2 nói riêng, nghề trồng hành tím của người dân Nhơn Hải nói chung đang có nhiều triển vọng. Không chỉ được ưu tiên hỗ trợ về sản xuất, từ nguồn vốn của Dự án HTTN, xã đã đầu tư một số công trình hạ tầng thiết yếu như nâng cấp, bê-tông đường nội thôn, đường vào khu sản xuất cho các thôn hưởng lợi. Vừa qua, Ban Phát triển xã cũng đã thành lập thêm NST trồng hành tím thứ 3 ở thôn Mỹ Tường 2 do ông Lê Thiện làm trưởng nhóm. Bên cạnh đó, Ban Phát triển xã cũng đang tập trung tìm mối liên kết thị trường từ các doanh nghiệp để đảm bảo hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho người trồng hành, có như vậy mới thu hút nông dân phát triển mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.