DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Thôn Láng Me phát triển chuỗi giá trị lúa

(NTO) Là một trong ba thôn của xã Bắc Sơn thuộc vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN) huyện Thuận Bắc, Láng Me có diện tích đất sản xuất gồm 90 ha ruộng lúa nước và 30 ha đất lúa rẫy. Ngoài trồng trọt, người dân Láng Me còn chăn nuôi bò, dê, cừu để cải thiện cuộc sống. Nhờ trải dọc theo tuyến Tỉnh lộ 708, Láng Me còn có điều kiện thuận lợi về giao thông và vận chuyển hàng nông sản.

Đến Láng Me, điều ghi nhận đầu tiên của chúng tôi là vẻ khang trang của bộ mặt xóm thôn. Anh Nguyễn Duy Kỷ, Trưởng thôn Láng Me giới thiệu: Ở đây có trụ sở thôn, có nhà cộng đồng; năm học này, Trường TH Láng Me còn được Nhà nước đầu tư xây thêm dãy lầu 1 tầng gồm 4 phòng học, nói chung về hạ tầng xã hội là đầy đủ. Theo điều tra trong 385 hộ thường trú tại thôn, hiện Láng Me có 21 hộ nghèo và 38 hộ cận nghèo.

Nông dân thôn Láng Me phát triển chuỗi giá trị bò.

Vừa qua, được thụ hưởng từ Dự án HTTN, Láng Me đã được đầu tư giai đoạn 1 làm đường nội đồng có chiều dài 152 m và rộng 3 m dẫn ra vùng trồng lúa Mã Ốc. Dự kiến giai đoạn 2 sẽ làm tiếp đoạn còn lại vào xứ đồng có diện tích 18 ha của 70 hộ dân Raglai thôn Xóm Bằng 2. Trong thực tế, do liền kề các xứ đồng khác, con đường này sẽ giúp cho thêm 100 ha diện tích lúa của xã Bắc Sơn hưởng lợi chứ không riêng gì Láng Me. Hiện nay với tuyến đường nội đồng hoàn thành giai đoạn 1, việc đưa vật tư, phương tiện cơ giới và vận chuyển nông sản thu hoạch của nông dân Láng Me đã thuận lợi hơn rất nhiều. Gần đây Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện (DASU) Thuận Bắc tiếp tục khảo sát, đo đạc để kiên cố hóa hệ thống kênh nhánh tưới tiêu đồng Bà Hòa dài 1.500 m, trong đó bao gồm cả xây 2 bờ tràn Bàu Tre và Du Kích.

Dù đang mùa nắng nóng kéo dài, những cánh đồng lúa vụ đông- xuân của Láng Me vẫn xanh tốt nhờ các kênh nhánh dẫn nước tưới từ hồ Sông Trâu về. Ông Đoàn Long, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn cho biết: Thôn có 90 ha ruộng lúa nước chỉ làm được 2 vụ ăn chắc, năm nào mưa nhiều mới làm 3 vụ nhưng thường vụ hè-thu nông dân không dám canh tác vì thiếu nước. Dù năng suất chỉ đạt bình quân 5 tấn/ha, lúa vẫn là cây trồng chính ở đây nên việc bê-tông hóa các kênh mương giữ nước từ Dự án HTTN có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là lý do mà trong 6 chuỗi giá trị sản phẩm (bò, dê, cừu, lúa, bắp, đậu xanh) dù đã được Ban Phát triển xã Bắc Sơn xác định, song căn cứ thực tế địa phương Láng Me chỉ chọn lúa, bò, dê, cừu làm chuỗi giá trị phát triển. Tuy nhiên đến nay ngoài kế hoạch xây dựng tổ hợp tác sản xuất lúa, Láng Me vẫn chưa thành lập được nhóm cùng sở thích nào dù có tổng đàn gia súc gồm 180 con bò, 600 con dê và 100 con cừu nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Nguyên nhân là do các đối tượng nghèo và cận nghèo chưa ổn định về điều kiện, không có đất đai canh tác, làm chuồng trại hoặc thuộc diện người cao tuổi, không còn sức lao động nên dù nhiều lần tiến hành, Láng Me vẫn chưa hình thành được các tổ nhóm nuôi bò, dê, cừu.

Trước tình hình đó, thôn Láng Me kiến nghị DASU Thuận Bắc chuyển từ hình thức lập nhóm cùng sở thích sang hỗ trợ giống đạt chuẩn để phát triển chuỗi giá trị lúa, đặc biệt là hỗ trợ hạ tầng phục vụ cho tổ hợp tác sản xuất lúa sắp hình thành. Theo tính toán, bình quân mỗi sào cần 25-30 kg giống và việc hỗ trợ cần thông báo trước cho nông dân khoảng 1 tháng. Mặt khác, trong thời gian qua, Láng Me đã huy động dân đóng góp làm con đường cấp phối sỏi đỏ dài trên 600 m dẫn từ tỉnh lộ 708 vào cánh đồng lúa gần bờ tràn Bàu Tre, nay muốn được Dự án HTTN hỗ trợ bê-tông hóa.

Theo chủ trương của Ban chỉ đạo Dự án HTTN tỉnh, trong năm nay việc đầu tư từ dự án phải hướng đến mục tiêu góp phần xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là tăng thu nhập người dân nông thôn. Mong muốn kiến nghị của thôn Láng Me sẽ được Dự án HTTN tỉnh quan tâm vì phù hợp thực tế, nhằm phát triển chuỗi giá trị sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện đời sống hộ nghèo ở địa phương.