Đóng góp tích cực từ phong trào "Dân vận khéo" xây dựng nông thôn mới

(NTO) Theo nhận xét của Ban Dân vận Tỉnh ủy, từ đầu năm đến nay phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở tỉnh ta đã thực hiện đạt được nhiều kết quả trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Các cấp, các ngành đã đề ra nhiều giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang về tinh thần “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, chăm lo cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Ngay từ đầu năm, qua chỉ đạo, xây dựng kế hoạch kịp thời của các huyện, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và của các ngành, Mặt trận, đoàn thể, toàn tỉnh đã có 540 mô hình (trong đó có 389 mô hình tập thể, 151 mô hình cá nhân) đăng ký thực hiện thi đua phong trào “Dân vận khéo” tham gia xây dựng nông thôn mới năm 2014. Đa số các mô hình đăng ký đều gắn với 19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Điều này cho thấy sự chuyển biến trong việc nhận diện và lựa chọn đăng ký thực hiện các mô hình “Dân vận khéo”. Trong xây dựng nông thôn mới, quan tâm chỉ tiêu tăng thu nhập, Mặt trận, các đoàn thể tích cực vận động đoàn viên, hội viên thi đua làm kinh tế giỏi với nhiều hình thức sinh động. Đơn cử, Hội Nông dân có phong trào “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” và thành lập các tổ tín chấp vay vốn phát triển sản xuất; Hội Phụ nữ có phong trào “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”; Hội Cựu chiến binh có phong trào “Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi” và xây dựng quỹ giúp hội viên phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

 
Nông thôn xã Phước Nam, huyện Thuận Nam đang ngày càng khởi sắc.  Ảnh: Thanh Long

Trên lĩnh vực kinh tế, phong trào thi đua “Dân vận khéo” với nội dung vận động các tầng lớp nhân dân phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, hợp tác giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát ngèo, làm giàu chính đáng đã bước đầu gặt hái được những thành quả tích cực. Điển hình có 136 tập thể, 84 cá nhân đã triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình như: Tổ sản xuất rau an toàn ở thôn Từ Tâm 1 (Phước Hải, Ninh Phước); “1 phải, 5 giảm” của Chi hội Nông dân thôn Bỉnh Nghĩa (Bắc Sơn, Thuận Bắc); trồng rong sụn, nuôi cá bốp, ốc hương (Thanh Hải, Ninh Hải); tổ hợp tác đánh bắt cá xa bờ xã Cà Ná (Thuận Nam); “Nuôi cá chạch đồng” của Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư tỉnh. Ngoài ra còn có các mô hình hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh, mương nội đồng. Nổi bật là xã Cà Ná vận động nhân dân đóng góp 250 triệu đồng, huy động hàng trăm ngày công lao động làm 400 m đường bê-tông; xã Thanh Hải (Ninh Hải) vận động nhân dân đóng góp 127 triệu đồng làm 965 m đường giao thông ở 2 thôn Mỹ Tân 1, Mỹ Tân 2; Bộ CHQS tỉnh triển khai lực lượng tham gia 1.500 ngày công lao động giúp nhân dân bê-tông hóa 2.555 m tuyến đường khu đồng Ninh Căn, xã Hộ Hải (Ninh Hải).

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực văn hóa-xã hội với 153 tập thể, 47 cá nhân đăng ký thực hiện bước đầu đạt nhiều kết quả như các mô hình: “5 không, 3 sạch” của Hội Phụ nữ tỉnh; vận động các hội viên đóng góp tiền xây dựng “Nhà tình đồng đội Điện Biên” của Hội Cựu chiến binh tỉnh; vận động đoàn viên, thanh niên đóng góp xây dựng Nhà nhân ái của Tỉnh đoàn; xóa nhà ở tạm trong công nhân, viên chức, người lao động của Liên đoàn Lao động tỉnh; đào tạo nghề ngắn hạn và hỗ trợ giải quyết việc làm của Hội Nông dân tỉnh; Phòng Chẩn trị thuốc Nam miễn phí của Hội Đông y tỉnh… Nhiều mô hình, điển hình trong vận động nhân dân tham gia thực hành tiết kiệm; đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, các tệ nạn xã hội, tham nhũng, lãng phí; thực hiện tốt việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước; thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc; phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” được đẩy mạnh với nhiều hoạt động thiết thực…

Nhìn chung, qua đóng góp tích cực của phong trào “Dân vận khéo” xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn tỉnh ta thời gian qua từng bước được cải thiện, hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhà ở, trường học, y tế...có nhiều đổi mới, tiến bộ hơn so với trước. Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, qua quá trình triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, kinh nghiệm rút ra trước hết là phải đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy vai trò chủ thể thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm nhiệm vụ từ nay đến cuối năm và những năm tới của phong trào “Dân vận khéo” tham gia xây dựng nông thôn mới là phải hướng tới mục tiêu giải quyết việc làm, thu nhập, hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.