DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Xã Mỹ Sơn: Áp dụng Mô hình “Bẫy, bả sinh học diệt ruồi đục quả táo”

(NTO) Xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn) có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Thời gian qua, cấp ủy và chính quyền địa phương vận động bà con đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông, xã phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật huyện triển khai Mô hình “Bẫy, bả sinh học diệt ruồi đục quả táo”, giúp hộ trồng giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Xã Mỹ Sơn có 6 thôn, với 102.453 hộ/10.520 khẩu. Tổng diện tích tự nhiên gần 13.000ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp gần 4.000ha. Mỹ Sơn được biết đến là một trong những địa bàn trọng điểm trồng cây thuốc lá của tỉnh. Tuy nhiên, những năm gần đây, do đầu ra ngày càng hẹp, giá cả thấp, trong khi đó chi phí đầu tư, rủi ro cao.

Sử dụng bẫy, bả sinh học giàn táo của anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn Nha Húi,
xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) không còn bóng ruồi vàng.

Soán ngôi cây thuốc lá là cây bắp với diện tích 1.000ha. Mặc dù cây bắp được xác định là cây trồng chủ lực ở địa phương, nhưng chỉ có 300ha bắp lai canh tác ở đồng Nam Sông, đồng Đinh Môn, đồng Tổ Năm Nùng dọc theo sông Dinh có năng suất cao, phần nhiều diện tích còn lại trồng bắp thương phẩm, sản xuất còn bấp bênh.

Dựa vào sản xuất thực tế ở địa phương, Ban Phát triển xã xác định bên cạnh cây bắp, còn có thể mở rộng diện tích trồng táo ở khu vực đầu nguồn hồ Phước Trung. Người đi tiên phong trồng táo là anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn Nha Húi. Cách đây 8 năm, anh học tập nông dân thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước) đưa giống táo về trồng thử nghiệm trên 5 sào. Kết quả vụ đầu, anh thu được 70 triệu đồng và tiếp tục cho thu nhập khá những vụ tiếp theo. Từ cây táo thích hợp với vùng đất mới, nên diện tích tăng dần, đến nay có hàng chục hộ trồng, với khoảng 17ha.

Tuy nhiên, nông dân gặp khó khăn do khu vực trồng táo nằm xen kẽ với các loại cây ăn quả khác nên thường bị dịch hại. Hằng năm vào mùa xoài chín (tháng 6), ruồi vàng xuất hiện dày đặc đục lỗ, đẻ trứng trên trái xoài rồi lan qua các giàn táo. Trước đây, do không có thuốc diệt ruồi, các hộ trồng chỉ còn cách “căn” không cho táo chín vào thời gian trên, nhưng cũng chỉ được vài vụ, sau đó ruồi vàng xuất hiện thường xuyên không thể ngăn chặn được. Để giúp hộ trồng táo thoát nạn ruồi vàng, cuối năm 2013, được sự đầu kinh phí của Dự án Hỗ trợ Tam nông, xã triển khai Mô hình “Bẫy, bả sinh học diệt ruồi đục quả táo” trên diện tích 5 sào, tại 4 hộ: Nguyễn Canh, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Thị Thanh, Trần Thị Dung ở thôn Nha Húi.

Đồng chí Lê Văn Hà cho biết thêm: Nha Húi là thôn khó khăn nhất xã. Do điều kiện sản xuất ít thuận lợi, ảnh hưởng tập quán sản xuất lạc hậu, nên đời sống vật chất của bà con còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 50%. Chọn thôn thực hiện mô hình nhằm mục đích tạo điều kiện các hộ phát triển trồng táo theo hướng bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Tham gia mô hình các hộ được hỗ trợ bẫy, bả sinh học và các loại thuốc nhử ruồi, thuốc diệt ruồi; đồng thời, hỗ trợ mua máy phun thuốc chống nấm mốc trên cây táo, tổng kinh phí 100 triệu đồng.

Anh Nguyễn Canh, Trưởng Nhóm đồng sở thích trồng táo ở Mỹ Sơn, cho biết: Sử dụng bẫy, bả sinh học diệt ruồi đục quả táo hạn chế được chi phí bảo vệ thực vật, chất lượng quả táo nâng lên, hộ trồng bán được giá cao hơn so với sản xuất thông thường trước đây. Hoạt động của Dự án Hỗ trợ Tam nông đã góp phần thúc đẩy sản xuất táo ở địa phương phát triển, tạo ra sản phẩm an toàn, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Có thể nói, mô hình thí điểm sử dụng bẫy, bả sinh học diệt ruồi đục quả táo ở Mỹ Sơn đã đầu tư hướng tới hộ nghèo, cận nghèo, bước đầu có hiệu quả, tạo được sự hưởng ứng của người dân. Hiện nay, Ban Phát triển xã đang khảo sát để mở rộng mô hình thêm 12ha ở thôn Phú Thuận vào thời gian tới.

♦ Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh vừa phối hợp Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh tổ chức lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản trị cho cán bộ (CB) quản lý, điều hành HTX của 27 xã vùng dự án và các HTX có liên kết chuỗi giá trị của Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh.

Tại buổi tập huấn, các học viên được giới thiệu về nội dung quản trị Marketing, định hướng sản xuất, thị trường, xu thế tiêu dùng hiện nay và công tác quản trị nhân sự trong HTX. Theo đó, các học viên được chia nhóm học tập, làm việc nhóm, thảo luận làm rõ khái niệm “hợp tác” với mục tiêu cùng nhau phát triển.

♦  Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh vừa tổ chức tập huấn về điều tra, đánh giá kết quả thường niên trong năm 2015. Tham dự, ngoài cán bộ chuyên trách của các Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp (DASU) huyện và 27 xã vùng dự án, còn có đại diện 10 xã ngoài vùng dự án. Trong thời gian tập huấn, các học viên được nghe cán bộ tư vấn Trung tâm nghiên cứu Chính sách và phát triển (DEPOCEN) giới thiệu về khảo sát thường niên, các bước thực hiện khảo sát, giới thiệu bảng hỏi và hướng dẫn phỏng vấn bảng hỏi.