DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Hiệu quả mô hình nuôi dê sinh sản

(NTO) Là một trong ba xã thuộc vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông huyện Ninh Hải, Vĩnh Hải có tổng diện tích tự nhiên 12.400 ha với trên 2/3 là đồi núi. Toàn xã có 5 thôn với dân số trên 6.500 người, trong đó có 2 thôn đồng bào dân tộc Raglai là Cầu Gãy, Đá Hang. Theo UBND xã, cuối năm nay, dự kiến tỷ lệ hộ nghèo ở Vĩnh Hải giảm còn 2,48% so với dân số.

Do địa hình tự nhiên, khi xác định chuỗi giá trị ưu tiên vì người nghèo, Ban Phát triển xã chọn chăn nuôi, một thế mạnh kinh tế nông nghiệp từ lâu của Vĩnh Hải. Hiện tổng đàn gia súc có sừng cả xã gồm: 900 con bò, trên 3.000 con dê và trên 1.000 con cừu. Anh Võ Phước, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Từ cuối tháng 9 năm ngoái, tổ chỉ đạo thực hiện Dự án hỗ trợ Tam nông của Hội Nông dân tỉnh đã thành lập 1 nhóm cùng sở thích nuôi dê gồm 7 thành viên tại thôn Thái An, ban đầu là thực hiện mô hình nuôi vỗ béo, nhưng sau do vấn đề giống nên chuyển sang nuôi sinh sản.

Anh Ngô Văn Tuấn chăm sóc đúng kỹ thuật nên 2 con dê nái và 1 dê đực vừa nhập đàn đã lớn nhanh.

Sau thời gian nuôi, mô hình đạt hiệu quả thấy rõ, nếu tính theo giá thị trường sẽ cho thu nhập bình quân mỗi hộ 10-18 triệu đồng. Tham gia mô hình, các hộ nông dân được chuyển giao dê giống (mỗi hộ 6 con), cụ thể có 42 con dê giống được hỗ trợ cho 7 hộ. Ngoài ra, còn hỗ trợ một số thực phẩm ban đầu và vật liệu cho các hộ trong tổ nhóm nuôi dê ở thôn Thái An làm chuồng nuôi. Trong quá trình nuôi, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức tập huấn cho nông dân về các kỹ thuật nuôi an toàn, bền vững.

Trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc có sừng nói chung và nuôi dê nói riêng, Vĩnh Hải có ưu thế vì địa bàn có đồng cỏ tự nhiên dồi dào, người dân có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, đặc biệt là tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như lá nho và lá các cây hoa màu khác. Ông Ngô Trừ, một người nuôi dê lâu năm ở thôn Thái An chia sẻ: Nuôi giống vật này không tốn kém nhiều về thức ăn, ở đây chỉ cần chịu khó là sẽ có đủ thứ lá cây cung cấp cho dê ăn. Vườn nho tập trung tại Thái An có diện tích 86 ha, qua tìm hiểu chúng tôi được biết nguồn lá nho từ nơi đây chủ yếu cung cấp cho các hộ chăn nuôi dê. Anh Ngô Văn Tuấn, Tổ trưởng tổ nuôi dê sau một thời gian tận dụng lá nho nuôi, đã bán thịt 3 con dê đực và tiếp tục mua lại 2 con dê nái và 1 con dê đực giống để nuôi. Theo anh, mô hình nuôi dê sinh sản giúp việc hưởng lợi nhanh chóng hơn, người dân có cơ hội thoát nghèo bền vững từ sản phẩm này. Đến nay, trong 26 con nái của tổ nhóm, đã có 16 con bắt đầu sinh sản và chắc chắn chỉ một thời gian nữa là đàn dê của tổ nhóm còn tăng lên.

Hiện tại, tuy tình hình hạn hán kéo dài đe dọa hoạt động sản xuất, nhưng nhờ nhân dân chủ động nạo vét ao, giếng nên Vĩnh Hải đã giảm bớt một phần khó khăn trong sản xuất. Riêng chăn nuôi, trong 6 tháng đầu năm nhờ giá cả dê, cừu tăng nên người chăn nuôi trên địa bàn xã vẫn ổn định. Công tác phòng chữa bệnh gia súc, gia cầm và làm vệ sinh chuồng trại được duy trì nên không có dịch bệnh xảy ra. Theo anh Võ Phước, thực hiện Dự án hỗ trợ Tam nông, căn cứ đặc điểm sản xuất địa phương, Ban Phát triển xã Vĩnh Hải đã xác định 6 chuỗi giá trị sản phẩm (dê, nho, tỏi, lúa, bò và heo đen), song qua thực tế phát triển đã chứng minh dê vẫn là chuỗi giá trị có nhiều ưu thế, trong đó rõ nhất là ưu thế tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có tại chỗ. Vì vậy, từ kết quả mô hình, người dân trong tổ nhóm nuôi dê thôn Thái An tiếp tục liên kết sản xuất, tạo dựng giá trị kinh tế bền vững và lâu dài nhằm thoát nghèo bền vững.