Vấn đề hôm nay:

Nhận thức mới từ bài học cũ!

(NTO) Tỉnh ta có 47 xã được chọn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), trong số này có 11 xã được tập trung đầu tư làm điểm với mục tiêu hướng đến năm 2015 là hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM Chính phủ đã ban hành.

Để thực hiện theo đúng “lộ trình” đã đặt ra, có thể nói từ năm 2011 đến nay tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo và đầu tư thực hiện khá toàn diện theo “yêu cầu” của các tiêu chí. Nhờ đó, đến nay theo đánh giá của từng địa phương hiện chỉ còn 6 xã đạt dưới 5 tiêu chí, hầu hết tập trung ở các xã miền núi đặc biệt khó khăn, 36 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí và có 5 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí. Riêng tại 11 xã điểm đã có chuyển biến tích cực. Ngoại trừ xã Phước Đại (Bác Ái) mới đạt 6/19 tiêu chí còn lại bình quân đạt từ 10-11 tiêu chí, trong đó có 3 xã như Thành Hải (PR-TC) đạt 14 tiêu chí, Nhơn Sơn (Ninh Sơn), Công Hải (Thuận Bắc) đạt 13 tiêu chí...

Xã Bắc Phong (huyện Thuận Bắc) huy động mọi nguồn lực tham gia xây dựng
giao thông nông thôn. Ảnh: Sơn Ngọc

Điều rất đáng quan tâm là các xã xây dựng NTM đã huy động khá tốt các nguồn lực đầu tư, nhất là xây dựng hạ tầng như cứng hóa đường giao thông nông thôn; bê-tông hóa kênh mương nội đồng, giao thông nội đồng cũng như đường liên thôn, liên xã; đầu tư các mô hình sản xuất để nâng cao tiêu chí thu nhập... Có một số địa phương như Thuận Bắc đã “sáng tạo”, mở hướng cho nhân dân đóng góp tài lực, vật lực để xây dựng NTM như công khai chi phí làm đường giao thông ngoài phần hỗ trợ của Nhà nước để người dân hiểu và tham gia bằng tiền hoặc ngày công tương ứng, đồng thời qua đó thực hiện tốt việc giám sát cả khối lượng, chất lượng trong quá trình thi công. Hiệu quả thấy rõ là vận động được sự tự nguyện của người dân tại địa phương bởi lẽ hơn ai hết chính họ hiểu rõ ai là người hưởng lợi. Nhiều địa phương cũng thực hiện công khai hóa các mô hình sản xuất để người dân tham gia và chủ động đầu tư, nhất là trong sản xuất nông nghiệp...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện vẫn còn không ít địa phương còn lúng túng trong việc tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện quyền “làm chủ” của mình để từ đó tích cực tham gia xây dựng NTM. Lãnh đạo không ít địa phương thường than phiền về việc khó huy động sự đóng góp của người dân, trong đó cũng không loại trừ tư tưởng còn “ỷ lại”, xem việc xây dựng NTM là cơ hội để Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng hoặc có thêm các cơ sở vật chất khác mà nhiều năm qua địa phương không có điều kiện thực hiện. Đây quả là suy nghĩ chưa đầy đủ về Chương trình xây dựng NTM cả cấp ủy, chính quyền đến người dân, trái với mục tiêu được Chính phủ đặt ra là người dân mới thực sự là “chủ thể” đích thực từ khâu góp ý từng công việc cụ thể tại địa phương đến tham gia thực hiện và thụ hưởng… còn Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ, “kích cầu”. Nguyên nhân của hạn chế đã nêu chủ yếu là công tác tuyên truyền, vận động tại cơ sở chưa đến nơi, đến chốn, nhất là về mục tiêu của Chương trình là “vì người dân, hướng đến lợi ích của người dân” nên chưa tạo đồng thuận cao, chưa tạo nhận thức mới đó là người dân tự nguyên xây dựng NTM trước hết là vì cuộc sống của chính họ, sau đó là cộng đồng hưởng thành quả được tạo lập qua việc hoàn thành 19 tiêu chí bao quát hầu hết các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, môi trường, an ninh...

Có thể nói, để người dân thực sự hiểu rằng Chương trình Xây dựng NTM là vì nhân dân thì cả hệ thống chính trị cần phát huy tốt quy chế dân chủ, để người dân thực sự hiểu rõ vai trò “chủ thể” của mình. Bài học về “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và “Lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin” tuy không mới nhưng luôn có tính thời sự. Nếu các địa phương vận dụng, thực hiện tốt vào xây dựng NTM chắc chắn sẽ thành công.