Phát triển thị trường cho sản phẩm chuỗi giá trị

(NTO) Tỉnh ta với đặc trưng có thời tiết nắng nóng quanh năm, là điều kiện thuận lợi để phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi sản xuất theo hướng hàng hoá như: Nho, táo, tỏi, hành, bò, dê và cừu. Các sản phẩm trên đã mang về giá trị gia tăng không nhỏ cho nông dân, được đánh giá cao về chất lượng, cung cấp cho thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu.

Xác định công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường có vai trò rất quan trọng trong giải quyết đầu ra, tiêu thụ nông sản của nông dân, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã tổ chức khảo sát, nghiên cứu và kết nối thị trường tại các tỉnh, thành phố như: Thái Bình, Kon Tum, Đà Nẵng, Trà Vinh, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đắc Lắc, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Bình Định, Đà Lạt, Phú Yên, Bến Tre, An Giang, Vĩnh Long, Bình Thuận, Khánh Hoà, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Phối hợp với Ban Điều phối Dự án hỗ trợ Tam nông tỉnh, đến nay Trung tâm và các doanh nghiệp (DN) đã hỗ trợ và tiếp cận được 62 DN, chợ đầu mối, siêu thị có định hướng tiêu thụ sản phẩm của nông dân tỉnh ta.

 
Các sản phẩm chế biến từ nho tỉnh ta trưng bày tại hội thảo vang nho.

Đặc biệt thông qua các DN trong tỉnh, sản phẩm nông nghiệp địa phương hiện đã có mặt trong hệ thống siêu thị Co.op Mart ở các tỉnh, thành phố lớn trong nước. Đơn cử Trang trại Quang Ninh (Ninh Hải) đã ký hợp đồng cung cấp nho, táo, tỏi với các DN tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và hệ thống chuỗi Co.op Mart tại các tỉnh, thành phố: Vũng Tàu, Bình Định, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh; cơ sở Chế biến thực phẩm Viết Nghi (Phan Rang-Tháp Chàm) ký hợp đồng cung cấp các sản phẩm táo sấy và các sản phẩm chế biến từ nho với các DN, siêu thị tại Bình Thuận, Lâm Đồng, TP.Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có các DN, HTX trong tỉnh ký nhiều hợp đồng cung cấp dê, cừu, nho, táo cho các DN và hệ thống siêu thị Co.op Mart ở các tỉnh, thành phố trong nước.

Để nâng tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường tốt hơn cả về số lượng và chất lượng, vừa qua Ban Điều phối Dự án hỗ trợ Tam nông tỉnh phối hợp Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh tổ chức cho 45 tổ nhóm cùng sở thích của nông dân ký kết hợp tác với 9 DN (4 DN trong tỉnh và 5 DN ngoài tỉnh). Anh Võ Thái Tuấn, Phó Giám đốc Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh cho biết: Qua liên kết với các DN, các tổ nhóm cùng sở thích sẽ có điều kiện xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm theo hướng gia tăng giá trị, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đảm bảo an toàn, chất lượng. Hiện nay, để nâng cao tính hiệu quả từ hỗ trợ của dự án, Ban điều phối luôn hướng các tổ nhóm cùng sở thích của nông dân kết nối với các DN.

Tuy nhiên, do các DN lớn cho chuỗi giá trị trong tỉnh không nhiều, hầu hết quy mô nhỏ, lại chưa liên kết được với nông dân trong khâu thu mua, chế biến nên Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh xác định cần phải có cách tiếp cận mới, hướng đi riêng. Từ thực tế của tỉnh ta, để có hàng hóa đáp ứng thị trường, yếu tố cần thiết nhất là nông dân phải sản xuất, thu hoạch, bảo quản sản phẩm theo đúng quy trình sạch, trên cơ sở yêu cầu về chất lượng, khối lượng cung ứng của DN và thị trường. Theo hướng đó, Ban Điều phối Dự án hỗ trợ Tam nông tỉnh đang tập trung triển khai đào tạo theo hình thức “nông dân dạy nông dân” và “DN dạy nông dân” để gắn kết giữa nông dân với DN nhằm tạo ra sản phẩm mong muốn.