Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở xã Tri Hải

(NTO) Đến xã Tri Hải (Ninh Hải) vào trung tuần tháng 5, chúng tôi cảm nhận được không khí nô nức, hồ hởi của cán bộ và nhân dân chuẩn bị đón nhận sự kiện quan trọng: Xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Sau nhiều năm nỗ lực thực hiện, Tri Hải đã trở thành xã đầu tiên của huyện Ninh Hải và là xã thứ hai của tỉnh hoàn thành xây dựng NTM.

Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, điểm nổi bật của Tri Hải là cách chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo. Điều này thể hiện trước hết trong phong trào xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu. Hiện toàn xã đã bê-tông 24,15 km đường nội thôn (đạt tỷ lệ 90,5%) và 6,42 km kênh mương cấp 3 nội đồng (đạt 91,7%), đặc biệt đã hoàn thành đường từ Tỉnh lộ 702 đi vào thôn Khánh Tường với nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ.

Nghề làm muối ở Tri Hải mang lại thu nhập ổn định cho diêm dân.

Lý giải về hạ tầng giao thông, đồng chí Ngô Minh Tự, Bí thư Đảng uỷ kiêm Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã cho biết: Trong quá trình chỉ đạo, từ thực tế sản xuất địa phương, xã Tri Hải không thể làm đường nội đồng phục vụ nông nghiệp. Tuy nhiên, sau một thời gian lúng túng, Tri Hải đề xuất với huyện và vận dụng làm “cứng hóa” 11,1 km đường vận chuyển phục vụ các cánh đồng muối, góp phần hoàn thành thực hiện tiêu chí 2 về giao thông.

Kết quả đạt được trong xây dựng NTM theo bộ tiêu chí quốc gia có thể thấy rõ ở từng thôn. Ông Trần Văn Tùng, Trưởng thôn Khánh Hội phấn khởi: Bây giờ trong thôn, đường nào cũng bê-tông tạo diện mạo mới nên người dân tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường. Nhìn trên phạm vi rộng, có lẽ chưa có xã nào gây ấn tượng như Tri Hải bởi bước đột phá thành công. Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết ngay từ đầu năm ngoái, Tri Hải đã có kế hoạch chung thực hiện tiêu chí xây dựng NTM, trong đó dồn sức vào một số tiêu chí chưa đạt chuẩn như: Y tế, môi trường, giảm nghèo bền vững. Cùng với việc phối hợp cơ quan chuyên môn xây dựng xã đạt chuẩn về y tế, Tri Hải đã xử lý 36 trường hợp thải nước sinh hoạt ra đường và thả rong gia súc trong thôn xóm, cho di chuyển chuồng trại ra khỏi khu dân cư, tổ chức cho người dân ký cam kết bảo đảm vệ sinh môi trường và phân công Mặt trận, các đoàn thể phụ trách từng khu vực, đã giúp bộ mặt các thôn sạch, đẹp, hoàn thành tiêu chí 17 về môi trường. Đối với tiêu chí 6 về cơ sở vật chất văn hóa, Tri Hải bố trí hội trường UBND xã làm nhà văn hóa xã và tận dụng các khu thể thao hiện có làm nơi sinh hoạt thể dục, thể thao cho nhân dân; chọn trụ sở Ban Quản lý thôn Tri Thủy 1 làm nhà văn hóa liên thôn Tri Thủy 1, Tri Thủy 2, Tân An và trụ sở Ban Quản lý thôn Khánh Hội làm nhà văn hóa liên thôn Khánh Hội, Khánh Tường; đồng thời đầu tư cơ sở vật chất và thiết chế văn hóa cho các thôn. Hiện nay, toàn xã có 5/5 thôn đạt văn hóa, trong đó có Tri Thủy 2 vừa được công nhận thôn văn hóa, đưa Tri Hải cơ bản hoàn thành tiêu chí 16 về văn hóa.

Để đạt tiêu chí 10 về thu nhập, Tri Hải nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả như nghề muối ở thôn Khánh Tường, khai thác thủy sản của thôn Khánh Hội; đồng thời triển khai đẩy mạnh các lĩnh vực sản xuất phù hợp đặc điểm, lợi thế của địa phương. Nhờ thế thu nhập bình quân đầu người ở Tri Hải đạt 23,5 triệu đồng/năm, qua đó tác động đến giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,94%, giúp xã đạt luôn tiêu chí 11 về tỷ lệ giảm nghèo. Theo đồng chí Ngô Minh Tự, nhờ một số điều kiện có sẵn nên Tri Hải thuận lợi hơn về việc hoàn thành các tiêu chí sản xuất, thu nhập, thêm nữa đã chọn đúng trọng tâm để tập trung chỉ đạo; nếu nói kinh nghiệm chính là từ việc chọn thôn Khánh Tường làm điểm. Khánh Tường là một làng muối thuộc vùng Đầm Vua, cuối năm 2014 đã trở thành thôn đầu tiên trong xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Đồng chí Đặng Văn Hoàng, Bí thư Chi bộ thôn Khánh Tường chia sẻ: Nhờ làm tốt công tác vận động xây dựng NTM nên đã tạo đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân từ việc đóng góp làm đường giao thông đến thực hiện các mô hình giúp nhau sản xuất muối, nâng thu nhập.

Xã Tri Hải có tổng diện tích tự nhiên 2.708 ha, với dân số khoảng 9.500 người cư trú tại 5 thôn. Do điều kiện, vị trí địa lý thích hợp, kinh tế biển được xác định là kinh tế chủ lực của xã với các ngành như: Đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối và các dịch vụ khác. Vì vậy để phát huy kết quả đạt được, Tri Hải xác định cần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển, tiếp tục làm thay đổi bộ mặt đời sống diêm dân, ngư dân và nông thôn địa phương, xứng đáng với vị thế là xã đầu tiên trong huyện hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.