Phát huy nguồn lực xây dựng nông thôn mới

(NTO) Những ngày chuẩn bị vui xuân, đón tết Ất Mùi 2015, nếu có dịp thử làm một tour du lịch đến các làng quê, ắt hẳn mọi người sẽ ngạc nhiên trước sự đổi mới bộ mặt nông thôn tỉnh nhà.Dù là miền núi xa xôi hay vùng đồng bằng, ven biển, ở đâu ta cũng có thể nhìn thấy những con đường nông thôn được trải bê-tông hoặc láng nhựa phẳng phiu.

Đi vào các cánh đồng lúa, tiếp tục bắt gặp những dòng kênh mương trong xanh chảy len lỏi giữa đôi bờ được xây kiên cố bằng đá hoặc bê-tông. Với những công trình hạ tầng thiết yếu, bức tranh nông thôn hiền hòa đã có thêm nét chấm phá đặc sắc.

 

Nhân dân xã Xuân Hải (huyện Ninh Hải) đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới
ngày càng khởi sắc. Ảnh: Văn Miên

Theo Văn phòng Điều phối Ban Chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh, trong 3 năm (2011-2013), từ nguồn vốn của chương trình xây dựng NTM, các xã đã được đầu tư cứng hóa 4,5 km đường trục thôn, đường ngõ xóm và đường nội đồng; kiên cố hóa gần 3 km kênh mương cấp 2, 3. Từ tháng 6-2013, bằng nguồn vốn vay ưu đãi và nguồn hỗ trợ từ các ngân hàng 53,4 tỷ đồng, theo Quyết định 32 của UBND tỉnh, các địa phương đã thực hiện bê-tông hóa 112 km đường nông thôn và 1 km kênh mương. Ngoài ra, bằng việc lồng ghép các nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia, dự án khác, đóng góp từ doanh nghiệp, người dân, các huyện đã đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước, trường học, trạm xá… Qua các kênh đầu tư, đã có 100% số xã có đường xe ô-tô được nhựa hóa, bê-tông hóa đến trung tâm xã; nhiều vùng nông thôn nhờ hệ thống kênh mương thủy lợi, đường nội đồng kiên cố đã mở rộng diện tích đất nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Từ những công trình hạ tầng nông thôn, một số nhân tố mới xuất hiện như phong trào ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp, sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn theo mô hình “1 phải, 5 giảm”, sản xuất theo nhu cầu của thị trường và nâng cao giá trị trên diện tích đất canh tác.

Có thể nói các công trình đường nội đồng, nội thôn, liên thôn và thuỷ lợi nội đồng đang được chú ý đầu tư đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tiến trình xây dựng NTM. Bên cạnh đó, tỉnh ta hiện đã có 100% số xã có điện lưới quốc gia, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất. Hình ảnh mới của nông thôn càng sinh động hơn qua sự hình thành hệ thống các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, đến nay toàn tỉnh đã đạt tỷ lệ 86% người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh. Nhìn chung, sau nhiều năm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nông nghiệp và kinh tế nông thôn tỉnh nhà đã có chuyển biến trên nhiều mặt, thể hiện ở giá trị thu nhập các hộ nông dân không ngừng nâng cao. Cùng với kết cấu hạ tầng, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân đã góp phần mạnh mẽ làm tăng năng suất các loại cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp.

 

Đưa điện về nông thôn. Ảnh: Duy Anh

Thành tựu trên có được là nhờ lồng ghép các chương trình, dự án, khai thác hiệu quả các nguồn lực. Điều này thấy rõ trong năm 2014, chỉ từ các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, các huyện đã huy động được 13,846 tỷ đồng vốn cho xây dựng NTM, trong đó có 1,5 tỷ đồng của doanh nghiệp và 12,346 tỷ đồng của dân (bao gồm tiền mặt 11,005 tỷ đồng, ngày công tương đương 510 triệu đồng, hiến đất giá trị 831 triệu đồng). Đối với các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, trong năm các huyện đã lồng ghép các mô hình từ Chương trình 30a, 135 hoặc vay vốn từ quỹ hỗ trợ của Hội Nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện. Đặc biệt ở huyện Ninh Sơn có thêm nguồn lực mới nhờ Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) triển khai Dự án xây dựng làng mới ở thôn Tầm Ngân (Lâm Sơn) và đưa tình nguyện viên hỗ trợ xây dựng NTM ở thôn Tân Lập 2 (Lương Sơn) và thôn Tân Mỹ (Mỹ Sơn). Hiện nay tại thôn Tầm Ngân, Dự án đã tiến hành hỗ trợ kinh phí hơn 700 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng như: Trụ sở thôn, nâng cấp trường mẫu giáo.

Xuất phát từ thực tế và trên cơ sở dự kiến nguồn lực đầu tư, năm 2015 Ban Chỉ đạo Xây dựng NTM tỉnh phấn đấu trong 11 xã điểm có từ 7-9 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại phấn đấu đạt từ 15-18 tiêu chí. Để thực hiện mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo Xây dựng NTM tỉnh tập trung chỉ đạo lồng ghép các chương trình, dự án và huy động nhiều nguồn lực khác nhau (vốn tín dụng, vốn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, vốn đóng góp của cộng đồng dân cư …). Nếu so sánh hình ảnh đổi mới nông thôn hiện nay với tiêu chí xây dựng NTM, có thể thấy nông thôn tỉnh ta đã có tiền đề vững chắc. Điều quan trọng là từ kinh nghiệm có được, các xã sẽ năng động hơn trong huy động, khai thác hiệu quả các nguồn lực xã hội đóng góp để xây dựng nông thôn hiện đại, góp phần phát triển quê hương Ninh Thuận giàu đẹp.