DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Phước Bình: Xây dựng mô hình điểm phát triển chuỗi giá trị bắp lai

(NTO) Phước Bình là một trong những địa phương có diện tích sản xuất cây bắp lớn nhất huyện Bác Ái, với trên 1.000ha; trong đó, diện tích trồng bắp lai chiếm hơn 760ha. Xác định vai trò quan trọng của chuỗi giá trị cây bắp trong việc góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, Ban Phát triển xã đang tập trung xây dựng mô hình thí điểm vùng “chuyên canh” bắp lai tại địa phương.

Theo đánh giá của Ban Phát triển xã, kể từ khi Dự án HTTN được triển khai thực hiện đến nay, cùng với nguồn lực đầu tư của các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình Nghị quyết 30a của Chính phủ, những năm qua, kinh tế-xã hội của Phước Bình đã có những bước phát triển mới, đời sống người dân ngày một được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm luôn giảm từ 5–6%; hiện nay, còn khoảng 24% hộ nghèo. Riêng đối với Dự án HTTN, địa phương đã nhận được những hỗ trợ tích cực về nhiều mặt, hàng trăm hộ dân trong vùng dự án khi tham gia các nhóm đồng sở thích đã được cán bộ chuyên môn hướng dẫn, tập huấn về các kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Từ nguồn kinh phí của dự án, đến nay, xã cũng đã đầu tư xây dựng được 4 sân phơi, bê-tông 1 tuyến đường nội thôn Hành Rạc 2 (dài hơn 600m), cứng hóa 1 tuyến đường vào khu sản xuất Bố Lang (dài 500m). Đồng chí Pi Năng Hoàng, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Phát triển xã cho biết, một trong những thuận lợi lớn của Dự án HTTN sau khi được triển khai tại địa phương chính là giải quyết được nhiều khó khăn, như: Hệ thống giao thông nội đồng, sân phơi, các lớp tập huấn nâng cao năng lực giúp người dân tiếp cận và áp dụng nhanh các kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, phát triển sản xuất.

Nông dân xã Phước Bình thu hoạch bắp lai đạt năng suất cao. Ảnh: Sơn Ngọc

Nói đến việc hình thành mô hình điểm về chuỗi giá trị cây bắp lai, đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện nay, thế mạnh của Phước Bình chủ yếu dựa vào hai loại cây ngắn ngày là bắp lai thương phẩm và chuối, đang mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho người dân. Riêng đối với cây bắp, khoảng 5 năm trở lại đây, diện tích ngày càng được mở rộng, bà con cũng đã dần chuyển đổi từ trồng bắp địa phương sang trồng các giống bắp lai G49, 919… năng suất mỗi vụ bình quân từ 6–7 tấn/ha, với giá ổn định khoảng 5.000 đồng/kg, mỗi ha người nông dân thu lãi từ 15–20 triệu đồng. Từ việc chuyển đổi sang canh tác cây bắp lai, nhiều hộ gia đình tại địa phương đã vươn lên thoát nghèo, cuộc sống ổn định.

“Qua khảo sát nhu cầu của người dân cũng như định hướng từ Ban Điều phối tỉnh và DASU huyện, Ban Phát triển xã đã thành lập một nhóm đồng sở thích chuyên trồng bắp lai, với sự tham gia của 78 hộ dân, chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo. Quy mô sản xuất thí điểm bước đầu khoảng 58ha, giống bắp NK66. Khi tham gia, bà con chủ yếu góp công chăm sóc tương đương với 20% kinh phí đối ứng, còn lại 80% kinh phí do Dự án HTTN tài trợ. Theo kế hoạch, đầu tháng 6 này, sẽ tiến hành xuống giống và dự kiến đến tháng 9 sẽ thu hoạch, đánh giá”-đồng chí Pi Năng Hoàng cho biết thêm.

Để thu hút sự tham gia đông đảo của các hộ dân vào nhóm đồng sở thích cũng như đảm bảo quyền lợi cho các thành viên trong nhóm, Ban Phát triển xã đã kết nối thành công với Doanh nghiệp Mạnh Xuân (Ninh Sơn) với nhóm trồng bắp trong vấn đề bao tiêu sản phẩm. Đây là điều rất đáng mừng, bởi việc tạo được mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân sẽ là “đòn bẩy” để thu hút người dân miền núi mạnh dạn tham gia đầu tư chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập trong thời gian tới.