Những kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới

Sau gần 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), cả nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, đưa nông nghiệp-nông thôn Việt Nam lên một thế và lực mới.

Trên 50% xã đạt chuẩn NTM

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008, Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình hành động của Chính phủ (Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28-10-2008), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 và Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16-8-2016 với các mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là trên 50% số xã đạt chuẩn NTM.

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, xây dựng NTM đã thực sự trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân cả nước nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia.

Tính đến tháng 10-2019, cả nước có 4.665 xã (52,4%) được công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân cả nước đạt 15,32 tiêu chí/xã, (tăng 10,6 tiêu chí so với năm 2010) và cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí; có 109 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, cả nước đã có 7 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM là: Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ. Và 2 tỉnh có 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là Đồng Nai và Nam Định.

Như vậy, chúng ta đã hoàn thành mục tiêu 5 năm (2016-2020) sớm gần 2 năm so với mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao (đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bộ mặt nông thôn thay đổi đáng kể

- Kết cấu hạ tầng thay đổi vượt bậc

Sau gần 10 năm, kết cấu hạ tầng nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc. Trong đó, hạ tầng giao thông tăng nhanh với trên 206.000 km đường giao thông được xây dựng mới và nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Cùng với đó, hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện với 904 hệ thống thủy lợi phục vụ tưới, tiêu từ 200 ha trở lên, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các địa phương. Đến nay, 100% số xã và 99,1% số hộ nông thôn đã có điện, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản và tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp...

Phước Diêm (Thuận Nam) đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông góp phần đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới năm 2018. Ảnh: Văn Nỷ

- Kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng

Trong những năm qua, kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá và chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và từng bước thu hẹp khoảng cách với đô thị.

Đặc biệt, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả quan trọng, quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được nhiều doanh nghiệp, trang trại và hộ nông dân áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, các địa phương đã phát triển được trên 27.000 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao.

Ở lĩnh vực thủy sản, đây là ngành có sự tăng trưởng cao nhất trong nông nghiệp với tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất đạt bình quân 5,5%/năm. Đánh bắt và đặc biệt là nuôi trồng thủy sản đã có bước phát triển đột phá, nâng tầm Việt Nam thành cường quốc xuất khẩu thủy sản trên thế giới.

Các lĩnh vực khác cũng đạt kết quả tích cực. Công nghiệp nông thôn tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành, đạt bình quân 12,2% trong giai đoạn 2010-2018; về thương mại, các địa phương đã bước đầu quan tâm tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm ở các thị trường lớn (TP phố Hồ Chí Minh, Hà Nội...) cũng như tại các thị trường quốc tế (Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ….); Các mô hình về phát triển du lịch nông thôn đã và đang từng bước phát triển mạnh tại các địa phương, góp phần hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập cho người dân...

Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh, từ mức 12,8 triệu năm 2010 lên mức 35,88 triệu đồng/người năm 2018. Khoảng cách về thu nhập giữa nông thôn và thành thị giảm xuống còn 1,8 lần năm 2018.

- Chất lượng y tế, giáo dục được nâng cao

Về giáo dục, hệ thống cơ sở hạ tầng giáo dục ở nông thôn tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nông thôn. Chương trình phổ cập giáo dục các cấp đạt kết quả cao. Hầu hết các tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non; tỷ lệ trẻ 6 tuổi huy động vào lớp 1 năm 2019 là 99,6%; tỷ lệ xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở là 100%

Cùng với đó, dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân nông thôn được tăng cường; mạng lưới y tế cơ sở từng bước được củng cố và phát triển. Đến nay 100% xã trên cả nước có trạm y tế, trong đó 76% đạt tiêu chí quốc gia. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng, tính đến 31-8-2019 đạt khoảng 89,6% (khoảng 85 triệu người).

- Đời sống văn hóa của người dân nông thôn được nâng cao

Trong những năm qua, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao quần chúng trong các khu dân cư được đẩy mạnh và ngày càng sôi động. Những phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Gia đình văn hóa”… và gần đây là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Cả nước chung sức xây dựng NTM” đang tạo ra một cuộc sống tinh thần mang tính cộng đồng cao trong làng, xã trên phạm vi cả nước.

Nhiều lễ hội truyền thống được phục hồi, phát triển và hình thành mới (Lễ hội Hoa Tam giác mạch ở Hà Giang, Lễ hội trái cây ở Bắc Giang, Lễ hội Hoa Ban ở Điện Biên, Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, Lễ hội sen Đồng Tháp, lễ hội dừa Bến Tre…) góp phần gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời thúc đẩy du lịch phát triển. Qua đó, văn hoá không chỉ là truyền thống, bản sắc của dân tộc mà từng bước trở thành nhân tố tích cực, trực tiếp đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của nhiều miền quê trên cả nước.

- Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã có bước đột phá

Đã có 59/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn; 42/63 tỉnh, thành phố có kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn. Nhiều địa phương đã chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng “phương án bảo vệ môi trường làng nghề”. Những phong trào như “Sạch làng, đẹp ruộng”, “Thắp sáng làng quê”… đang dần dần nâng cao ý thức của cư dân nông thôn về giữ gìn môi trường sinh thái và môi trường xã hội...

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng NTM

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trên, công tác xây dựng NTM vẫn tồn tại một số hạn chế. Kết quả xây dựng NTM của một số vùng còn thấp hơn so với mặt bằng chung và còn khoảng cách chênh lệch khá lớn giữa các vùng, miền; một số địa phương khác có số xã đạt chuẩn rất thấp dưới 20%, như: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Kon Tum. Bên cạnh đó, hạ tầng nông thôn phát triển chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Việc áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa tạo được những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu quốc gia, giá trị gia tăng cao. Vấn đề ô nhiễm môi trường ở một số địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, trong đó có ô nhiễm nguồn nước ở các tuyến sông, kênh, mương...

Chương trình xây dựng NTM đặt mục tiêu, đến năm 2025, có ít nhất 15 tỉnh, 40% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 80% số xã đạt chuẩn NTM và không còn xã dưới 10 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025.

Để đạt mục tiêu trên, Ban chỉ đạo các chương trình quốc gia đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, bao gồm:

Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn.

Tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế; tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu; thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch.

Đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn. Tiếp tục phát động và duy trì các phong trào nói không với rác thải nhựa. Đẩy mạnh xử lý môi trường ở những nơi gây ô nhiễm nghiêm trọng như làng nghề...

Chú trọng nâng cao hơn chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao ở nông thôn.

Tăng cường phát huy vai trò tự quản, sự tham gia của người dân đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn và an ninh quốc phòng khu vực biên giới.

Theo TTXVN