BAN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Ninh Phước: Đẩy mạnh thực hiện chuỗi giá trị

(NTO) Vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông huyện Ninh Phước được triển khai tại các xã Phước Vinh, Phước Thái và An Hải, với dân số gồm 7.639 hộ, trong đó có 1.158 hộ nghèo, 754 hộ cận nghèo. Theo hướng cải thiện một cách bền vững chất lượng cuộc sống của các hộ gia đình ở nông thôn như mục tiêu tổng thể của dự án đề ra, Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp (DASU) huyện Ninh Phước đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các hợp phần của dự án.

Anh Thiên Nhàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban DASU huyện Ninh Phước cho biết: Căn cứ 6 chuỗi giá trị (táo, nho, tỏi, bò, dê, cừu) được Ban Điều phối Dự án hỗ trợ Tam nông tỉnh phân tích, đánh giá và nâng cấp, DASU Ninh Phước đã xác định thế mạnh chuỗi giá trị sản phẩm cụ thể của từng xã, kể cả của từng thôn, qua đó lựa chọn ra 5 chuỗi giá trị sản phẩm phù hợp là bò, dê, cừu, táo và nho.

Thu hoạch táo sản xuất ở An Hải (Ninh Phước).

Tính từ năm 2013 đến nay, Ninh Phước đã thành lập tại 3 xã vùng dự án được 27 nhóm đồng sở thích, bao gồm 8 nhóm chăn nuôi bò (mỗi xã 3 nhóm, riêng Phước Thái có 2 nhóm), 4 nhóm chăn nuôi dê (3 nhóm An Hải, 1 nhóm Phước Thái), 7 nhóm chăn nuôi cừu (3 nhóm An Hải, 2 nhóm Phước Vinh, 1 nhóm Phước Thái); thành lập tại 2 xã vùng dự án 6 nhóm trồng táo (3 nhóm An Hải và 3 nhóm Phước Vinh) và thành lập tại 1 xã vùng dự án (An Hải) 2 nhóm trồng nho gồm 30 thành viên. Ngoài nhóm bò, trung bình mỗi nhóm có 20 thành viên, các nhóm còn lại trung bình có từ 12 đến 15 thành viên.

Theo đánh giá của DASU Ninh Phước, các hoạt động triển khai năm qua và năm nay đã tác động phát triển các chuỗi giá trị vì người nghèo. Cụ thể từ vốn của Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, DASU Ninh Phước đã hỗ trợ 20 con bò cái theo mô hình Heifer cho 10 hộ dân ở thôn Tà Dương (Phước Thái) và thôn Liên Sơn 2 (Phước Vinh), 2 con bò đực và 4 con bò cái giống cho 6 nhóm chăn nuôi bò, 18 con cừu sinh sản và 15 con dê sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo nuôi theo mô hình Heifer và hỗ trợ, hướng dẫn trồng cỏ giống trong vùng dự án. Đa số bò, dê, cừu nuôi đều phát triển tốt. Đối với chuỗi giá trị táo, nho, trong khuôn khổ dự án, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã hỗ trợ 80% vật tư cho các nhóm trồng táo ở các xã Phước Vinh, An Hải, các hộ dân tham gia mô hình đã nắm được quy trình kỹ thuật trồng táo an toàn và đạt sản lượng cao. Riêng từ đầu năm đến nay, tiếp tục phát triển các chuỗi giá trị vì người nghèo, DASU Ninh Phước phối hợp Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đang triển khai mô hình sản xuất táo theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Phước Vinh với diện tích 1,7 ha (8 hộ trồng) và mô hình sản xuất nho theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã An Hải, với diện tích 1,5 ha (10 hộ trồng). Thực hiện mô hình, các hộ được dự án hỗ trợ vật tư, phân bón và tập huấn kỹ thuật chăm sóc táo, nho.

Theo anh Thiên Nhàn, DASU Ninh Phước đang chú trọng triển khai hoạt động về kết nối thị trường cho các chuỗi giá trị nhằm tăng cơ hội cho hộ gia đình nghèo trong vùng dự án huyện. Đồng thời để đẩy nhanh tiến độ hiện thực hoá các mục tiêu của Dự án hỗ trợ Tam nông, DASU Ninh Phước đang xúc tiến trình kế hoạch cho huyện phê duyệt, hướng tới xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, làm cho người dân vùng dự án được hưởng lợi nhiều hơn.