Nhiều thành tựu đáng ghi nhận
Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên bao gồm 13 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông.
Sau 10 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, cả 2 vùng có 604/1.424 (42,41%) xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), bình quân đạt 15,21 tiêu chí/xã; 9 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; chưa có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
- Diện mạo nông thông thay đổi đáng kể
Trong suốt 10 năm qua, các địa phương vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã chú trọng ưu tiên nguồn lực đầu tư để xây dựng mới, nâng cấp hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, bước đầu cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân.
Cụ thể: Cả 2 vùng có khoảng 11.000 km đường giao thông nông thôn được xây dựng mới bằng bê tông hoặc nhựa hóa, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hàng hóa; 100% số xã có điện lưới quốc gia và trên 99% số thôn, bản có điện, góp phần nâng cao điều kiện sống của người dân nông thôn, đồng thời tạo điều kiện cho người dân áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, trường học các cấp được chú trọng đầu tư và nâng cấp trang thiết bị; trạm y tế của các xã trong vùng đã được quan tâm đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp; nhà văn hóa thôn, bản, ấp được đầu tư xây dựng và thực sự trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thể thao chung thu hút nhiều người dân tham gia.
- Phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp
Phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp được các địa phương chỉ đạo thực hiện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao lợi thế cạnh tranh các sản phẩm ngành hàng. Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ chú trọng phát huy kinh tế biển (sản lượng thuỷ hải sản khai thác ước đạt 887,5 nghìn tấn/năm, chiếm 29,23% cả nước), tăng cường chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả (nho Ninh Thuận, thanh long Bình Thuận...), diện tích trồng cây dược liệu quý như: sâm Ngọc Linh, sâm cau đỏ, ba kích, quế, đẳng sâm… cũng tăng; các tỉnh Tây Nguyên chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng từ cây có giá trị thấp như: điều, ngô, lúa... sang rau, hoa, cây ăn quả, cây công nghiệp.
Mô hình dưa lưới công nghệ cao, hướng đi mới cho nông dân Ninh Thuận. Ảnh: Sơn Ngọc
Từ đó, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung như: bơ, sầu riêng, hồ tiêu… ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum; rau, hoa ở Lâm Đồng, sâm Ngọc Linh ở Kon Tum... Nhiều địa phương đã chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình là tỉnh Lâm Đồng. Đến tháng 8-2019, hai vùng đã có 149 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến, đồng thời quảng bá và thúc đẩy phát triển du lịch nhiều địa phương đã chủ động tổ chức các lễ hội, festival ngành hàng như: Lễ hội cà phê ở Đắk Lắk; Festival Hoa Đà Lạt của Lâm Đồng; Lễ hội bơ ở Đắk Nông, Gia Lai; Lễ hội sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam…
Sau hơn 1 năm triển khai Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy phát triển những sản phẩm đặc sản các địa phương. Tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa đến 2020 của 2 vùng là 582 sản phẩm, chiếm 15,8% cả nước.
Nhờ đẩy mạnh phát triển sản xuất, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 khu vực nông thôn của 2 khu vực trên có sự chuyển biến tích cực, đạt khoảng 27,87 triệu đồng/người đối với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và 30,45 triệu đồng/người tại Tây Nguyên. Tuy nhiên, mức thu nhập này vẫn thấp hơn so với bình quân chung của cả nước (35,88 triệu đồng). Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, lần lượt là 6,49% và 10,36%.
- Công tác bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn
Công tác xử lý rác thải tập trung được triển khai ở nhiều địa phương. Một số địa phương tăng cường thu hút đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn (Quảng Nam, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Thuận); hình thành nhiều tổ/đội thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, rác thải sinh hoạt, rác thải ven biển (Bình Thuận, Đà Nẵng, Bình Định). Nhiều mô hình cải tạo cảnh quan được áp dụng sáng tạo, như: mô hình trồng hoa, trồng cây xanh dọc hai bên đường giao thông (Quảng Nam, Phú Yên...); mô hình con đường bích họa (Quảng Nam), mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu” về cảnh quan đường làng, ngõ xóm “sáng, xanh, sạch, đẹp” (Quảng Nam, Quảng Ngãi…).
- Chất lượng đời sống văn hoá tinh thần của của người dân ngày càng được nâng cao
Với đặc trưng văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc của hơn 40 dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn, trong thời gian qua, các địa phương 2 vùng đã chú trọng hơn đến công tác bảo tồn, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Nhiều câu lạc bộ, lễ hội được thành lập, tổ chức như: Câu lạc bộ Cồng chiêng của Đắk Nông; Câu lạc bộ hát Bài chòi của Quảng Nam; lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Bana, E đê, Gia rai, Cơ Tu… Đồng thời các địa phương cũng phát huy khai thác các di sản văn hóa đã được công nhận (Khu đền tháp Mỹ Sơn của Quảng Nam, đô thị cổ Hội An; Tháp Chàm ở Ninh Thuận, Khánh Hòa; Tháp Chăm ở Bình Định…) để phát triển kinh tế du lịch.
Phấn đấu đạt 68% xã đạt chuẩn nông thôn mới
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, công tác xây dựng NTM tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vẫn còn những hạn chế nhất định. Cụ thể, kết quả xây dựng NTM tại 2 vùng này vẫn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước, vẫn còn 27 huyện chưa có xã đạt chuẩn NTM, chất lượng công nhận xã đạt chuẩn NTM ở một số nơi còn chưa đảm bảo; nhiều nơi, các công trình hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ, hệ thống giao thông xuống cấp, công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi, nước sạch, các thiết chế văn hóa, thể thao một số địa phương còn kém hiệu quả; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt còn thấp; thu nhập người dân nông thôn tăng chậm, chưa bền vững, phụ thuộc nhiều thời tiết và biến động của thị trường…
Hạ tầng giao thông xã An Hải (Ninh Phước) được nhựa hóa tạo thuận lợi cho giao thương. Ảnh: Văn Nỷ
Mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2021-2025 vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có ít nhất 3/13 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; mỗi tỉnh Nam Trung Bộ, có ít nhất 30% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, Tây Nguyên là ít nhất 20%. Toàn vùng có 3 huyện nông thôn mới kiểu mẫu, 68% số xã đạt chuẩn NTM và không còn xã dưới 10 tiêu chí. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân của người dân nông thôn trong vùng đến năm 2025 tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Để thực hiện được mục tiêu trên, hai vùng đã đề ra những giải pháp cụ thể, bao gồm: Nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, phổ biến các mô hình, điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay để nhân rộng; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM, có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ các địa phương khó khăn; rà soát, điều chỉnh và ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về NTM theo các cấp (xã, huyện, tỉnh) và theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) phù hợp với điều kiện thực tế, nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đặc trưng văn hoá của từng địa phương; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, kết nối với nông thôn và đô thị, các chuỗi liên kết sản xuất hỗ trợ nông dân, công tác bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, tập trung thực hiện hiệu quả các nội dung của Chương trình: Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó, chú trọng khai thác được lợi thế tuyệt đối của mỗi vùng; hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn; nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao nông thôn, bài trừ tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh nông thôn; giữ vững và phát huy sự đa dạng, phong phú về văn hóa của các dân tộc, làm cơ sở để nhân rộng các mô hình du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá ở các vùng nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân; tăng tỷ lệ thu gom và xử lý: chất thải rắn, nước thải sinh hoạt, tập trung phát triển các mô hình thôn, xóm xanh, sạch, đẹp.
Ngoài ra, tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực, huy động tối đa nguồn lực của địa phương; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng...
Theo TTXVN