Quảng Sơn: Kết nối nhóm sở thích và doanh nghiêp, đảm bảo đầu ra cho nông sản

(NTO) Xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) là vùng trọng điểm nguyên liệu nông sản phục vụ cho công nghiệp chế biến của tỉnh. Những năm qua, mặc dù nông dân địa phương đã biết phát huy thế mạnh chú trọng đầu tư chăm sóc và phát triển 2 loại cây chủ lực mía, mỳ để vươn lên ổn định cuộc sống nhưng vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định.

 
Nông dân xã Quảng Sơn thu hoạch mía niên vụ 2014 - 2015.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Phát triển Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN) xã, khó khăn đầu tiên phải kể đến chính là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, nội đồng và kênh mương thủy lợi. Kể từ khi có sự hỗ trợ của Dự án HTTN cho địa phương, những khó khăn trên đã phần nào được tháo gỡ bởi một số công trình xây dựng cơ bản được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng đúng với mục đích, nhu cầu của người dân. Theo đó, trong hai năm 2013 – 2014, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của dự án, xã đã đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng một số công trình như: nâng cấp chợ Quảng Sơn; xây dựng đường bờ tràn khu vực Ngã năm Sông Dầu; nâng cấp kênh thủy lợi N83 thôn Triệu Phong 1 phục vụ tưới cho trên 150 ha mía, mỳ; bê-tông tuyến đường nội thôn từ khu vực xóm 7 (thôn Hạnh Trí) đi vào khu sản xuất với chiều dài hơn 200m. Hầu hết các công trình đã phát huy được hiệu quả trong việc hỗ trợ người dân địa phương có điều kiện phát triển kinh tế. Trong đó, công trình Bờ tràn ngã năm Sông Dầu nhận được sự đồng tình rất cao từ phía người dân. Ngoài các công trình xây dựng, đến nay Dự án HTTN cũng đã triển khai các tiểu hợp phần về hỗ trợ giống, vật nuôi và một số công trình phụ cho người dân như: bàn giao 20 con bò cái lai cho hộ nghèo, cận nghèo nuôi sinh sản với nguồn vốn hỗ trợ cho mỗi hộ lên đến 80% giá trị con giống; hỗ trợ 60% kinh phí cho hộ dân trong nhóm nuôi heo xây dựng 10 hầm Bioga để chăn nuôi theo hướng bảo vệ môi trường trong khu dân cư…

Theo Ban Phát triển xã, hiện nay địa phương có khoảng 1.900 ha mía, gần 1.550ha mỳ. Nhờ phát huy thế mạnh từ vùng cây nguyên liệu này, đời sống người dân địa phương đã có nhiều khởi sắc hơn. Thời gian qua, diện tích hai loại cây này ngày càng được mở rộng, với nhiều loại giống mới cho năng suất cao. Qua phân tích các chuỗi giá trị từ Ban Điều phối tỉnh và dựa trên thế mạnh của địa phương, Ban Phát triển xã đã thành lập được 15 tổ, nhóm chung sở thích phát triển các chuỗi giá trị mía, mỳ, bò và heo. Trong đó, phần lớn là các nhóm sở thích trồng mía và mỳ. Tuy nhiên, đầu ra của hai loại cây này vẫn còn nhiều nỗi lo. Nếu như cây mía đã có Nhà máy đường Phan Rang là đầu mối thu mua chính và ổn định, thì cây mỳ đang gặp khá nhiều bất lợi. Bởi đầu mối thu mua chủ yếu chỉ dựa vào Nhà máy Chế biến tinh bột mỳ đóng trên địa bàn xã nhưng đơn vị chưa đảm bảo được đầu ra cho cây mỳ nên khi đến mùa thu hoạch rộ, dẫn đến tình trạng ùn ứ nông sản và bị tư thương ép giá. Đây cũng chính là một trong những khó khăn chính quyền địa phương quan tâm nhiều năm qua. Tuy nhiên, theo ông Lâm, qua rà soát một số cơ sở thu mua chế biến cây mỳ trên địa bàn xã lâu nay, Ban Phát triển xã kết nối được với 2 cơ sở quy mô vừa và bước đầu đã tạo được mối liên kết giữa 10 nhóm sở thích trồng mỳ. Hiện nay, thông qua nguồn kinh phí của Dự án HTTN, địa phương cũng đã bố trí được một số buổi tập huấn, giao lưu, cam kết hoạt động đúng theo mục tiêu của dự án đề ra giữa chủ của 2 cơ sở trên và các thành viên trong nhóm trồng mỳ.

Từ hoạt động kết nối bước đầu này, nếu thành công, đây sẽ là điều kiện tốt để mở rộng mối quan hệ giữa doanh nghiệp với người nông dân trong thời gian tới trên vùng nguyên liệu nông sản Quảng Sơn.