(NTO) Lợi Hải là một trong 3 xã thuộc vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông huyện Thuận Bắc, có dân số gần 12.000 người, trong đó 82% là đồng bào dân tộc Raglai. Khi xác định chuỗi giá trị ưu tiên vì người nghèo, Ban Phát triển xã Lợi Hải chọn hướng chăn nuôi-thế mạnh kinh tế nông nghiệp từ lâu của địa phương. Ngoài 2 chuỗi giá trị sản phẩm bò và heo đen (vật nuôi bản địa của bà con dân tộc Raglai), gần đây, Ban Hỗ trợ Kinh doanh Nông nghiệp huyện (DASU) và Ban Phát triển xã Lợi Hải đã xác định thêm chuỗi giá trị cừu nuôi theo mô hình Heifer tại thôn Kiền Kiền 2.
Là một trong 6 thôn của xã Lợi Hải, Kiền Kiền 2 có diện tích đất sản xuất bao gồm 25ha ruộng lúa nước và 6ha đất rẫy trồng màu. Ngoài trồng trọt, người dân Kiền Kiền 2 còn chăn nuôi bò, dê để cải thiện đời sống, đặc biệt là chú trọng phát triển đàn dê. Toàn thôn hiện có tổng đàn gia súc gồm 550 con bò và gần 1.000 con dê nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Để phát triển chuỗi giá trị cừu, gần giữa tháng 7-2014, nhóm cùng sở thích chăn nuôi cừu Heifer thôn Kiền Kiền 2 được thành lập gồm 5 hộ thành viên đều là hộ nghèo, do anh Chamaléa Thuận làm đại diện nhóm. Sau khi thành lập, từ nguồn vốn Dự án Hỗ trợ Tam nông, đã có 20 con cừu được chuyển giao, bình quân mỗi thành viên trong nhóm nhận nuôi 4 con theo mô hình Heifer. Qua thời gian nuôi, đến nay, trong nhóm đã có 3 hộ có cừu sinh sản, cụ thể cừu nuôi của anh Chamaléa Thuận đã đẻ được 3 cừu con, cừu của anh Chamaléa Cham và chị Chamaléa Thị Thúy đều đẻ được 5 con. Hiện 2 hộ còn lại thuộc nhóm cũng có cừu nuôi đang cấn chửa, như vậy sẽ không lâu nữa, từ 20 con cừu nuôi sinh sản, đàn cừu dự án có khả năng sẽ tăng lên gấp đôi.
Từ 4 con ban đầu, anh Chamaléa Thuận đã tăng đàn cừu lên 7 con.
Nuôi cừu theo mô hình Heifer là một hình thức nuôi mà các đối tượng (hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, chủ hộ là phụ nữ đang gặp khó khăn) tham gia cùng chung trách nhiệm, hỗ trợ nhau, có sự giám sát của xã, huyện. Thực hiện theo mô hình Heifer, sau 1-2 năm nuôi, khi 4 cừu mẹ đẻ ra 4 cừu con, hộ nuôi tiếp tục chăm sóc đến khi cừu có trọng lượng và độ tuổi ngang bằng cừu cái được dự án giao ban đầu, lúc ấy hộ sẽ chuyển giao 4 con cừu cái cho DASU để cấp tiếp cho hộ nghèo liền kề theo danh sách đã chọn. Anh Võ Thái Tuấn, Phó Giám đốc Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, cho biết: Mô hình Heifer ngoài mục đích tạo điều kiện cho các hộ nghèo trong vùng dự án phát triển chăn nuôi, mục đích chính là nhằm tạo ra cộng đồng tương hỗ, giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển kinh tế gia đình, tiến tới thoát nghèo bền vững.
Nhận xét về việc nuôi cừu theo mô hình Heifer, anh Chamaléa Ninh, Trưởng thôn Kiền Kiền 2, nói: Cũng giống như nuôi rẽ nhưng mô hình này thiết thực hơn, tạo được điều kiện, cơ hội cho bà con vươn lên thoát nghèo, chắc chắn là không lâu sẽ có thêm đàn cừu trong tổng đàn gia súc của thôn. Điều đáng nói là tuy đất đai canh tác không nhiều, nhưng bù lại thôn Kiền Kiền 2 có điều kiện tự nhiên phù hợp, địa hình có nhiều đồi núi và đồng cỏ thuận lợi cho việc chăn thả gia súc. Anh Chamaléa Thuận chia sẻ: Nhờ DASU tổ chức các lớp tập huấn, bà con được hướng dẫn kỹ cách cho ăn, chăm sóc nên cừu nuôi tăng trưởng nhanh, mặc dù đang mùa khô hạn, gặp nhiều khó khăn về thức ăn, nước uống. Không có đất trồng cỏ, hầu hết các hộ nuôi cừu chỉ chăn thả tự nhiên, tận dụng rơm cỏ và các loại cây lá làm thức ăn. Theo anh Chamaléa Ninh, thực ra trước đây ở Kiền Kiền 2 cũng có nhiều hộ nuôi cừu, sau đó đều chuyển qua nuôi dê, nhưng với kinh nghiệm đã có, họ sẽ giúp ích rất nhiều cho việc nhân đàn cừu nuôi cho bà con nghèo trong thôn theo mô hình Heifer.
Chăn nuôi nói chung là một trong những phương cách thoát nghèo hữu hiệu cho người dân thôn Kiền Kiền 2. Tuy chưa chứng minh hiệu quả như bò và dê đang nuôi phổ biến ở đây, song qua thực tế phát triển đã chứng minh cừu vẫn là chuỗi giá trị có nhiều ưu thế, trong đó rõ nhất là ưu thế tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có để nuôi. Đặc biệt nuôi cừu theo mô hình Heifer, nhóm thực hiện sẽ có điều kiện tiếp cận thông tin thị trường, biết cách làm ăn theo tổ nhóm, được dự án hỗ trợ tiến tới liên kết với doanh nghiệp đem lại triển vọng cải thiện thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Bạch Thương