DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Mỹ Sơn: Phát triển chuỗi giá trị và thí điểm mô hình nuôi, trồng mới

(NTO) Qua gần 2 năm triển khai thực Dự án Hỗ trợ Tam nông, đến nay ngoài việc tập trung phát triển các chuỗi giá trị sẵn có, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) cũng đang triển khai thí điểm các mô hình nuôi trồng mới phù hợp, hướng tới các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.

Toàn xã Mỹ Sơn hiện có 6 thôn, với trên 10.520 khẩu/2.453 hộ. Theo thống kê, toàn xã hiện có tổng diện tích tự nhiên khoảng 12.870 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp hơn 4.500 ha. Qua định hướng của DASU huyện, cũng như xác định thế mạnh của địa phương là phát triển kinh tế nông nghiệp, từ năm 2013 đến nay, xã đã thành lập được 10 tổ hợp tác, nhóm chung sở thích để đi vào hoạt động, phát triển theo các chuỗi giá trị đã chọn: bò, dê, cừu, táo và chuối. Trong đó, gồm 2 nhóm sở thích chăn nuôi bò đực; 4 nhóm sở thích nuôi bò cái sinh sản; 1 nhóm nuôi dê; 1 nhóm nuôi cừu và 1 nhóm trồng táo. Sau khi đi vào hoạt động, các nhóm sở thích đều được hỗ trợ con giống, cây trồng cũng như hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc để tập trung phát triển.

Mô hình thí điểm “nuôi lươn không bùn” tại xã Mỹ Sơn.

Song song với việc phát triển các chuỗi giá trị đã thành lập, Ban Phát triển xã cũng tiếp nhận mô hình thí điểm từ các đơn vị liên quan, Ban Điều phối tỉnh triển khai về hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo để tìm hướng nuôi, trồng mới và nhân rộng tại địa phương sau này. Điển hình như mô hình “Nuôi lươn không bùn” được Chi cục Nuôi trồng thủy sản triển khai cho 2 hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn thôn Phú Thuận từ tháng 7 vừa qua. Tham gia vào mô hình này, các hộ được Dự án hỗ trợ 100% các chi phí, từ con giống, kinh phí xây dựng hồ nuôi, dụng cụ hỗ trợ lọc nước hồ nuôi, máy cán thức ăn, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc…hộ nuôi thí điểm chỉ bỏ công chăm sóc và sẽ hưởng lợi từ sản phẩn thu hoạch sau này. Chị Nguyễn Thị Hương, hộ được chọn thí điểm mô hình cho biết: Thực hiện quy trình nuôi thí điểm, gia đình được Chi cục Nuôi trồng thủy sản hỗ trợ 2.500 con lươn, xây dựng một hồ nuôi diện tích 10m² được chia ra làm 4 ngăn nuôi nhỏ. Đây là mô hình nuôi mới nhưng được sự hỗ trợ của ngành chức năng nên gia đình chú trọng chăm sóc theo đúng kỹ thuật để mang lại hiệu quả cao, sau này có thể nhân rộng mô hình ra trên địa bàn để nhiều hộ dân cùng tham gia. Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản, Chi cục Nuôi trồng thủy sản cho biết: Đây là một trong những mô hình nuôi mới trên địa bàn tỉnh ta, khác với nuôi lươn theo kiểu truyền thống, mô hình này được nuôi trên nền bạt và được thay lọc nước liên tục. Qua theo dõi của chúng tôi, sau khoảng 2 tháng thả nuôi số lượng con giống có tỷ lệ sống rất cao và sự phát triển của lươn khá tốt so với việc thả nuôi cũ. Dự kiến tháng 12 này mô hình sẽ thu hoạch để có cơ sở đánh giá hiệu quả mô hình.

Theo Ban Phát triển Tam nông xã Mỹ Sơn, mặc dù mô hình thí điểm nuôi, trồng mới trên địa bàn xã chưa cho kết quả, nhưng với những hỗ trợ từ Chương trình Hỗ trợ Tam nông việc phát triển các nhóm cùng sở thích theo chuỗi giá trị đã chọn sẵn, các mô hình thí điểm đầu tư hướng tới hộ nghèo, cận nghèo tại xã bước đầu mang lại tín hiệu khả quan và tạo được sự hưởng ứng của người dân.

Ngày 9-10, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Ban điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh tổ chức lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý điều hành cho 30 cán bộ quản lý HTX mới được củng cố, thành lập năm 2014 về những nội dung cơ bản của Luật HTX năm 2012; một số văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động của HTX nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động HTX; định hướng kinh doanh phù hợp với yêu cầu phát triển.