DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Phát triển chuỗi giá trị táo ở thôn Long Bình 1

(NTO) Hưởng lợi Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN), tháng 4 – 2013, Ban Phát triển xã An Hải (Ninh Phước) tiến hành khảo sát, thành lập Nhóm đồng sở thích trồng Táo ở thôn Long Bình 1. Sau 1 năm đi vào hoạt động, nhờ được tham dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật do Dự án HTTN mở, hộ trồng táo đã chuyển dần sang sản xuất theo quy trình mới mang lại hiệu quả cao hơn.

Đồng chí Trần Khánh Ninh, Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng Ban phát triển xã An Hải cho biết: Điều kiện sản xuất ở thôn Long Bình thuận lợi nhờ đất đai màu mỡ, và hưởng lợi từ nguồn nước hệ thống kênh Nam. Ngoài trồng lúa, những năm gần đây nông dân có xu hướng canh tác thêm các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như táo, nho... Riêng cây Táo đã tăng lên 40 ha. Trồng 1 sào Táo mỗi năm cho thu nhập khoảng 35 triệu đồng, trong khi trên cùng diện tích-nếu trồng lúa, chỉ cho thu nhập khoảng 6 triệu đồng. Lợi nhuận trồng Táo cao, đã kích thích nông dân mở rộng diện tích sản xuất.

Nhóm đồng sở thích trồng táo ở thôn Long Bình 1 sản xuất theo quy trình mới.

Ưu thế vượt trội của cây Táo đã rõ. Tuy nhiên, do đầu tư ban đầu cao (trồng 1 sào Táo từ khi xuống giống đến khi thu hoạch thời gian kéo dài 1 năm, chi phí hết khoảng 30 triệu đồng), nên không phải hộ nào cũng đủ khả năng trồng. Ông Đào Thiện Phong, Trưởng BQL thôn cho biết: Toàn thôn có hơn 600 hộ. Việc thành lập Nhóm đồng sở thích trồng Táo theo tiêu chí của Dự án HTTN đã khuyến khích hộ khá “nâng đỡ” hộ nghèo cùng phát triển, góp phần đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo ở thôn. Nhóm đồng sở thích trồng Táo của thôn hiện nay có 13 hộ; trong đó, có 2 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo. Nhóm trưởng là anh Nguyễn Xuân Tòng có thâm niên trồng Táo gần 10 năm. Nhờ có nhiều kinh nghiệm, cùng với sự tích cực tham gia dự các lớp tập huấn, nên anh nắm vững kỹ thuật trồng Táo. Đáng khen là anh luôn đề cao tinh thần trách nhiệm với các thành viên. “Tôi từng chủ trì 2 buổi truyền đạt kỹ thuật trồng Táo cho các thành viên trong nhóm. Đến nay, cả nhóm đã nắm vững quy trình sản xuất Táo theo hướng an toàn, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Các thành viên rất vui mừng vì Dự án HTTN đã giúp 2 hộ cận nghèo về phân bón, thuốc khử ruồi để thực hiện mô hình sản xuất Táo an toàn” - anh Tòng, nói.

Đi vào hoạt động, các thành viên trong nhóm thường xuyên thông tin tình hình giá cả, sử dụng giống mới, kinh nghiệm phòng ngừa sâu bệnh… Một số thành viên mạnh dạn đầu tư trồng mới, mở rộng diện tích táo. Đơn cử như anh Nguyễn Văn Trong thuộc diện nghèo vừa trồng mới 2 sào. Anh Trong thổ lộ: Nhà tôi có 3 sào đất màu nhưng trước đây chỉ trồng 1 sào Táo, không dám mở rộng vì thiếu kinh nghiệm, vừa thiếu vốn. Từ khi tham gia vào Nhóm đồng sở thích, được sự động viên, giúp đỡ của những người đi trước, tôi mạnh dạn đầu tư trồng mới, hiện Táo đã gần leo giàn, độ 6 tháng nữa cho trái.

Đồng chí Trần Khánh Ninh cho biết thêm, từ nguồn vốn của Dự án HTTN, trong năm nay, địa phương sẽ triển khai xây dựng tuyến đường giao thông dài 600 m ở thôn Long Bình 1 phục vụ chuỗi giá trị Táo. Địa phương cũng tạo mọi điều kiện để các hộ nghèo tiếp cận vốn vay ngân hàng phát triển trồng Táo theo đề xuất, nguyện vọng của Nhóm đồng sở thích.