Kết quả qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới

Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), kinh tế-xã hội các xã trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc.

Đến tháng 9-2019, có 20/47 xã đạt chuẩn NTM; trong đó, 16 xã đạt chuẩn theo bộ tiêu chí cũ và 4 xã đạt chuẩn theo bộ tiêu chí mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt gần 26 triệu đồng/người/năm, tăng 2,16 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới đa chiều giảm xuống còn 11,48%. Các ngành, các cấp đang nỗ lực vào cuộc thực hiện chương trình với quyết tâm phấn đấu đến cuối năm năm 2019 có thêm 5 xã và 1 huyện đạt chuẩn NTM.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, huyện Ninh Phước triển khai
Mô hình cánh đồng lớn trồng măng tây xanh ở xã An Hải, góp phần hoàn thành tiêu chí về thu nhập. Ảnh: A.Tùng

Nhìn lại chặng đường xây dưng NTM để thấy, xuất phát từ thực tế cuộc sống khó khăn của người dân ở khu vực nông thôn, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung mọi nguồn lực, huy động sức dân cải tạo hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, giai đoạn 2010-2019, nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ chương trình 229,75 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, các huyện đã ưu tiên đầu tư, xây dựng 163 km đường giao thông; nâng cấp, cải tạo 255 km, bảo trì 498 km; đầu tư mới 8 cây cầu, với tổng chiều dài 573 m, đảm bảo cho phương tiện ô tô đến được trung tâm của 47 xã. Hệ thống kênh mương nội đồng được kiên cố hơn 61 km, góp phần tưới tiêu nước, chủ động sản xuất, đáp ứng yêu cầu dân sinh và phòng, chống thiên tai. Thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, các đơn vị chức năng cũng đã đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp hệ thống lưới điện trên địa bàn các xã đảm bảo cung cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Ngành điện đã đầu tư 379 trạm biến áp và 400 km đường điện trung thế, hạ thế, giúp các xã cơ bản hoàn thành tiêu chí về Điện. Cơ sở vật chất y tế, văn hóa, giáo dục, hạ tầng thương mại nông thôn cũng được đầu tư đồng bộ. Tính đến nay, 47 xã có 210 trường học, đáp ứng yêu cầu học tập của con em cư dân nông thôn; toàn tỉnh có 22 chợ nông thôn được đầu tư mới và nâng cấp cải tạo, với tổng kinh phí gần 39 tỷ đồng, thuận lợi cho người dân trao đổi và mua bán hàng hóa. Với sự đầu tư của người dân và sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà ở khu vực nông thôn được cải thiện, nhiều xã không còn nhà tạm, đến giữa năm 2019 có 37/47 xã đạt tiêu chí về Nhà ở.

Phước Nam (Thuận Nam) kiêng cố hóa kênh mương nội đồng góp phần phát triển
kinh tế nông nghiệp, hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Văn Nỷ

Tuân thủ mục tiêu cốt lõi của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở khu vực, các huyện chỉ đạo phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo thu nhập cho các hộ. Nhiều xã đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng tập trung ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các chuỗi giá trị ngành hàng (bò, heo đen, dê, cừu, táo, nho, măng tây xanh…). Các mô hình có hiệu quả, mô hình sản xuất theo hình thức liên kết giữa các hộ và doanh nghiệp được triển khai nhân rộng. Điểm nổi bật trong chỉ đạo sản xuất ứng phó với thời tiết khô hạn đó là các huyện tập trung vận động chuyển đổi đất lúa sang canh tác các loại cây tiết kiệm nước, tạo đột phá trong tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân. Từ năm 2016 đến vụ hè - thu năm 2019 chuyển đổi cây trồng được khoảng 7.000 ha; trong đó, chuyển đổi bền vững sang cây dài ngày hơn 1.700 ha, đạt hiệu quả kinh tế cao, giá trị đơn vị diện tích ở các vùng chuyển đổi đạt từ 200-300 triệu đồng/ha/năm.

Từ làm tốt công tác hỗ trợ củng cố hợp tác xã (HTX) hoạt động theo mô hình mới, nhiều HTX đã làm tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với nông dân trong thực hiện mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tiêu biểu như HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tuấn Tú (xã An Hải) liên kết với Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận trồng măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích 53 ha, doanh thu bình quân đạt khoảng 700 triệu đồng/ha/năm; HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước An (xã Phước Vinh) liên kết với doanh nghiệp mở rộng diện tích sản xuất bắp lai giống với tổng diện tích 250 ha, lợi nhuận bình quân đạt 40 triệu đồng/ha/vụ.

Có thể nói, thành quả từ xây dựng NTM đã làm thay đổi bộ mặt các làng, xã, kinh tế vùng nông thôn chuyển biến tích cực, điều kiện sống cả về vật chất lẫn tinh thần của bà con được nâng cao rõ rệt. Hướng phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao từng bước hình thành, các xã đã khai thác được tiềm năng, lợi thế sản xuất các loại cây trồng đặc thù, tạo sự khác biệt, sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Đồng chí Đặng Kim Cương, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, cho biết: Đạt được kết quả trên đó là nhờ các ngành, các cấp làm tốt công tác tuyên truyền vận động để người dân hiểu được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM mới, từ đó tích cực tham gia đóng góp công sức, tiền của, hiến đất xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Nhiều địa phương phát huy tốt quy chế dân chủ, công khai, minh bạch trong sử dụng nguồn lực, nhất là nguồn lực huy động ngoài ngân sách nhà nước đảm bảo có sự tham gia, bàn bạc dân chủ và thống nhất của người dân.